Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm

16/11/2016, 09:44

TCDN - Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội vừa tiến hành giám sát về tình hình hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn sau sắp xếp, cổ phần hóa. Kết quả cho thấy, Hà Nội đã cơ bản đạt mục tiêu cổ phần hóa, thu hút nguồn vốn xã hội hóa vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn chậm, tồn tại nhiều khó khăn cần tháo gỡ.


Sản xuất tại Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội. Ảnh: THÀNH DŨNG

Thực hiện cổ phần hóa (CPH) vào năm 2008 - giai đoạn suy thoái kinh tế, vốn nhà nước chiếm 81,71% nhưng Công ty CP Nhựa Hà Nội đã có những bước đi đúng hướng. Tổng Giám đốc Công ty Bùi Thanh Nam nhớ lại, CPH đã đặt doanh nghiệp vào thách thức phải đổi mới. Ngay từ thời điểm đó, Ban lãnh đạo công ty đã xây dựng kế hoạch cải tiến công nghệ, giảm chi phí sản xuất, nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới, đa dạng hóa sản phẩm... để ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động. Nhờ đó, từ doanh thu bán hàng năm 2007 chỉ có 150 tỷ đồng, đến năm 2015, doanh thu của công ty đã đạt hơn 900 tỷ đồng (tăng gấp sáu lần), lợi nhuận trước thuế tăng 3,9 lần, tạo thêm việc làm cho hơn 800 lao động. Công ty CP Bến xe Hà Nội (quản lý ba bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình và Gia Lâm) dù không bán hết số cổ phần cần bán, nhà nước vẫn nắm giữ 67,06% số cổ phần, nhưng đã hoạt động hiệu quả hơn sau CPH. Số lao động ổn định, doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước, chấp hành tốt nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước theo quy định.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố đánh giá, tại hầu hết các doanh nghiệp sau CPH, hoạt động sản xuất, kinh doanh đều có bước phát triển hiệu quả hơn so với trước, ý thức của người lao động cũng tốt hơn, thu nhập được nâng lên. Vai trò của người đại diện vốn chủ sở hữu đã được xác định rõ ràng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Việc DN chuyển đổi từ mô hình một chủ sở hữu sang nhiều chủ sở hữu đã tác động đến tâm lý và quyền lợi của lãnh đạo, quản lý và người lao động, giúp doanh nghiệp tự chủ hơn trong phát triển phù hợp với xu thế. Tính đến nay, Hà Nội đã có gần 300 trong tổng số 490 doanh nghiệp nhà nước thực hiện CPH. Riêng giai đoạn 2011-2015, thành phố đã thực hiện sắp xếp 15 đơn vị và doanh nghiệp , CPH 56 doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND thành phố. Công tác CPH đã cơ bản đạt được mục tiêu, thu hút nguồn vốn xã hội hoá vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Năm năm qua, thành phố đã thu về 3.693,8 tỷ đồng từ các doanh nghiệp CPH, thu hút được 20 nhà đầu tư chiến lược với hơn 2.556 tỷ đồng mua cổ phần của các doanh nghiệp thực hiện CPH.

Tuy nhiên, công tác CPH các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai cho biết, thời gian thực hiện CPH từ khi phê duyệt phương án đến khi hoàn thành đăng ký doanh nghiệp cổ phần thường kéo dài, mất nhiều thời gian. Như Công ty CP Bao bì 27-7 được xác định giá trị doanh nghiệp để triển khai CPH từ năm 2013, Công ty CP Đầu tư Việt Hà được xác định từ năm 2014, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất thủ tục chuyển đổi. Việc thu tiền từ CPH về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp còn chậm và ít, nhất là với các doanh nghiệp do UBND thành phố quản lý trực tiếp. Nhiều đơn vị như: Công ty TNHH MTV Đầu tư thương mại và Dịch vụ quốc tế, Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội, Điện ảnh Hà Nội, Nghe nhìn Hà Nội, Haprosimex, Mai Động... còn thua lỗ kéo dài, mất vốn nhà nước hoặc có nhiều yếu kém về tài chính, thuộc đối tượng giám sát đặc biệt và chưa hoàn thành được việc sắp xếp, CPH theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng "bình mới rượu cũ" trong hoạt động, điều hành của các doanh nghiệp sau CPH, như mô hình quản trị, phương án kinh doanh không thay đổi, nhiều đơn vị vẫn còn tâm lý "trông chờ" vào Nhà nước, lúng túng trong việc tìm hướng đi trước áp lực của cạnh tranh thời hội nhập. Đơn cử, Công ty CP Cấp nước Sơn Tây đã tiến hành CPH từ năm 2010 với kế hoạch chào bán 25% số cổ phần, nhưng không thu hút được nhà đầu tư. Hiện Nhà nước vẫn nắm tới 95,6% số cổ phần, hoạt động của doanh nghiệp vẫn mang nặng tính công ích, lợi nhuận sau năm năm CPH chỉ đạt có 6,7%. Đặc biệt, lãnh đạo một số đơn vị còn tâm lý chưa muốn CPH, cho nên thiếu quyết liệt trong triển khai, khiến công tác này bị chậm và chưa hiệu quả...

Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội sẽ tiến hành CPH 16 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và tiến hành thoái vốn nhà nước khỏi 96 doanh nghiệp. Đây đều là các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn, phạm vi hoạt động rộng, số lượng lao động nhiều, như Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng (UDIC), Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội, Tổng công ty Vận tải Hà Nội, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội... Đồng thời, tiếp tục sắp xếp, CPH các doanh nghiệp còn tồn tại từ giai đoạn trước.

Để việc CPH thực hiện đúng lộ trình, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của thị trường, bảo đảm ổn định doanh nghiệp, thành phố cần kiên quyết thực hiện việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn, bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường. Đồng thời, tiếp tục tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tăng cường giám sát bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện CPH. Quan trọng nhất là doanh nghiệp phải chủ động, nghiêm túc trong việc thực hiện CPH, thoái vốn nhà nước, có phương án quản trị doanh nghiệp, định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, quan tâm đến đời sống và các chính sách của người lao động.
Theo Báo Nhân dân

Bạn đang đọc bài viết Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm tại chuyên mục Cố phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận