Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, trong năm 2023 Ủy ban sẽ chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với đổi mới quản trị theo các chuẩn mực tiên tiến; đẩy mạnh chuyển đổi số, tham gia vào chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số.
Nhân dịp xuân Quý Mão, ông Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có chia sẻ với Tạp chí tài chính doanh nghiệp về công tác chỉ đạo, điều hành và định hướng của Ủy ban trong thời gian vừa qua.
Tính đến thời điểm này, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã hoạt động được 4 năm. Xin ông cho biết hoạt động, cũng như tính hiệu quả của các Tập đoàn, Tổng công ty sau khi về Ủy ban?
Ngày 3/2/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) và ngày 29/9/2018 ban hành Nghị định số 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban. Việc thành lập Ủy ban đã hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Với nguồn lực chiếm gần 65,3% tổng tài sản, gần 63% tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp có vốn nhà nước và với các ngành nghề kinh doanh trọng yếu của nền kinh tế (năng lượng, khai khoáng, viễn thông, hạ tầng giao thông, công nghiệp, hóa chất, nông nghiệp…), 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban quản lý có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Sau 4 năm chuyển về Ủy ban, dù có những thời điểm bị ảnh hưởng bởi những diễn biến tiêu cực có tính chất toàn cầu (đại dịch Covid 19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cuộc chiến Nga - Ukraina…), tuy nhiên với nỗ lực và quyết tâm cao độ, vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng mọi thời cơ, 19 tập đoàn, tổng công ty đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh được giao, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước.
Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, các tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện tốt vai trò doanh nghiệp nhà nước lớn, triển khai có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và góp phần phục hồi phát triển kinh tế xã hội; thể hiện rõ vai trò của các doanh nghiệp nhà nước then chốt trong việc góp phần bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và dân sinh về năng lượng, lương thực, viễn thông…, là công cụ để nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường và dịch bệnh.
Tổng hợp kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch giao cho công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty năm 2022 đạt được như sau: Tổng doanh thu ước đạt 1.123.334 tỷ đồng bằng 114% kế hoạch và 133% so với năm 2021; tổng lợi nhuận trước thuế của 18 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 39.219 tỷ đồng, bằng 173% kế hoạch và bằng 117% so với năm 2021. Trong đó, 15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 17/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, đối với nhiệm vụ xử lý các tồn tại, hạn chế của 12 Dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, từ sau khi Ủy ban tiếp nhận vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, tình hình xử lý và triển khai thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và các cấp có thẩm quyền đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm 2021, 5 dự án đã đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương, định hướng xử lý đưa ra khỏi danh mục 12 dự án. Đến nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của các dự án, doanh nghiệp này đã có nhiều chuyển biến tích cực; trong đó một số dự án, doanh nghiệp đã có lãi, giảm lỗ lũy kế đã đóng góp cho ngân sách nhà nước, giảm dư nợ trung hạn và dài hạn của các dự án/doanh nghiệp, bảo đảm duy trì việc làm, đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội tại địa phương.
Đối với 7 dự án, doanh nghiệp còn lại, tình hình cũng có nhiều tín hiệu rất tích cực. Trong đó, 3 dự án, doanh nghiệp sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã duy trì được sản xuất, kinh doanh; nỗ lực làm chủ công nghệ, từng bước nâng công suất chạy máy bình quân so với công suất thiết kế. Ban Chỉ đạo, Ủy ban và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã hoàn thành phương án xử lý đối với 03 Dự án này và đã trình Bộ Chính trị.
Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa thực sự “rõ nét”. Ông có bình luận gì về ý kiến đó?
Ủy ban không phải là Bộ quản lý nhà nước chuyên ngành, không ban hành văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách. Do vậy, khi giải quyết các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật cần xin ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước; có trường hợp các Bộ, ngành trả lời chậm nên thời gian xử lý kéo dài. Bên cạnh đó, khối lượng công việc của Ủy ban lớn, tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước trong khi số lượng cán bộ còn hạn chế, chưa đủ theo định biên. Một số tập đoàn, tổng công ty chưa thực hiện chế độ báo cáo theo đúng hạn định. Ngoài ra, hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật chưa được bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với mô hình cơ quan chuyên trách và yêu cầu, tính chất đặc thù của việc quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường...
Ủy ban thực hiện đồng bộ các giải pháp trong vai trò cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước để hỗ trợ, thúc đẩy các tập đoàn, tổng công ty duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ vững vai trò của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó; tham gia góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng. Chủ động trao đổi ý kiến, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết công việc của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban để bảo đảm đúng quy định của pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Ủy ban thường bị nhắc trong việc chậm gửi báo cáo giám sát tài chính các doanh nghiệp do mình quản lý, ông có thể chia sẻ lý do vì sao không?
Thời gian qua, việc giải quyết một số công việc thuộc quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đã được Ủy ban thực hiện đầy đủ nhưng còn chưa bảo đảm thời hạn theo quy định, trong đó có việc lập báo cáo giám sát tài chính đối với các tập đoàn, tổng công ty.
Nguyên nhân là do các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban quản lý đều là những doanh nghiệp có quy mô lớn, có nhiều công ty con, công ty liên kết và đơn vị trực thuộc; một số doanh nghiệp có tính chất đặc thù nên việc kiểm tra, tổng hợp, xây dựng các báo cáo thường cần nhiều thời gian hoàn thiện.
Bên cạnh đó, trong thời gian bị tác động bởi những diễn biến bất lợi do đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công tác điều hành và báo cáo của của các tập đoàn, tổng công ty có những thời điểm không liên tục, bị chậm trễ do phải thực hiện dãn cách xã hội tại các địa phương.
Mặt khác, một số tập đoàn, tổng công ty chưa thực hiện chế độ báo cáo theo đúng hạn định, đặc biệt là đối với các báo cáo tài chính và giám sát tài chính. Điều này đã làm ảnh hưởng đến tiến độ, thời gian thực hiện các nhiệm vụ nói chung và công tác lập báo cáo giám sát tài chính nói riêng đối với một số tập đoàn, tổng công ty.
Nhận thức được vấn đề đó, Ủy ban đã chủ động rà soát, đôn đốc, phân công các đơn vị theo chức năng phối hợp cùng các tập đoàn, tổng công ty thuộc diện chậm gửi báo cáo để hoàn thiện, bảo đảm phản ánh đầy đủ, toàn diện các thông tin tài chính, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Trong hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiện nay, theo ông còn có những vướng mắc, khó khăn gì khi thực hiện chức năng cơ quan chuyên trách, đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp?
Ủy ban thực hiện quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển giao từ 5 Bộ nên khối lượng công việc mà Ủy ban có trách nhiệm giải quyết lớn, phạm vi và tính chất công việc rộng và phức tạp, lĩnh vực đa dạng (liên quan đến 16 ngành kinh tế - kỹ thuật), một số công việc tồn đọng kéo dài qua nhiều giai đoạn chính sách, quy định. Trong khi đó, mô hình Ủy ban là chưa có tiền lệ, được thành lập trong điều vừa kiện toàn tổ chức, vừa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước nên gặp khó khăn trong việc giải quyết khối lượng công việc lớn, phạm vi công việc rộng, tính chất công việc phức tạp.
Hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật chưa được bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với mô hình cơ quan chuyên trách và yêu cầu, tính chất đặc thù của việc quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường. Một số quy định pháp luật về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước còn bất cập, chưa rõ ràng, gây khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, trong đó có Ủy ban trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.
Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1479/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025, là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhiều doanh nghiệp lớn, Ủy ban đã có kế hoạch thế nào để thực hiện quyết định này và nhằm khắc phục tình trạng chậm cổ phần hóa, thoái vốn lâu nay?
Ngày 12/12/2022, Ủy ban đã tổ chức Hội nghị với 19 tập đoàn, tổng công ty triển khai thực hiện Quyết định số 1479/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch huy động các nguồn lực của các tập đoàn, tổng công ty tham gia các hoạt động, dự án đóng góp vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Hội nghị, Ủy ban đã quán triệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác sắp xếp lại đối với các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc, yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch. Trong đó, một số nội dung trọng tâm chỉ đạo triển khai gồm: Các tập đoàn, tổng công ty cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 theo ý kiến của các Bộ, ngành liên quan; trình Ủy ban/cấp có thẩm quyền phê duyệt/cho ý kiến; xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án được phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án đúng kế hoạch.
Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp trong giai đoạn 2022 -2025, báo cáo Ủy ban để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương theo quy định.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam đề nghị người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp biểu quyết thông qua Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông về việc thực hiện sắp xếp doanh nghiệp theo quy định tại Quyết định 1479.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (chưa được quy định tại Quyết định 1479) báo cáo Ủy ban kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp để xem xét, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt theo quy định tại Quyết định 1479.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp về SCIC.
Công ty con của các tập đoàn, tổng công ty giữ 100% vốn nhà nước, tiếp tục thực hiện sắp xếp theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 cho đến khi Đề án cơ cấu lại của tập đoàn, tổng công ty được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi đề án cơ cấu lại tập đoàn, tổng công ty được phê duyệt thì thực hiện theo Đề án.
Sau khi các Đề án, Kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các tập đoàn, tổng công ty, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần triển khai thực hiên nghiêm túc, bảo đảm đúng hình thức sắp xếp, cơ cấu lại, có hiệu quả, đúng lộ trình, đúng quy định của pháp luật, không làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cũng tại Hội nghị, Ủy ban đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các đơn vị chuyên môn thuộc Ủy ban thực hiện các nhiệm vụ tham mưu, quản lý theo chức năng, nhiệm vụ để chủ động, thường xuyên rà soát, theo dõi, đôn đốc, giám sát tình hình thực hiện, đánh giá kết quả thực hiện công tác sắp xếp lại doanh nghiệp đối với các tập đoàn, tổng công ty thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra.
Năm 2023 sắp tới, xin ông cho biết kế hoạch, định hướng lớn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp? Đặc biệt trong bối cảnh hiện kinh tế hiện nay, Ủy ban có giải pháp gì để thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm của các doanh nghiệp, góp phần phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội?
Dự báo tình hình quốc tế và trong nước năm 2023 tiếp tục có nhiều yếu tố rủi ro, phức tạp, khó lường, đặc biệt là diễn biến bất ổn địa chính trị sẽ có những biến động sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nói riêng cũng như việc chỉ đạo, điều hành của Ủy ban.
Do đó, trong năm 2023 Ủy ban sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền việc hoàn thiện hành lang pháp lý, phát triển mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của Ủy ban để thực hiện tốt hơn chức năng cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nghiên cứu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định cụ thể về: cơ chế, nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa các Bộ, ngành với Ủy ban trong việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Ủy ban và các Bộ, ngành để nâng cao hơn nữa vai trò của Ủy ban trong việc thực hiện chức năng phản biện, đóng góp ý kiến với các Bộ.
Đối với các tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; đẩy mạnh việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ như điện, than, dầu thô, xăng dầu, hóa chất cơ bản, dịch vụ viễn thông, lương thực, vận tải đường sắt, đường biển, hàng không,… nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và nền kinh tế, đóng góp có hiệu quả vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2023 và các năm tiếp theo, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực Nhà nước giao.
Thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với đổi mới quản trị theo các chuẩn mực tiên tiến; đẩy mạnh chuyển đổi số, tham gia vào chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số.
Triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại từng tập đoàn, tổng công ty giai đoạn 2021-2025 sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng nội dung, kế hoạch, tiến độ và quy định của pháp luật.
Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và giải ngân vốn đầu tư kịp thời để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, có tính kết nối, lan toả, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; đặc biệt là các dự án lớn trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, năng lượng, chuyển đổi số,… Thực hiện đúng tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, như: Dự án Giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành; các dự án đầu tư, mở rộng cảng hàng không: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Điện Biên, Cát Bi; Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất,…
Triển khai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, làm chủ công nghệ lõi, đảm bảo an toàn, an ninh mạng; đồng thời đẩy nhanh việc triển khai toàn diện chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan và doanh nghiệp Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Bài: Thanh Phương
Thiết kế: Hồng Ánh