Cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu nhận sự hỗ trợ từ Trung Quốc
TCDN - Việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19 mở ra cơ hội cải thiện hoạt động của chuỗi cung ứng, hỗ trợ cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu.
Ngày 16/1, ông Mathias Cormann, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), bình luận rằng việc Trung Quốc tái mở cửa đất nước sau gần 3 năm phong tỏa là tin “cực kỳ tích cực” trong cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu.
“Chúng tôi rất hoan nghênh việc nới lỏng các hạn chế liên quan tới COVID ở Trung Quốc. Trong ngắn hạn, việc nới lỏng này sẽ đối mặt với nhiều thách thức và chúng ta đều đang thấy số ca nhiễm bệnh tăng cao, gây ra những tác động ngắn hạn. Nhưng trong trung và dài hạn, việc mở cửa có tác động tích cực trong việc giúp chuỗi cung ứng hoạt động hữu hiệu và hiệu quả hơn, đảm bảo nhu cầu ở Trung Quốc và hoạt động thương mại phục hồi một cách tích cực”, ông Cormann trả lời phỏng vấn CNBC tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sỹ.
Hồi tháng 12, Trung Quốc đột ngột chấm dứt các biện pháp phong tỏa chống dịch, dẫn tới số ca nhiễm tăng mạnh ở đất nước 1,4 tỷ dân. Hôm 14/1, Bắc Kinh thông báo đã gần 60.000 người tử vong vì COVID trong các bệnh viện kể từ khi Trung Quốc mở cửa tháng trước.
Việc Trung Quốc tái hòa nhập với thế giới và nhiều số liệu mới công bố khả quan hơn dự kiến đã khuyến khích các nhà kinh tế tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng kinh tế toàn cầu.
“Một trong những nhân tố gây lạm phát là cú sốc từ phía cung liên quan tới việc chuỗi cung ứng không theo kịp với nhu cầu trên thế giới một cách nhanh chóng như mong đợi. Vì vậy, việc Trung Quốc quay lại thị trường toàn cầu và chuỗi cung ứng hoạt động hiệu quả hơn sẽ giúp chúng ta chống lạm phát. Rõ ràng, đây là thông tin cực kỳ tích cực”.
Một số người không đồng tình với nhận định của Tổng Thư ký OECD. Ông Greg Jensen, đồng Giám đốc đầu tư của quỹ Bridgewater Associates, dự báo việc Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế là một trong những lý do khiến lạm phát trong năm 2023 sẽ thêm trầm trọng.
“Trung Quốc thời gian qua là nhân tố tích cực đối với Mỹ và châu Âu vì đất nước này không gây ra áp lực lạm phát”, ông Jensen trả lời phỏng vấn Bloomberg hồi giữa tháng 12. Trong bối cảnh nhà máy phải đóng cửa và người tiêu dùng bị phong tỏa, nhu cầu hàng hóa và nguyên vật liệu của Trung Quốc xuống thấp, giúp kìm hãm giá cả toàn cầu nên góp phần chống lạm phát.
Jensen chỉ ra rằng, khi Trung Quốc nối lại hoạt động kinh tế, giá hàng hóa có nguy cơ tăng và làm vấn đề lạm phát ở phương Tây trở nên nghiêm trọng hơn. Các ngân hàng trung ương sẽ đối mặt với một bài toán nan giải: Kiên quyết chống lạm phát bất chất suy thoái hay nới lỏng lãi suất để kích thích kinh tế và chấp nhận lạm phát cao.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899