Tổng thu ngân sách 7 tháng đầu năm ước đạt 697,5 nghìn tỷ đồng

02/08/2020, 17:30

TCDN - Bảy tháng đầu năm, tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính đạt 697,5 nghìn tỷ đồng. Trong khi tổng chi ngân sách cùng thời điểm này lên tới 798,6 nghìn tỷ đồng. Thương mại bán lẻ hàng hóa có dấu hiệu khởi sắc.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/7/2020 ước tính đạt 697,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,1% dự toán năm.

Trong đó thu nội địa đạt 577,3 nghìn tỷ đồng, bằng 45,7%; thu từ dầu thô 21,9 nghìn tỷ đồng, bằng 62,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 98 nghìn tỷ đồng, bằng 47,1%.

Tình hình thu ngân sách nhà nước nửa đầu năm gặp nhiều khó khăn.

Tình hình thu ngân sách nhà nước nửa đầu năm gặp nhiều khó khăn.

Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 67 nghìn tỷ đồng, bằng 37,7% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 96,8 nghìn tỷ đồng, bằng 42,3%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 103,2 nghìn tỷ đồng, bằng 38,1%.

Thu thuế thu nhập cá nhân 66,7 nghìn tỷ đồng, bằng 51,8%; thu thuế bảo vệ môi trường 30 nghìn tỷ đồng, bằng 44,3%; thu tiền sử dụng đất 71,1 nghìn tỷ đồng, bằng 74,1%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/7/2020 ước tính đạt 798,6 nghìn tỷ đồng, bằng 45,7% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 552,5 nghìn tỷ đồng, bằng 52,3%; chi đầu tư phát triển 176,4 nghìn tỷ đồng, bằng 37,5%; chi trả nợ lãi 64,6 nghìn tỷ đồng, bằng 54,6%.

Bán lẻ hàng hóa phục hồi

Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 7/2020 tiếp tục xu hướng tăng trở lại nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa, cùng với các gói hỗ trợ của Chính phủ giúp người dân giảm bớt gánh nặng chi tiêu, đồng thời đây cũng là tháng học sinh, sinh viên trong kỳ nghỉ hè nên nhiều gia đình tổ chức đi du lịch trong nước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Bảy tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên tính chung 7 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn giảm 0,4%.

Thị trường bán lẻ có dấu hiệu khởi sắc.

Thị trường bán lẻ có dấu hiệu khởi sắc.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Bảy ước tính đạt 431,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó:

Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 333,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% và tăng 7%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 48,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% và giảm 4,4%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 29,6% và giảm 59,7%; doanh thu dịch vụ khác đạt 48,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2% và tăng 0,9%.

Tính chung 7 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.799,6 nghìn tỷ đồng, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4,8% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng đạt 2.218 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,2% tổng mức và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước do tháng Bảy là tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020 nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường, khôi phục lại nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong đó, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 7,6%; lương thực, thực phẩm tăng 7,5%; may mặc tăng 0,3%; phương tiện đi lại giảm 6,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 1,9%.

Một số địa phương có mức doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Hải Phòng tăng 10,6%; Đồng Nai tăng 9,8%; Hà Nội tăng 9,1%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 8,2%; Bình Định tăng 6,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 3,5%; Thanh Hóa tăng 0,7%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng năm nay ước tính đạt 280,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 10% tổng mức và giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,1%).

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương: Khánh Hòa giảm 59,1%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 46,5%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 45,1%; Cần Thơ giảm 27,5%; Đà Nẵng giảm 24,5%; Thanh Hóa giảm 21,5%; Hà Nội giảm 18,9%; Đồng Tháp giảm 12,4%; Quảng Ninh giảm 11,8%; Hải Phòng giảm 10%.

Doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng ước tính đạt 11,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng mức và giảm 55,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,1%) do học sinh và sinh viên bước vào giai đoạn nghỉ hè, cùng với chính sách kích cầu du lịch nội địa được tăng cường nên mức giảm của doanh thu du lịch lữ hành đã thu hẹp lại.

Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước: Khánh Hòa giảm 76,4%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 74,9%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 63,3%; Đà Nẵng giảm 58,6%; Cần Thơ giảm 57,1%; Quảng Ninh giảm 50,5%; Quảng Bình giảm 48,6%; Hà Nội giảm 38,6%; Thanh Hóa giảm 38,5%; Bình Định giảm 38%; Hải Phòng giảm 23,7%.

Doanh thu dịch vụ khác 7 tháng ước tính đạt 289,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng mức và giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó doanh thu của Đà Nẵng giảm 12,1%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 8,8%; Hà Nội giảm 6,7%; Cần Thơ giảm 6,2%; Hải Phòng giảm 4,9%.

Thanh Hà
Bạn đang đọc bài viết Tổng thu ngân sách 7 tháng đầu năm ước đạt 697,5 nghìn tỷ đồng tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Giải pháp nào giúp hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách 2020?
10 giải pháp quan trọng được Bộ Tài chính đề xuất trong bối cảnh kinh tế cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid 19, mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1,81%, kim ngạch cả xuất và nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ năm trước.