Đại biểu quốc hội: Cần chấm dứt tình trạng sở hữu chéo trong ngân hàng

10/06/2023, 19:15
báo nói -

TCDN - Tại phiên thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), vấn đề sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng được các đại biểu quan tâm và yêu cầu cần các giải pháp đủ mạnh để chất dứt tình trạng này.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) quan tâm đến việc xử lý sở hữu chéo liên quan đến các tổ chức tín dụng. Đại biểu cho rằng, vấn đề đặt ra không phải là hạn chế, mà cần chấm dứt tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống tín dụng. Đây là vấn đề rất khó khăn, những quy định trong Điều 55, Điều 127 trong dự thảo chưa đủ mạnh để chấm dứt tình trạng sở hữu chéo.

Theo đại biểu, các giải pháp trong dự thảo luật còn thụ động, chưa hiệu quả. Nhấn mạnh việc chấm dứt sở hữu chéo liên quan đến việc công khai, minh bạch, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm, đại biểu cho rằng, cần xem xét, thiết kế lại mô hình cơ quan giám sát, kiểm tra tài chính liên quan đến ngân hàng, để giải quyết hiệu quả hơn nữa vấn đề này.

Đại biểu Trịnh Xuân An.

Đại biểu Trịnh Xuân An.

Trong khi đó, theo đại biểu Nguyễn Hải Trung (Hà Nội) cho rằng tình trạng sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Dự thảo Luật sửa đổi, điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu của các cá nhân, tổ chức tăng tính đại chúng của các tổ chức tín dụng và mở rộng thêm các diện đối tượng liên quan là cần thiết. Tuy nhiên đại biểu cho rằng các giải pháp nêu trong dự thảo chỉ là giải pháp kỹ thuật để hạn chế các cổ đông lớn.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung cho rằng cần nghiên cứu bổ sung nghiên cứu 2 vấn đề. Một là, bổ sung thêm các quy định, tăng cường vai trò của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế hành vi lạm quyền cổ đông lớn, quyền quản trị điều hành để thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng. Hai là phải cần nghiên cứu, đề xuất thêm các biện pháp, giải pháp để quản lý, kiểm soát việc lách luật, sử dụng nhiều cá nhân pháp nhân khác đứng tên cổ phần tạo nhóm cổ đông lớn để điều hành các tổ chức tín dụng.

Về tỷ lệ sở hữu cổ phần, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết dự thảo Luật điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông cá nhân, tổ chức không vượt quá từ 5%-15%-20% xuống còn 3%-10%-15%. Đại biểu đề nghị làm rõ lý do điều chỉnh giảm tỷ lệ; có đánh giá thực trạng sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng thời gian qua, hệ quả của việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, nhất là cổ đông chiến lược. Đại biểu nêu rõ, việc hạn chế, thao túng hoạt động ngân hàng là cần thiết nhưng cũng cần lưu ý là sự ổn định của cổ đông cũng rất quan trọng. 

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Tp.HCM) thống nhất với các ý kiến đại biểu đã phát biểu trước liên quan đến vấn đề sở hữu chéo giữa các ngân hàng thương mại với nhau, giữa ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp và việc các tập đoàn kinh tế thành lập ngân hàng để huy động vốn phục vụ chủ yếu cho hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp mình giữ cổ phần vốn sở hữu, dẫn đến khó kiểm soát, hoạt động thiếu minh bạch, dễ dẫn đến sai phạm và ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng chung, nguy cơ ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền. Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu để quy định chặt chẽ để xử lý các vấn đề này. 

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Về tỉ lệ sở hữu cổ phần được quy định tại Điều 55, việc quy định tỷ lệ tối đa sở hữu cổ phần của cá nhân theo hướng giảm so với quy định của luật hiện hành, đại biểu cho rằng, đứng trên khía cạnh kinh tế sẽ làm giảm năng lực đầu tư và hiệu quả sinh lời của dòng tiền, hạn chế việc huy động nguồn vốn từ xã hội vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng. 

Do đó, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị vốn điều lệ của tổ chức tín dụng cần xem xét ở góc độ là khoản đầu tư và yếu tố quản trị từ Ngân hàng Nhà nước về các chỉ số tài chính cần mở rộng phạm vi sở hữu vốn của cổ đông tính trên vốn điều lệ để đảm bảo ít hạn chế về đầu tư cổ phần tại tổ chức tín dụng nhưng các cổ đông này chỉ thuần túy tìm kiếm lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

Đối với vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến giảm giới hạn về sở hữu của cổ đông, sở hữu của cổ đông và người có liên quan, giới hạn về cấp tín dụng cho một khách hàng và một khách hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, dự thảo luật thiết kết như vậy nhằm mục đích hướng đến là hạn chế việc chống thao túng và sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng. Đây là yêu cầu của các cấp có thẩm quyền (Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội.

Cũng tại quy định này có khái niệm “người có liên quan”, dự thảo luật đã mở rộng phạm vi người có liên quan so với những quy định về người có liên quan quy định tại Luật Doanh nghiệp. Thống đốc khẳng định, với tính chất đặc thù của ngành ngân hàng, Ban soạn thảo xây dựng theo hướng mở rộng người có liên quan.

Thống đốc nhấn mạnh, đi đôi với thực hiện quy định trong luật, khâu tổ chức thực hiện rất quan trọng. Thực tế, quy định về sở hữu cổ đông, sở hữu chéo không cho phép và trên thực tiễn, tỷ lệ sở hữu, sở hữu chéo cơ bản được khắc phục. Nhưng trong thực tiễn có tình trạng cổ đông nhờ người có liên quan đứng tên nhưng ngân hàng không thể nắm được, đòi hỏi rất nhiều công cụ và giải pháp và từ nhiều cơ quan khác nhau, như minh bạch hóa cơ sở dữ liệu các giao dịch của dân cư, cơ sở dữ liệu các giao dịch về vốn, các giao dịch của các doanh nghiệp… 

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Đại biểu quốc hội: Cần chấm dứt tình trạng sở hữu chéo trong ngân hàng tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan