Tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12 triệu tỷ đồng

27/12/2022, 15:56
báo nói -

TCDN - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đến ngày 21/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023, ông Đào Minh Tú cho hay, năm 2022 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trước diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới và căng thẳng địa chính trị.

Theo đó, căn cứ định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, NHNN đã thực hiện điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát…

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chủ trì họp báo.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chủ trì họp báo.

Đến tháng 11/2022, tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của tổ chức tín dụng cải thiện hơn, NHNN quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ông Tú nhấn mạnh, quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 thêm 1,5-2% vừa qua không phải vì do doanh nghiệp, các đơn vị kêu. Thực tế, trên những đánh giá, phân tích từ tình hình thế giới tác động tới Việt Nam, đồng thời xem xét trên các cân đối vĩ mô, tỷ giá,… cho phép NHNN nới thêm room tín dụng thêm 1,5-2%.

Tính đến ngày 21/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021.

Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH đến 30/11/2022 đạt khoảng 279.732 tỷ đồng, tăng 12,81% so với năm 2021 với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Nhờ tích cực triển khai các giải pháp đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh nên tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn ở mức an toàn dưới 2% (tính đến nay là 1,92%). Dẫu vậy, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng lưu ý: “nguy cơ nợ xấu tăng trong năm 2023”.

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Giao dịch TTKDTM tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 89,36% và 40,55%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 116,1% và 92,3%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 182,5% và 210,6%; giao dịch qua POS tăng tương ứng 53,57% và 48,78%; giao dịch qua ATM tăng tương ứng 13,28% và 14,04%. ​

Trong năm 2023, theo Phó thống đốc NHNN, kinh tế thế giới dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế trong nước thời gian tới đối mặt với thuận lợi và thách thức đan xen. Do đó, định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2023 tiếp tục hướng đến nhiệm vụ chính trị lớn nhất là: kiểm soát lạm phát, đảm bảo mục tiêu Quốc hội đặt ra, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, NHNN tiếp tục bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia...

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12 triệu tỷ đồng tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,6%
Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đến ngày 15/8/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,62% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,68%)
Tín dụng toàn nền kinh tế tăng trên 9,3%
Tính đến ngày 30/06/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỷ, tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%). Huy động vốn đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,51% so với cuối năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,09%).
Dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng hơn 10%
Tính đến ngày 25/11/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 10,1% so với cuối năm 2020, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, cung ứng vốn đầy đủ kịp thời cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng.