Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa ra văn bản ngược quyết định của Chủ tịch
TCDN - Các nội dung liên quan Trạm nhiên liệu tại dự án Trạm dừng nghỉ Thanh Bình (Thanh Hóa) đang vấp phải phản ứng khi quy hoạch chồng lấn với hệ thống mạng lưới xăng dầu.
Bị phê bình tham mưu không đúng!
Tờ trình số 2912 (ngày 25/9/2019) của Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án khu tổ hợp dịch vụ văn phòng, khách sạn Thanh Bình thành Dự án trạm dừng nghỉ loại 1 (Trạm dừng nghỉ Thanh Bình) tại Km 381+540 phải tuyến, Quốc lộ 1A thuộc xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.
Theo Thông tư số 48 (ngày 15/11/2012) của Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Trạm dừng nghỉ đường bộ thì Trạm dừng nghỉ loại 1 bắt buộc phải bố trí trạm cấp nhiên liệu. Tuy nhiên, ngay cạnh khu vực dự án Trạm dừng nghỉ Thanh Bình là 2 cửa hàng xăng dầu (một cửa hàng xăng dầu phía đối diện cách 60 m và một cửa hàng xăng dầu cùng chiều cách 510 m).
Như vậy, nếu chủ trương điều chỉnh Dự án khu tổ hợp dịch vụ văn phòng, khách sạn Thanh Bình thành Dự án trạm dừng nghỉ loại 1 được chấp thuận thì trong phạm vi bán kính 500 m sẽ có đến 2 cửa hàng xăng dầu và một trạm cấp nhiên liệu trong trạm dừng nghỉ (thực chất cũng là cửa hàng kinh doanh xăng dầu).
Theo văn bản 11224 (ngày 23/11/2016) của Bộ Công Thương trả lời về hoạt động trạm cấp nhiên liệu trong trạm dừng nghỉ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa: “Đối với trạm cấp nhiên liệu trong trạm dừng nghỉ loại hình có hoạt động kinh doanh, do đó thuộc đối tượng quy hoạch mạng lưới xăng dầu… chỉ hoạt động kinh doanh khi có Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu như đối với cửa hàng kinh doanh xăng dầu”.
Trên cơ sở đó, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 2529 nêu ý kiến về dự án Trạm dừng nghỉ Thanh Bình trên Quốc lộ 1A. Sở Công Thương Thanh Hóa đề nghị “chỉ có thể điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Khu tổ hợp dịch vụ văn phòng, khách sạn Thanh Bình thành trạm dừng nghỉ Thanh Bình (không phải là trạm dừng nghỉ loại 1). Khi dự án trạm dừng nghỉ thuộc loại 2 hoặc 3 sẽ không bắt buộc phải có trạm cấp nhiên liệu.
Tại văn bản số 13572 (ngày 9/10/2019) Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ông Nguyễn Đình Xứng đã có ý kiến chỉ đạo “không đồng ý chủ trương đầu tư Dự án Khu tổ hợp dịch vụ văn phòng, khách sạn Thanh Bình thành Dự án Trạm dừng nghỉ loại 1, do hạng mục trạm cấp nhiên liệu của Dự án Trạm dừng nghỉ không đảm bảo khoảng cách đối với cửa hàng xăng dầu liền kề như ý kiến tham gia của Sở Công Thương Thanh Hóa và các quy định hiện hành của pháp luật”.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng “phê bình Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa trong việc tham mưu đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo Bộ Giao thông Vận tải bổ sung quy hoạch Trạm dừng nghỉ loại 1 mà chưa nghiên cứu phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị liên quan đảm bảo khoảng cách quy định…”.
“Đi ngược” quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo không đồng ý chủ trương đầu tư Dự án Khu tổ hợp dịch vụ văn phòng, khách sạn Thanh Bình thành Dự án Trạm dừng nghỉ loại 1. Nhưng ngày 3/12/2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa bà Lê Thị Thìn lại ra văn bản số 248 chỉ đạo: “Giao Sở Công Thương có văn bản tham gia ý kiến, đề xuất gửi Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp để hoàn chỉnh hồ sơ, tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định” đối với dự án Trạm dừng nghỉ Thanh Bình theo loại 1.
Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa là cơ quan trước đây đã bị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê bình trong việc tham mưu “quy hoạch Trạm dừng nghỉ loại 1 mà chưa nghiên cứu phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị liên quan đảm bảo khoảng cách quy định” lại tiếp tục ra văn bản số 73 (ngày 7/1/2020) nêu ý kiến về dự án Trạm dừng nghỉ Thanh Bình.
Theo đó, Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa nêu các quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương chưa có quy định về khoảng cách giữa các hạng mục trạm cấp nhiên liệu trong trạm dừng nghỉ với cửa hàng xăng dầu liền kề cùng phía trên quốc lộ.
Khi đặt vấn đề về trạm cấp nhiên liệu trong trạm dừng nghỉ chồng lấn với cửa hàng xăng dầu gần đó, ông Lý Văn Thích - Trưởng phòng Quản lý giao thông (Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa) cho rằng: “Việc khoảng cách các cây xăng dầu ở gần, ở xa thì do ngành Công Thương chủ trì, có thể việc tham mưu của Sở Giao thông Vận tải là cứng nhắc nhưng cũng chỉ theo quy định thôi. Nếu quy hoạch là trạm dừng nghỉ loại 1 thì bắt buộc là có trạm cấp nhiên liệu”.
Theo ông Lê Tiến Dũng, Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, việc đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Trạm dừng nghỉ Thanh Bình đơn vị đã làm đúng quy trình, quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch.
“Trạm nhiên liệu trong trạm dừng nghỉ là khác, cửa hàng xăng dầu là khác, hai câu chuyện khác nhau. Quy định chỉ đưa ra khoảng cách cây xăng và cây xăng, không phải cây xăng với trạm dừng nghỉ, trạm dừng nghỉ loại 1 thì bắt buộc phải có trạm cấp nhiên liệu” - ông Dũng nói.
Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Trường Lộc, trạm nhiên liệu để phục vụ cho giao thông đường bộ hiện nay có xăng, dầu và điện năng. Tuy nhiên, trên đường quốc lộ chủ yếu các phương tiện sử dụng xăng và dầu, trạm nhiên liệu thực chất là trạm bán xăng và dầu. Trạm nhiên liệu trong trạm dừng nghỉ vẫn là cửa hàng bán xăng dầu.
Việc khoảng cách đặt trạm xăng dầu ở đường quốc lộ thì Bộ Giao thông Vận tải đã có Thông tư 50 (2015), quy định khoảng cách tối thiểu giữa các trạm xăng dầu là 6.000 m (trên đường quốc lộ, cùng phía và có dải phân cách, ngoài khu vực nội thị).
“Phạm vi điều chỉnh của Thông tư 50 là “công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; sử dụng phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đấu nối đường nhánh vào quốc lộ…” tức là Thông tư hướng dẫn toàn bộ hạ tầng gồm đường, điện, trường, trạm các công trình liên quan đường quốc lộ. Một công trình nằm trong hệ thống giao thông đường bộ ngoài những quy chuẩn riêng thì phải tuân thủ Thông tư 50./.
Theo VOV
email: [email protected], hotline: 086 508 6899