Hệ luỵ khi kinh tế Trung Quốc phục hồi siêu tốc

08/02/2023, 20:59
báo nói -

TCDN - Nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế thế giới, song cũng làm tăng khả năng đẩy giá dầu thô.

Trong dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán năm nay, nhiều người dân Trung Quốc đã đổ xô đến thăm lăng Taihao ở tỉnh Hà Nam. Trong lăng có bức tượng của một nhân vật lịch sử gần đây được dựng thành bộ phim nổi tiếng.

Cảnh người dân tấp nập đi xem phim và du lịch là bằng chứng về sự phục hồi đáng kinh ngạc của người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đà phục hồi ngoạn mục của kinh tế Trung Quốc

Lăng Taihao cho biết họ đã đón 300.000 vị khách trong giai đoạn 21-27/1, mức cao nhất trong vòng ba năm. Doanh thu phòng vé dịp Tết được cải thiện so với năm ngoái và thậm chí còn cao hơn cả năm trước COVID-19.

Cho đến gần đây, dân Trung Quốc vẫn còn phải xếp hàng để chờ xét nghiệm COVID-19. Giờ thì họ xếp hàng ở rạp chiếu phim.

Sự phục hồi diễn ra sớm hơn dự kiến vì virus lây lan nhanh hơn. Từ khi Trung Quốc đột ngột từ bỏ chính sách Zero COVID, các ca nhiễm có vẻ đã tăng nhanh đáng kể. Các chuyên gia dịch tễ nhà nước ước tính ít nhất 80% dân số Trung Quốc đã mắc COVID-19. Theo số liệu chính thức, số bệnh nhân nội trú của bệnh viện đã đạt đỉnh vào ngày 5/1.

Thuong Hai 1

Hệ quả kinh tế từ những ca nhiễm COVID-19 đang dần trở nên rõ ràng. Sau khi mọi người nhiễm và phục hồi, ngành dịch vụ của của Trung Quốc đang hồi sinh.

Một chỉ số về ngành dịch vụ đã tăng từ 41,6 điểm vào tháng 12 lên 54,4 điểm trong tháng 1, mức tăng lớn thứ hai trong lịch sử. Hai nhà kinh tế Xiaoqing Pi và Helen Qiao của Bank of America quan sát thấy hoạt động trong những ngành dịch vụ bị “đại dịch vùi dập” như bán lẻ và ăn uống đã gia tăng đáng kể.

Trên nền tảng thương mại điện tử Meituan, một số nhà hàng có danh sách chờ lên đến 1.000 bàn. Tại thành phố Hàng Châu, nhiều người đứng chờ ngoài đền Linshun từ 4 giờ sáng để thắp hương cho Thần Tài.

Những người khác lên đến đỉnh núi Thiên Môn ở tỉnh Hồ Nam phải đợi đến 9 giờ tối mới bắt được cáp treo quay trở lại, tờ báo nhà nước Trung Quốc National Business Daily đưa tin.

Tốc độ tăng trưởng điên cuồng này có thể được duy trì hay không? Những người lạc quan chỉ ra rằng các hộ gia đình Trung Quốc đang có thanh khoản cao bất thường.

Theo Citigroup, tiền gửi ngân hàng của các hộ gia đình hiện vượt quá 120.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 18.000 tỷ USD), cao hơn GDP cả năm 2022 và nhiều hơn 13.000 tỷ nhân dân tệ so với xu hướng thông thường. Số tiền gửi dư thừa này có thể sẽ châm ngòi cho làn sóng “mua sắm phục thù”.

Nhưng theo tờ Economist, cách tốt hơn để đánh giá sự bùng nổ mua sắm sắp tới là nhìn vào khoảng cách giữa thu nhập hộ gia đình và chi tiêu tiêu dùng. Trong ba năm trước đại dịch, các hộ gia đình tiết kiệm khoảng 30% thu nhập khả dụng. Trong đại dịch tỷ lệ này tăng lên 33%.

Tính chung, người Trung Quốc đã tiết kiệm được khoảng 4.900 tỷ nhân dân tệ nữa. Nếu số tiền dôi ra được sử dụng ngay trong năm nay thì tiêu dùng của các hộ gia đình sẽ tăng 14% (trước khi điều chỉnh cho lạm phát).

Quy mô của làn sóng mua sắm sẽ phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế vĩ mô. Với may mắn, một chút chi tiêu bổ sung sẽ thúc đẩy doanh thu và hoạt động tuyển dụng của doanh nghiệp, từ đó khích lệ người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn.

Citigroup dự đoán năm nay tiêu dùng sẽ chiếm 80% tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, nếu tính cả chi tiêu của chính phủ. Nếu đúng thì đây sẽ là mức đóng góp lớn nhất của tiêu dùng cho GDP trong hơn hai thập kỷ.

Tác động đến kinh tế toàn cầu

Sức mua lớn của Trung Quốc sẽ là lực lượng đóng góp đáng kể cho tăng trưởng toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm nay, đóng góp 40% cho sự mở rộng của nền kinh tế thế giới. Còn mức đóng góp của Mỹ và châu Âu cộng lại sẽ chỉ chưa đến 20%.

Nghiên cứu gần đây bởi các nhà kinh tế tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã trình bày luận điểm cơ bản ngay trong tiêu đề: “Những việc xảy ra ở Trung Quốc không chỉ bó hẹp tại Trung Quốc”.

Các tác giả ước tính mỗi 1% tăng trưởng của GDP Trung Quốc sẽ giúp GDP của phần còn lại thế giới tăng khoảng 0,25% sau một hoặc hai năm.

Các tác giả không nghiên cứu hệ quả của việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế. Nhưng kết quả của họ cung cấp một số chỉ báo cho tương lai. Nếu việc mở cửa giúp nâng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc từ 3% lên 5-6% trong năm nay thì GDP của phần còn lại thế giới có thể tăng 0,5-0,75% - tương đương 400-600 tỷ USD - tính theo tỷ lệ được chuẩn hóa theo năm. 

Tuy nhiên, tăng trưởng đi lên không hoàn toàn là điều tốt. Các ngân hàng trung ương vẫn muốn hạ gục lạm phát. Nếu nhu cầu từ Trung Quốc gia tăng khiến áp lực giá thêm trầm trọng, các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ cần phải giảm tốc nền kinh tế bằng cách tăng lãi suất hoặc hoãn các đợt cắt giảm.

Phó Chủ tịch Fed Lael Brainard lưu ý rằng việc Trung Quốc rời bỏ Zero COVID là yếu tố khó lường đối với nhu cầu và lạm phát toàn cầu, đặc biệt là với hàng hóa.

Bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu, cảnh báo việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ làm tăng “áp lực lạm phát”, bởi nước này sẽ tiêu thụ thêm năng lượng.

Theo Goldman Sachs, sự thay đổi của Trung Quốc có thể khiến giá dầu Brent tăng thêm 15-21 USD so với mức hiện nay là khoảng 80 USD/thùng. 

Tùng Lâm
Bạn đang đọc bài viết Hệ luỵ khi kinh tế Trung Quốc phục hồi siêu tốc tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bắt Lý Hà Quân, doanh nhân từng giàu nhất Trung Quốc
Lý Hà Quân, tỷ phú năng lượng từng được xếp hạng là người giàu nhất Trung Quốc, vừa bị cảnh sát bắt giữ được cho là có thể liên quan đến Ngân hàng Cẩm Châu, nơi đã cho tỷ phú này vay nhiều tiền nhất.