Thu hồi gần 16.000 tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế năm 2022

08/11/2022, 15:24
báo nói -

TCDN - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đã thi hành xong 1.895 việc, thu được gần 16.000 tỷ đồng bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế năm 2022.

Tại phiên họp Quốc hội ngày 8/11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2022.

Theo báo cáo, về thi hành án dân sự, tổng số phải thi hành là 861.529 việc; có điều kiện thi hành 653.719 việc. Thi hành xong 539.290 việc, đạt 82,50%, tăng 6,67% so với năm 2021. Tổng số tiền phải thi hành là gần 337.000 tỷ đồng; có điều kiện thi hành trên 165.000 tỷ đồng. Thi hành xong trên 75.000 tỷ đồng, đạt 45,42%, tăng 14,21% so với năm 2021, báo Giao thông đưa tin.

Đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, ông Long cho biết đã thi hành xong hơn 6.200 việc, thu được trên 22.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: Phạm Thắng

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: Phạm Thắng

Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác thi hành án năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, kết quả thi hành xong về việc đạt 82,5% (tăng 6,67%), về tiền đạt 45,42% (tăng 14,21%) tính trên tổng số án có điều kiện thi hành, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao; công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng được quan tâm thực hiện, đã thi hành xong 1.895 việc, với 15.989 tỷ đồng (tăng 11.895 tỷ đồng).

Tuy nhiên, số lượng bản án có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau còn cao. Việc thu hồi khoản nợ cho các tổ chức tín dụng còn chậm, kết quả chưa cao. Kết quả thực hiện một số nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự chưa đạt yêu cầu. Vẫn còn sai phạm trong phân loại án, xác minh điều kiện thi hành án, thụ lý đơn yêu cầu thi hành án và xử lý tài sản kê biên để bảo đảm thi hành án.

Lượng việc và giá trị phải thi hành án ngày càng lớn, tính chất ngày càng phức tạp, nhiều vụ việc có tranh chấp về tài sản thi hành án dẫn đến việc thi hành án kéo dài. Hiệu quả công tác phối hợp với một số cơ quan hữu quan có nơi, có lúc chưa cao.

Bộ trưởng Tư pháp đề nghị TAND tối cao chỉ đạo TAND các cấp tiếp tục phối hợp có hiệu quả với cơ quan thi hành án dân sự thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về chuyển giao bản án, tài liệu liên quan; kịp thời giải quyết các yêu cầu đính chính, giải thích bản án và các kiến nghị về thi hành án dân sự; đề nghị VKSND tối cao tăng cường chỉ đạo VKSND các cấp kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, nhất là trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng nhấn mạnh trong thời gian tới cần chú trọng biện pháp thu hồi tài sản trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng, liên quan đến tín dụng, ngân hàng, chứng khoán. Tiếp tục chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế và chỉ đạo UBND, Chủ tịch UBND các cấp thực hiện nghiêm túc trách nhiệm trong tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Gia Linh
Bạn đang đọc bài viết Thu hồi gần 16.000 tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế năm 2022 tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Báo cáo Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022
Chính phủ vừa có Báo cáo Quốc hội về Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022. Chính phủ nhận định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có nhiều mặt cao hơn năm trước.