Trung Quốc chi gần 500 triệu USD mỗi năm nhập yến sào của Việt Nam

17/02/2023, 11:13
báo nói -

TCDN - Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 130-150 tấn yến sào sang Trung Quốc, thu về gần 500 triệu USD. Chất lượng yến sào của Việt Nam đang được đánh giá cao nhưng tình hình chăn nuôi còn nhiều vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới.

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến. Số lượng nhà yến toàn quốc tăng rõ rệt những năm qua. Năm 2017, tổng số nhà yến toàn quốc trên 8.300 nhà yến; tới năm 2022 tăng lên 23.665 nhà yến (gấp khoảng 3 lần). Tỉnh có số lượng nhà yến lớn nhất là Kiên Giang với 2.995 nhà yến; khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 10.572 nhà yến, chiếm 44,67% cả nước.

Mỗi năm, người Trung Quốc chi hơn 12.000 tỷ đồng để mua yến sào Việt Nam.

Mỗi năm, người Trung Quốc chi hơn 12.000 tỷ đồng để mua yến sào Việt Nam.

Đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho hay, khoảng 10 năm trở lại đây, nghề nuôi chim yến phát triển nhanh với nhiều loại hình và quy mô khác nhau.Thị trường nhập khẩu chính tổ yến của nước ta là Trung Quốc, cộng đồng người Hoa ở các nước Mỹ, Australia, New Zealand. 

Ông Vũ Cường, Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, thị trường yến sào thế giới ước tính khoảng 5 tỷ USD với tổng sản lượng khoảng 2.800 tấn. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu yến sào lớn nhất thế giới (chiếm 82% thị phần). Hàng năm Trung Quốc nhập khẩu trên 2.000 tấn. 

Cơ hội xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc mở ra khi tháng 11/2022, Bộ NN-PTNT và Hải quan Trung Quốc ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc.  Như vậy, yến sào là sản phẩm nông sản thứ 13 của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, đồng nghĩa tiềm năng lớn đang chờ ngành nuôi yến Việt thời gian tới. 

Tuy nhiên, Ông Cường cho rằng, để xuất khẩu bền vững thì chúng ta phải tuân thủ chặt Nghị định thư, vì đã có bài học kinh nghiệm trong thực tế. Tháng 8/2011 Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu yến sào từ Malaysia và Indonesia do phát hiện dư lượng Nitrit, chì và Arsenic vượt quá mức cho phép. Để yến sào Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường quốc tế, chúng ta phải giữ vững chất lượng, bởi chất lượng chính là thương hiệu. 

Theo ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, thời gian qua, việc nuôi chim yến đang phát triển mang tính tự phát là chủ yếu. 90% cơ sở nuôi chim yến nằm xen lẫn trong khu dân cư. Nghề yến chưa xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, chưa có giá trị cao đúng với giá trị thực vì chủ yếu xuất thô và tiểu ngạch. Đồng thời, nghề này chưa xây dựng được kế hoạch sản xuất, thiếu tính liên kết và chưa truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. 

Phía Cục Chăn nuôi đề nghị chính quyền địa phương các cấp, cơ quan quản lý ngành NN-PTNT, các cơ quan có liên quan cần tiến hành giám sát chặt các cơ sở chăn nuôi chim yến. Tổ chức thống kê, tiếp nhận kê khai, khai báo hoạt động chăn nuôi chim yến trên địa bàn; UBND các tỉnh sớm thực hiện quy hoạch vùng nuôi chim yến đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội. 

Cùng với đó, cơ quan chuyên môn hướng dẫn các thủ tục xuất khẩu tổ yến (thô, tinh) và sản phẩm từ tổ yến, đồng thời, xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến chim yến và nuôi chim yến; quy trình sơ chế, bảo quản sản phẩm bảo nhằm đảm an toàn sinh học.  

Bảo Anh
Bạn đang đọc bài viết Trung Quốc chi gần 500 triệu USD mỗi năm nhập yến sào của Việt Nam tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Chợ đêm Yến sào Khánh Hòa 'vỡ quy hoạch'
Chợ đêm Yến sào dính tai tiếng khi “bán chui” nhiều ki-ốt cho các tiểu thương kéo dài nhiều năm liền. Ông Lê Hữu Hoàng - Tổng giám đốc Yến sào Khánh Hòa (thời đó) không bị xử lý mà ngày càng lên chức khiến nhiều người hoài nghi có sự bao che.