Giải pháp nào giúp hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách 2020?
TCDN - 10 giải pháp quan trọng được Bộ Tài chính đề xuất trong bối cảnh kinh tế cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid 19, mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1,81%, kim ngạch cả xuất và nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Giải pháp thứ nhất, theo Bộ tài chính, nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tăng cường thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế.
Trong đó, nghiên cứu các giải pháp tài khoá, kể cả các giải pháp về thuế, phí để trình cấp có thẩm quyền quyết định, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; triển khai có hiệu quả các giải pháp về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát, bãi bỏ, đơn giản hoá các điều kiện kinh doanh.
Thứ hai, tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2020; quyết tâm thu đạt mức cao nhất dự toán Quốc hội quyết định.
Thứ ba, tổ chức điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Các bộ, ngành, địa phương quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ theo dự toán. Thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ, tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư ngân sách địa phương,...
Thứ tư, tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nợ của chính quyền địa phương.
Thứ năm, tăng cường công tác quản lý giá, thị trường; tiếp tục phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính.
Thứ sáu, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; triển khai xây dựng Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch.
Thứ bảy, rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, hiệu lực, hiệu quả và đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công.
Thứ tám, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu, chi ngân sách nhà nước, đầu tư XDCB, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản,...; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán.
Thứ chín, chủ động hợp tác, hội nhập tài chính quốc tế, tiếp tục tích cực tham gia các hoạt động hợp tác tài chính khu vực và quốc tế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp từ nước ngoài, thu hút có hiệu quả nguồn vốn ODA và các nguồn vốn trung và dài hạn phục vụ phát triển sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế; thực hiện lộ trình cắt giảm thuế trong khuôn khổ các FTA đã ký. Chủ động đánh giá tác động của các FTA đến thu ngân sách nhà nước để chủ động giải pháp điều hành.
Thứ mười, chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2021-2023.
Bộ Tài chính tin tưởng ngành sẽ vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2020 ở mức cao nhất, góp phần hoàn thành thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, tạo tiền đề thuận lợi cho việc triển khai các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899