Trung Quốc trộm cắp công nghệ trên khắp đất Mỹ
TCDN - FBI cho biết đang điều tra hơn 1.000 vụ đánh cắp sở hữu trí tuệ được cho có liên quan đến Trung Quốc.
Theo ZDnet, các quan chức cấp cao Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ Tư pháp (DOJ) đã lên tiếng cảnh báo việc Trung Quốc trộm cắp IP (sở hữu trí tuệ). Giám đốc FBI cho biết các vụ đánh cắp ngày càng nhiều kể từ 2018, thời điểm DOJ phát động chiến dịch Sáng kiến Trung Quốc nhằm chống lại và điều tra những hoạt động gián điệp kinh tế của chính quyền Bắc Kinh.
John Brown, Trợ lý Giám đốc Cơ quan Phản gián FBI cho biết cơ quan này đã thực hiện nhiều vụ bắt giữ về hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc trong năm vừa qua. Tổng kết vào cuối năm, FBI bắt giữ 24 vụ, cao hơn cùng kỳ 5 năm trước (2014) vốn chỉ có 15 vụ.
Diễn ra trên khắp đất nước
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ William Barr kêu gọi Mỹ và các đồng minh đầu tư vào Nokia và Ericsson với mục đích chống lại sự hiện diện ngày càng phổ biến của Huawei trên thị trường 5G - đòn đánh hòng chọc tức các tin tặc Trung Quốc.
Adam Hickey - Phó Trợ lý Bộ trưởng Bộ Tư pháp, William Evanina - Giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia, CEO từ các công ty cùng một số luật sư, thành viên đến từ những trường Đại học lớn nhất của Mỹ cũng kêu gọi cẩn trọng khi giao dịch với Trung Quốc.
Các quan chức Mỹ cho hay tất cả hoạt động trộm cắp của Trung Quốc đang diễn ra dựa trên kế hoạch có thiết lập kỹ càng từ chính phủ Bắc Kinh. Họ không chỉ nhắm mục tiêu vào các công ty thuộc lĩnh vực quốc phòng mà còn là những thương hiệu sản xuất mặt hàng lương thực, phần mềm hay thiết bị khác.
Trung Quốc cũng không bỏ qua các sáng kiến và thông tin R&D, dữ liệu chi phí và giá cả, tài liệu chiến lược nội bộ hay nghiên cứu tiên tiến tại các trường đại học Mỹ.
"Nỗ lực đánh cắp sở hữu trí tuệ của Trung Quốc không chỉ diễn ra tại những thành phố lớn, các trung tâm công nghệ của Mỹ như Thung lũng Silicon phía Bắc California hay New York, mà trên khắp cả nước, từ Alabama đến Iowa", Jay Town, luật sư tại Bắc Alabama cho hay.
"Trung Quốc đang sử dụng loạt phương pháp và kỹ thuật xâm nhập mạng, đánh cắp các sáng kiến, phát minh thông qua không chỉ dịch vụ tình báo mà còn qua các doanh nghiệp nhà nước, công ty tư nhân, sinh viên hay nghiên cứu sinh cùng rất nhiều nhân tố khác hỗ trợ họ thực hiện hành vi này", ông Jay nói.
Quan hệ đối tác với các công ty tại Trung Quốc thường liên quan đến chuyển giao công nghệ Mỹ. Nhiều lần, những công ty này tiếp tục sử dụng công nghệ của Mỹ ngay cả sau khi quan hệ đối tác đã kết thúc, bỏ qua vấn đề bản quyền hay đăng ký thương hiệu.
Giới chức Mỹ cho rằng Trung Quốc đang cố tình khai thác những điểm yếu cũng như sự cởi mở của môi trường học thuật và nền kinh tế Mỹ, đồng thời sử dụng hệ thống khép kín của họ để ngăn chặn các công ty Mỹ xâm nhập vào thị trường Trung Quốc.
Dù không có quyền xâm nhập vào thị trường khổng lồ của Trung Quốc, nhiều công ty vẫn bỏ qua rủi ro này và tham gia vào quan hệ đối tác với các công ty nước này.
Mọi lĩnh vực đều bị nhòm ngó
Các quan chức FBI cho biết nhiều công ty không thấy được những thiệt hại về lâu dài mà họ gây ra cho mình bằng cách bàn giao những công trình R&D tốn kém cho đối tác Trung Quốc với giá thấp, để đạt được hứa hẹn kinh doanh tại đây.
Những công ty này có khả năng sẽ không thể mở nhà máy sản xuất trong tương lai do nạn trộm cắp công nghệ, trong khi đó, tất cả công ty Trung Quốc lại nhận được giúp đỡ từ Bắc Kinh thông qua trợ cấp hoặc các chương trình khác của chính phủ.
Không dừng ở đó, hành vi trộm cắp IP và R&D diễn ra cả trong lĩnh vực kinh doanh, các ngành nghiên cứu của Mỹ, do sự cởi mở, môi trường ít điều chỉnh, bên cạnh sự phong phú trong các công nghệ tiên tiến và hoạt động R&D.
Tháng trước, trưởng khoa Hóa học và Sinh Hóa tại Đại học Harvard bị buộc tội nói dối trong việc tham gia Kế hoạch Nghìn Nhân Tài của Trung Quốc.
“Đây là một trong những kế hoạch tuyển dụng nhân tài nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Các chương trình được tổ chức nhằm thu hút tài năng và chuyên gia nước ngoài mang kiến thức, kinh nghiệm đến Trung Quốc, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của quốc gia này. Ngoài ra, chính quyền còn thưởng cho những cá nhân đánh cắp được các thông tin độc quyền”, DOJ cho biết.
Giới chức Mỹ lo sợ những công trình R&D nhận tài trợ từ chính phủ Mỹ được thực hiện tại Harvard có thể đã bị chiếm hữu bởi chính phủ Trung Quốc.
Một số trường hợp khác lại liên quan đến sinh viên Trung Quốc tại Mỹ đánh cắp dữ liệu độc quyền. Nhóm sinh viên này tự hành động hoặc được tình báo Trung Quốc tuyển dụng.
Mỹ khẳng định Trung Quốc khuyến khích trộm cắp IP từ nước ngoài và có cả hệ thống để thưởng cho những hành vi này. Trung Quốc có thể đã dùng quỹ nhà nước chi trả hoặc tài trợ cho các vụ ăn cắp sở hữu trí tuệ.
Theo Zing
email: [email protected], hotline: 086 508 6899