Nguy cơ Trung Quốc mất trụ cột tăng trưởng kinh tế

16/02/2023, 07:16

TCDN - Giới kinh tế dự đoán đóng góp của thặng dư tài khoản vãng lai tới GDP của Trung Quốc sẽ giảm trong năm 2023, ảnh hưởng xấu tới tăng trưởng kinh tế.

Giới quan sát nhận định Trung Quốc có thể sẽ mất một động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và đồng nhân dân tệ trong năm nay khi người dân đổ xô ra nước ngoài và xuất khẩu tiếp tục lao dốc vì nhu cầu quốc tế ảm đạm. 

Thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc – thước đo thương mại hàng hóa và dịch vụ tổng quát nhất - đạt gần 420 tỷ USD trong năm 2022, mức cao nhất trong vòng 14 năm. Nhưng sang năm 2023, giới chuyên gia dự kiến mức thặng dư khổng lồ này sẽ giảm đáng kể.

Theo khảo sát của Bloomberg, các nhà kinh tế dự đoán thặng dư tài khoản vãng lai năm nay của Trung Quốc sẽ tương đương 1,4% GDP, thấp hơn hẳn tỷ lệ năm 2022 là 2,3% GDP.

Xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế và tài khoản vãng lai của của Trung Quốc trong thời đại dịch. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lập kỷ lục và cán cân thương mại cao nhất mọi thời đại vào năm ngoái đã giúp Trung Quốc bù đắp cho tác động từ khủng hoảng nhà đất và chính sách Zero COVID.

Lĩnh vực xuất khẩu cung cấp hơn 180 triệu việc làm cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Do đó, sự giảm tốc của xuất khẩu trong năm nay sẽ khiến thu nhập của hộ gia đình và doanh nghiệp giảm sút, càng làm tăng thêm khó khăn cho nỗ lực kích thích nhu cầu nội địa của Trung Quốc.

Bà Dan Wang, nhà kinh tế trưởng tại Hang Seng Bank China, nói với Bloomberg: “Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ ghi nhận thâm hụt thương mại cho năm 2023, điều này sẽ kéo tăng trưởng GDP đi xuống, đè nặng lên lợi nhuận doanh nghiệp và việc làm trong ngành sản xuất”.

Bà nói thêm rằng cán cân thương mại đảo ngược cũng sẽ ảnh hưởng đến kỳ vọng đối với đồng tiền của Trung Quốc, làm tăng sự biến động của các tài sản tính bằng đồng nhân dân tệ.

Ảnh hưởng đối với đà tăng trưởng

Thương mại hàng hóa và dịch vụ đã bổ sung 0,5 điểm % vào tăng trưởng GDP năm ngoái của Trung Quốc, nâng tốc độ mở rộng của nền kinh tế lên 3%. Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy kể từ năm 2018 đến nay, thương mại chưa bao giờ gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

mua hang TQ

Bà Wang Tao, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của UBS Group, dự đoán xuất khẩu dịch vụ và hàng hóa ròng có thể lấy mất 0,5 điểm % khỏi tăng trưởng GDP trong năm nay. Nhưng bà cũng lưu ý rằng cách tính của bà khác với chính phủ Trung Quốc.

Áp lực đối với nhân dân tệ

Nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ cũng sẽ thúc đẩy nhập khẩu, gia tăng áp lực lên thặng dư tài khoản vãng lai và nhân dân tệ khi ngày càng nhiều ngoại tệ chảy ra khỏi Trung Quốc.

Trong những ngày gần đây, thị trường tài chính có vẻ lạc quan về cuộc phục hồi của Trung Quốc, nhưng triển vọng vẫn rất bất định.

Ông Le Xia, nhà kinh tế trưởng về châu Á tại Banco Bilbao Vizcaya Argentaria, cho biết: “Nếu cuộc phục hồi kinh tế của Trung Quốc không đáp ứng được kỳ vọng hoặc một số rủi ro tài chính leo thang thì nhà đầu tư ngoại sẽ quay lưng với các tài sản nhân dân tệ”.

Các nhà đầu tư cũng sẽ suy nghĩ lại về việc đa dạng hóa danh mục sang các thị trường mới nổi bao gồm Trung Quốc nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất.

Giới chức Trung Quốc đã tìm cách hạ thấp lo ngại về tăng trưởng và nhấn mạnh sự cải thiện về niềm tin của công chúng vào nền kinh tế.

Tháng trước, ông Quách Thụ Thanh,Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc, tuyên bố tăng trưởng kinh tế sẽ quay trở lại quỹ đạo bình thường “khá nhanh chóng” và nhân dân tệ sẽ tiếp tục tăng giá trong trung đến dài hạn.

Ông Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Standard Chartered tại Trung Quốc và khu vực Bắc Á, nêu ý kiến: “Chính phủ Trung Quốc sẽ không thấy lo ngại khi thặng dư thương mại giảm sút nếu điều đó phản ánh nhu cầu trong nước mạnh lên. Nhưng có thể Bắc Kinh sẽ tiếp tục cố gắng thu hút đầu tư nước ngoài, một phần là để ngăn chặn tình trạng chia tách với các nền kinh tế phương Tây”.

Tùng Lâm/Bloomberg
Bạn đang đọc bài viết Nguy cơ Trung Quốc mất trụ cột tăng trưởng kinh tế tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan