Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất đưa thuế xuất khẩu vàng trang sức về 0%

27/06/2024, 11:10

TCDN - Theo nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thuế suất bằng 0% sẽ giúp sản phẩm vàng trang sức - mỹ nghệ của Việt Nam cạnh tranh tốt hơn với sản phẩm của các quốc gia khác trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bởi các nước này cũng đều đang áp thuế 0%.

phapluatbandoc.mediacdn.vn-218655490646380544-2023-10-18-_vang-9999-la-vang-gi1-6-1697510549041-16975105497171166401887-1697619143964-1697619144546708245089

Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, trước diễn biến phức tạp của thị trường vàng đầu những năm 2000, Nhà nước đã ban hành một loạt các văn bản theo hướng thắt chặt hoạt động thị trường vàng nhằm ổn định thị trường vàng nói riêng và kinh tế vĩ mô nói chung, bao gồm: (i) chấm dứt hoạt động của sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước (Thông báo 369/TB-VPCP); (ii) quy định về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng (Thông tư 11/2011/TT-NHNN), (iii) quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24/2012/NĐ-CP), (iv) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ngoại hối và vàng (Nghị định 96/2014/NĐ-CP).

Đặc biệt, trong các chính sách đã ban hành, Nghị định 24/2012/NĐ-CP được đánh giá là văn bản toàn diện nhất, góp phần cơ cấu và tổ chức lại toàn bộ thị trường vàng Việt Nam dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.

Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng của Chính phủ ban hành đã góp phần giải quyết những tồn đọng và bất cập của chính sách quản lý thị trường vàng tại thời điểm đầu những năm 2000, khi thị trường này còn nhiều diễn biễn phức tạp.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm áp dụng cùng với những biến chuyển không ngừng của nền kinh tế, mục đích sử dụng hay đầu tư vàng của người dân cũng đã thay đổi, đòi hỏi nhà nước cần có những biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý thị trường vàng thông qua việc điều chỉnh những điểm chưa phù hợp của Nghị định trong bối cảnh thời đại mới.

Để thị trường vàng phát triển ổn định và bền vững, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất giải pháp liên thông thị trường vàng trong nước với thị trường vàng thế giới. Theo đó, NHNN cần có các biện pháp nhằm loại bỏ chênh lệch giá, đặc biệt là giá vàng SJC, tiến tới tự do hóa xuất, nhập khẩu vàng. Cụ thể như: Xem xét cho một số doanh nghiệp được sản xuất vàng miếng để cung ứng cho thị trường. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế và sẽ giúp giảm chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và quốc tế.

Hiện, ngành công nghiệp sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ chưa được chú trọng phát triển, đề nghị đưa sản xuất, kinh doanh vàng trang sức - mỹ nghệ khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục IV, Luật Đầu tư năm 2020, bởi lẽ không giống như vàng miếng, vàng trang sức - mỹ nghệ là hàng hoá bình thường.

Đồng thời, NHNN xem xét cho phép doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức được nhập khẩu vàng nguyên liệu. Hiện nay, thị trường vàng tương đối ổn định nên việc xem xét cấp giấy phép nhập khẩu cho doanh nghiệp là cần thiết, không nên tiếp tục kéo dài thêm “giải pháp tình thế” đã áp dụng trong suốt 10 năm qua.

NHNN nên đưa ra phương án hỗ trợ các doanh nghiệp vàng trong nước được tiếp cận với nguồn vàng nhâp khẩu để các doanh nghiệp có sự lựa chọn về nguồn cung đầu vào, giúp nâng cao chất lượng về sản phẩm cuối cùng.

Bên cạnh đó, chính sách mở cửa vàng nguyên liệu còn tạo động lực cho các doanh nghiệp trong nước có cơ hội được được hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế nhằm học hỏi lẫn nhau và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây cũng là động lực để khối doanh nghiệp tư nhân yên tâm đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại dùng trong quá trình sản xuất, thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Đặc biệt, Bộ Tài chính xem xét đưa thuế xuất khẩu vàng trang sức về 0% như cũ, thay vì tăng lên 1% như ban hành mới đây, để khuyến khích xuất khẩu, tái tạo nguồn ngoại tệ, đồng thời tăng sức cạnh tranh của nghệ mỹ nghệ kim hoàn của Việt Nam. Thuế suất bằng 0% sẽ giúp sản phẩm vàng trang sức - mỹ nghệ của Việt Nam cạnh tranh tốt hơn với sản phẩm của các quốc gia khác trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vì các nước này cũng đều đang áp thuế 0%. 

Thu Hà
Bạn đang đọc bài viết Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất đưa thuế xuất khẩu vàng trang sức về 0% tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Chuyên gia đề xuất tăng cường quản lý thuế giúp bình ổn thị trường vàng
Tại buổi tọa đàm “Đối thoại chính sách: Ổn định thị trường vàng, giữ vững vĩ mô, tạo đà phục hồi trong bối cảnh bất định” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức sáng 17/5, các chuyên gia đề nghị xóa bỏ độc quyền vàng miếng, cho phép nhập khẩu vàng và quản lý bằng chính sách thuế.