Thống đốc nói về việc sở hữu chéo ngân hàng

23/11/2023, 21:46

TCDN - Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận định, để ngăn chặn việc đứng tên sở hữu hộ, sở hữu chéo trong ngân hàng đòi hỏi phải có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa ngành ngân hàng với các cơ quan quản lý, bộ, ngành, địa phương.

Chiều 23/11, giải trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, việc chặn sở hữu chéo, thao túng đầu ra của tổ chức tín dụng được nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm bởi thực tế, có ngân hàng do ông chủ doanh nghiệp là cổ đông chi phối; gần đây vụ việc xảy ra ở Ngân hàng Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gây xôn xao, lo lắng trong nhân dân.

Dự thảo luật mà Quốc hội thảo luận vào tháng 5 có những quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân từ 5% xuống 3%. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận nhiều đại biểu có ý kiến không cần thiết phải giảm xuống 3%, quy định như vậy và đặt ra câu hỏi là quy định như vậy thì có xử lý được triệt để hay không?

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, nếu chỉ với bản thân ngành ngân hàng thì chưa đủ. Bởi vì nếu quy định 5% cổ phần nhưng cổ đông cứ cố tình nhờ người khác đứng tên thì việc xử lý thao túng này cũng không thể xử lý được.

“Cần phải ngăn chặn việc đứng tên sở hữu hộ như thế nào, chỗ này lại đòi hỏi phải có một sự phối hợp rất chặt chẽ giữa ngành ngân hàng với các cơ quan quản lý, bộ, ngành hay địa phương”, bà Hồng nhấn mạnh.

Trong dự thảo luật đã quy định với những cổ đông nắm giữ trên 1% phải công bố rất công khai. Như vậy, nếu có cổ đông mà bản thân không có thu nhập hoặc chỉ là những nhân viên bình thường mà nắm giữ một cổ đông lớn thì có thể dễ phát hiện ra.

Bà Hồng cho rằng trong dự thảo Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi lần này có quy định giảm tín dụng cho khách hàng hoặc khách hàng có liên quan từ 15% xuống 10% dư nợ. Một số đại biểu nêu có lộ trình, và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đề xuất giao Chính phủ xây dựng lộ trình này.

Về thanh tra, giám sát, bà Hồng cho biết bản thân NHNN luôn nhận diện được thanh tra, giám sát là thường xuyên, liên tục. Tại các ngân hàng, cũng có bộ phận giám sát, kiểm tra này. NHNN tăng cường trách nhiệm giám sát tối cao của bộ phận này ở các tổ chức tín dụng nhằm để họ không phải thực hiện mệnh lệnh của các ông chủ ngân hàng.

"Tổ chức tài chính phải là người giám sát tối cao hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban điều hành ngân hàng. Đó là một số giải pháp để tăng cường, hoàn thiện chỉnh lý để giảm thao túng, sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng", bà Hồng nói.

Liên quan đến hoạt động can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt và cho vay đặc biệt mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, Thống đốc NHNN khẳng định đây là vấn đề rất lớn, nên phải có quy định pháp luật, trong trường hợp đặc biệt, xảy ra sự cố, các tổ chức mới tổ chức thực hiện được. 

Bà Hồng cho biết, băn khoăn lớn của NHNN là cơ quan soạn thảo băn khoăn vì ngân hàng có tác động lan truyền, ảnh hưởng an ninh tiền tệ quốc gia. Nếu trường hợp khẩn thiết mà Luật quy định không có, lúc ấy khi cơ quan quản lý rất khó có thể biện pháp xử lý được. 

Bà Hồng đề nghị các cấp có thẩm quyền cần có cơ sở pháp lý đối với các hoạt động kiểm soát, can thiệp đặc biệt để trong trường hợp cấp thiết khi sự việc ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia, các cấp có thẩm quyền xử lý.

Minh Anh
Bạn đang đọc bài viết Thống đốc nói về việc sở hữu chéo ngân hàng tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Người dân trông chờ thu hồi tài sản, tiền trong vụ Vạn Thịnh Phát
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng vụ Vạn Thịnh Phát là vụ nhận hối lộ bằng tiền mặt lớn nhất từ trước đến nay. Đây có thể chỉ là bề nổi của tảng băng bị vỡ, còn những tảng băng khác chưa bị vỡ, người dân rất trông chờ vào việc thu hồi tài sản, tiền của các đối tượng này trong vụ án.