Thúc đẩy chuyển đổi số tại thành phố Hải Phòng
TCDN - Xác định chuyển đổi số là động lực để phát triển, Hải Phòng đặt ra các chỉ tiêu chuyển đổi số của thành phố cao hơn mặt bằng chung cả nước… Địa phương này cũng đã sẵn sàng cho công cuộc chuyển đổi số, trở thành hình mẫu của các địa phương hưởng ứng chiến lược Quốc gia về chuyển đổi số.
TÓM TẮT:
Xác định chuyển đổi số là động lực để phát triển, Hải Phòng đặt ra các chỉ tiêu chuyển đổi số của thành phố cao hơn mặt bằng chung cả nước… Địa phương này cũng đã sẵn sàng cho công cuộc chuyển đổi số, trở thành hình mẫu của các địa phương hưởng ứng chiến lược Quốc gia về chuyển đổi số. Đặc biệt, năm 2023, Hải Phòng triển khai kế hoạch chuyển đổi số theo hướng tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng. Trong đó, loạt mục tiêu về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số được đặt ra rõ ràng.
Bài viết tập trung phân tích thực trạng chuyển đổi số thành phố và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Qua đó, đề xuất một số giải pháp để đạt được các mục tiêu đề ra, nhất là loạt mục tiêu về chính quyền số.
1. Thực trạng
Đến nay, sau một thời gian triển khai, chuyển đổi số thành phố bước đầu đạt được một số kết quả. Nổi bật, kết quả thực hiện trong một số lĩnh vực được Chính phủ lựa chọn Hải Phòng triển khai thí điểm sớm thuộc vào nhóm dẫn đầu cả nước như: xây dựng dữ liệu dân cư; triển khai hóa đơn điện tử đứng thứ 3 trên 6 tỉnh, thành phố được lựa chọn thí điểm giai đoạn đầu; Hải Phòng cũng là địa phương đầu tiên triển khai đầy đủ 4 chức năng hệ thống quản lý dữ liệu đất đai; triển khai đưa dịch vụ cấp đổi giấy phép lái xe lên cấp độ 4 đầu tiên trên cả nước… Hoàn thành 6/22 nhiệm vụ trọng tâm Bộ Thông tin và Truyền thông giao như: nền tảng số quốc gia, đưa hộ nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, nền tảng điện toán đám mây, thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số, tổ công nghệ số cộng đồng…
Hạ tầng số của Thành phố tiếp tục được phát triển mở rộng. Toàn thành phố hoàn thành đưa vào khai thác mới 41 trạm BTS công nghệ 4G, nâng tổng số trạm BTS trên địa bàn thành phố lên 2.362 trạm. Cùng với đó, có 7 trạm BTS công nghệ 5G được triển khai thử nghiệm tại Cảng Tân Vũ, Cảng Đình Vũ và khu vực trung tâm thành phố. Tháng 7-2023, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội thử nghiệm thành công mạng di động 5G dùng riêng cho nhà máy Pegatron - Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng 2. Đây là nhà máy thông minh đầu tiên tại Việt Nam được tự động hoá dựa trên kết nối của dịch vụ di động 5G. Việc triển khai mạng 5G góp phần quan trọng phát triển hạ tầng viễn thông, ứng dụng công nghệ trong sản xuất thông minh tại thành phố.
Phát triển dữ liệu số, ứng dụng nền tảng số được chú trọng, coi đây là nguồn tài nguyên quan trọng tạo ra dư địa phát triển mới. Như trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường, Hải Phòng có thể là địa phương triển khai muộn, nhưng khẩn trương, hiệu quả. Sau thời gian ngắn, cơ sở dữ liệu đất đai được cập nhật với hơn 637 nghìn dữ liệu không gian, gần 224 nghìn thửa đất có thông tin thuộc tính, liên thông dữ liệu đất đai với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Trong gần 1 năm, hệ thống tiếp nhận, giải quyết hơn 110 nghìn hồ sơ trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.
Đối với 5 lĩnh vực trọng tâm được thành phố lựa chọn, ưu tiên nguồn lực tập trung triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số, đến nay đạt một số kết quả bước đầu. Trong đó, ngành y tế đẩy mạnh triển khai khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp. Hiện, thành phố có gần 958 nghìn trường hợp đồng bộ xác thực căn cước công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với thẻ Bảo hiểm y tế có hiệu lực; 139 cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế thực hiện tra cứu thông tin thẻ Bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân. 100% các bệnh viện triển khai phần mềm quản lý bệnh viện. Ngành Giáo dục và Đào tạo đang triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu ngành. Đến nay, toàn ngành triển khai chữ ký số; có hơn 800 cơ sở giáo dục, 32.000 giáo viên và 521.000 học sinh có mã định danh riêng. Việc sử dụng văn bản điện tử, học bạ điện tử, sổ điểm điện tử dần thay thế văn bản, tài liệu giấy. Ngành Xây dựng tập trung triển khai cơ sở dữ liệu quy hoạch với 5.000 bản đồ quy hoạch, thử nghiệm cổng thông tin quy hoạch thành phố. Ngành Giao thông - Vận tải thực hiện nâng cấp trung tâm điều hành giao thông, triển khai camera giám sát và xử lý phạt nguội tại 5 nút giao thông trên địa bàn thành phố, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.
Đáng chú ý, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ nét. Hiện, Hải Phòng là một trong những địa phương có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cao của cả nước với tỷ lệ hiện đạt hơn 90% (năm 2021 là 18%). Đánh giá chỉ số chuyển đổi số DTI của thành phố được cải thiện, năm 2022 Hải Phòng xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2020. Bên cạnh đó, chuyển đổi số gắn với thực hiện Đề án 06, toàn thành phố xác thực hơn 1,7 triệu thông tin nhân khẩu, 100% số người dân trưởng thành có tài khoản định danh điện tử... Và quan trọng hơn, chuyển đổi số đang dần đi vào đời sống người dân, mang lại nhiều tiện ích và tạo ra những cơ hội phát triển mới trên mọi lĩnh vực, mọi mặt đời sống xã hội.
Bên cạnh kết quả đạt được, chuyển đổi số của Thành phố hiện nay còn gặp một số khó khăn như: nhận thức chưa đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị, sở ngành, địa phương; người dân chưa nhìn thấy lợi ích rõ rệt nên chưa tham gia tích cực; chưa rõ phân công giữa bộ ngành trung ương và địa phương; các bộ ngành trung ương chưa mở dữ liệu, chưa ban hành các mô hình, tiêu chuẩn, định mức xây dựng dữ liệu; nhiều nền tảng số quốc gia chưa triển khai, chưa có lộ trình, chưa phân cấp để địa phương triển khai; chưa có mô hình chung cho triển khai dữ liệu lớn; khó phổ cập thiết bị số cho người dân...
Thêm nữa là khó khăn về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chuyên trách, có chuyên môn sâu thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Nguồn nhân lực cho chuyển đổi số của Hải Phòng đang thiếu cả về số lượng và chất lượng. Hiện, phần lớn cán bộ làm công tác tham mưu về công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các cơ quan chỉ thực hiện nhiệm vụ phụ trách, kiêm nhiệm nên việc chủ động tham mưu triển khai các phần việc, nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị, chính quyền còn chưa kịp thời; nhiều thời điểm gặp lúng túng trong triển khai nhiệm vụ. Hiện Nhà nước chưa có quy định cụ thể về biên chế chuyên trách thực hiện chuyển đổi số và an toàn thông tin trong các cơ quan nhà nước. Cơ chế, chính sách hiện chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin về làm việc trong các cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, hiện hành lang pháp lý cho triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số còn hạn chế, bất cập. Các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật về chuyển đổi số đang rất thiếu.
Trong các cơ quan, chính quyền nhà nước, nhiệm vụ chuyển đổi số được chú trọng, đặc biệt quan tâm triển khai. Tuy nhiên, ở khối doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự nhận thức đầy đủ, chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho chuyển đổi số. Không ít doanh nghiệp cho rằng, chuyển đổi số tốn nhiều chi phí; lo lắng về vấn đề bảo mật thông tin nội bộ, bí mật kinh doanh; chưa định hướng đi, lộ trình cụ thể để chuyển đổi số trong doanh nghiệp...
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật thành phố, thành viên tổ tư vấn VCCI Hải Phòng, đối với chỉ tiêu về kinh tế số, khi xây dựng Nghị quyết 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, một trong những khó khăn của các cơ quan tham mưu của thành phố là tính các chỉ số liên quan đến giá trị kinh tế số như thế nào? Làm thế nào, phương pháp nào để tính giá trị đóng góp, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GRDP của địa phương. Từ đó, việc hoạch định những chính sách, giải pháp phát triển để đạt mục tiêu đề ra cũng gặp khó khăn. Qua tính toán sơ bộ của Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật thành phố, năm 2021, kinh tế số thành phố chiếm 6% GRDP. Theo đó, mục tiêu thành phố đề ra trong kế hoạch 174, năm 2022 kinh tế số góp 10% GRDP là khả thi. Nhưng để kinh tế số duy trì đóng góp cao, đạt mục tiêu đến năm 2025 đóng góp 25%, đòi hỏi sự quyết tâm, cố gắng cao trong thực hiện. Trong quá trình này, rất cần cơ quan Trung ương tiếp tục quan tâm thống nhất phương pháp luận, bộ chỉ số đánh giá.
Về vấn đề thứ hai chuyển đổi số trong doanh nghiệp, theo khảo sát trong quý 1 của VCCI Hải Phòng cho thấy, 17,17% doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố được khảo sát chưa có nhu cầu về hỗ trợ triển khai các giải pháp chuyển đổi số; 20,92% doanh nghiệp không biết về các cơ chế, chính sách liên quan đến chuyển đổi số; 47,28% doanh nghiệp đang có nhu cầu hoặc đang triển khai chuyển đổi số nhưng chưa nhận được hỗ trợ; 14,64% doanh nghiệp đang triển khai chuyển đổi số nhận được hỗ trợ. Qua số liệu cho thấy tỷ lệ lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa còn lúng túng hoặc chưa quan tâm đến việc triển khai các giải pháp chuyển đối số. Tỷ lệ được hỗ trợ từ Trung ương, thành phố trong triển khai chuyển đổi số còn thấp so với kỳ vọng. Trong quá trình chuyển đối số, các doanh nghiệp gặp khó khăn về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ; thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh; thiếu nhân lực; cơ sở hạ tầng công nghệ số; thiếu thông tin về công nghệ số…
2. Một số giải pháp
Hải Phòng xác định chuyển đổi số chính là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, là thời cơ để thành phố bứt phá mạnh mẽ. Nhằm khắc phục khó khăn, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện chuyển đổi số, Thành phố cần triển khai một số giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh nâng cao nhận thức đối với đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý bằng các hình thức phù hợp, thường xuyên phổ biến, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về: Chính phủ điện tử, chuyển đổi số. Xây dựng khung pháp lý nhằm khuyến khích, sẵn sàng thí điểm các quy trình nghiệp vụ, dịch vụ công dựa trên dữ liệu số, công dân số, hạ tầng số trong khi quy định pháp lý chưa đầy đủ, rõ ràng, song song với việc hoàn thiện thể chế. Nội hàm của khái niệm thể chế gồm 3 yếu tố chính: (i) Hệ thống pháp luật và các quy định điều chỉnh các mối quan hệ được pháp luật thừa nhận của một quốc gia; (ii) Các chủ thể (tổ chức nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội công dân); (iii) Các cơ chế, phương pháp, thủ tục hoạt động.
Điều này đòi hỏi các cấp ủy Đảng, lãnh đạo chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp phải xem đây là trách nhiệm của mình để thực hiện có kết quả nhiệm vụ này.
Hai là, tăng cường kỹ năng chuyển đổi số của lực lượng đội ngũ cán bộ, công chức khoa học công nghệ. Một trong những bước đầu tiên của quá trình chuyển đổi số là xác định khoảng cách về kỹ năng số để có kế hoạch đào tạo nâng cao kỹ năng số cho cán bộ khoa học - công nghệ tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
Ba là, xây dựng, phát triển dữ liệu số và đẩy mạnh phát triển ứng dụng số hóa. Yếu tố quan trọng đầu tiên của bất kỳ quá trình chuyển đổi số nào chính là dữ liệu số. Nếu không có dữ liệu số, sẽ không thể xác định mô hình hoạt động số và tiến hành chuyển đổi số. Để công cuộc chuyển đổi số thành công, thành phố trong quá trình triển khai xây dựng dữ liệu phải có chiến lược cụ thể, phù hợp với chiến lược dữ liệu quốc gia, tuân thủ nguyên tắc thu thập dữ liệu một lần nghĩa là, khi dữ liệu đã được cơ quan nhà nước thu thập, quản lý và chia sẻ thì cơ quan nhà nước sẽ không được yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp lại.
Mặt khác, sự biểu hiện cụ thể của quá trình chuyển đổi số ở mỗi lĩnh vực chính là việc xác định mô hình chuyển đổi, lựa chọn các ứng dụng số (các phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin, công cụ hỗ trợ...). Thành phố có nguồn nhân lực công nghệ thông tin lớn nhất cả nước với 80% người dân sử dụng smartphone; là địa phương dẫn đầu cả nước trong phát triển hạ tầng số, nền tảng số và các nền tảng phục vụ chuyển đổi số như nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, internet vạn vật, nền tảng trí tuệ nhân tạo, nền tảng định danh điện tử...; vì vậy, việc phát triển ứng dụng số - hoạt động số cần được quan tâm triển khai thực hiện trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, tập trung ưu tiên cho phát triển các ứng dụng số hóa trong hoạt động của chính quyền thành phố để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, tăng cường tính minh bạch, tạo thuận lợi hơn cho người dân trong giao dịch với cơ quan nhà nước và tiếp cận dịch vụ công.
Bốn là, chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao, thành phố cần có chính sách đặc thù để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ số, đặc biệt là các chuyên gia công nghệ số trong và ngoài nước về khởi nghiệp, làm việc tại Thành phố Hải Phòng. Ngoài ra, các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình giáo dục đào tạo theo hướng phát triển tư duy sáng tạo, thích ứng với môi trường khoa học công nghệ phát triển, đưa vào chương trình giáo dục phổ thông các nội dung kỹ năng số. Đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số, khuyến khích các mô hình giáo dục đào tạo mới dựa trên nền tảng số.
Năm là, tăng cường nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển khoa học - công nghệ, cần có những đột phá về quản lý phát triển công nghệ và phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Thành phố có thể mở ra nhiều giải pháp để huy động vốn đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ đầy đủ cho chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh, nhưng có hạ tầng công nghệ thông tin rồi thì chưa chắc có được cái gọi là thành phố thông minh đúng nghĩa mà cần phải xem xét, quan tâm khả năng người dân tương tác và sử dụng công nghệ thông tin ở mức nào. Vì vậy, việc cần làm trước mắt là thành phố cần xác định khu vực nào, lĩnh vực nào ưu tiên xây dựng trước trên cơ sở vạch ra các dự án, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, sau đó mới vận dụng để huy động tăng cường nguồn lực cho đầu tư khoa học công nghệ.
Sáu là, đảm bảo an toàn và an ninh thông tin. Trong xu hướng chuyển đổi số, việc đảm bảo an toàn thông tin sẽ là một thách thức lớn. An toàn thông tin phải là ưu tiên hàng đầu trong chuyển đổi số. Do vậy, đảm bảo an toàn, an ninh mạng là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Đây là điều kiện tiên quyết giúp tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có một môi trường số an toàn. Thời gan qua, chính quyền thành phố đã xây dựng và hoàn thiện các quy định, chính sách về an toàn thông tin; triển khai đào tạo nâng cao năng lực và nhận thức cho người dùng, đội ngũ vận hành an toàn thông tin.
Đồng thời, tăng cường các giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin trọng yếu. Theo đó, công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an ninh mạng được triển khai tới từng cán bộ, công chức, viên chức qua các hình thức như bồi huấn về công tác an ninh thông tin mạng cho 100% đơn vị trực thuộc; ban hành các văn bản yêu cầu thắt chặt công tác an ninh mạng trong các dịp lễ tết.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng (2021), Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 26/10/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về Chuyển đổi số tại thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
2. Thành ủy Hải Phòng (2022), kỷ yếu hội thảo “Đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo bước phát triển nhanh, bền vững thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Hải Phòng, ngày 9/8/2022.
3. UBND thành phố Hải Phòng (2023), Công văn số 12/KH-UBND ngày 12/01/2023 về việc Kế hoạch Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng năm 2023.
4. https://www.haiphongnews.gov.vn/vn/tin-tuc/hoi-thao-khoa-hoc-day-manh-chuyen-doi-so-de-tao-buoc-phat-trien-nhanh-ben-vung-thanh-pho-hai-phong-den-nam-2025-dinh-huong-den-nam-2030-ct6240.html
5. https://diendandoanhnghiep.vn/hai-phong-chuyen-doi-so-la-dong-luc-phat-trien-244148.html6. https://vneconomy.vn/hai-phong-dat-chi-tieu-chuyen-doi-so-cao-hon-ca-nuoc.htm
ThS. Trịnh Quang Trường
HĐND quận Ngô Quyền - Tp. Hải Phòng
email: [email protected], hotline: 086 508 6899