Tương lai thị trường bán lẻ: Phụ thuộc tương tác và trải nghiệm

28/03/2019, 08:57

TCDN -
Trung tâm thương mại trở thành các cộng đồng kết nối văn hóa… là xu hướng ngành công nghiệp dịch vụ bán lẻ Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, truyền thông số.




Tăng tương tác và tạo trải nghiệm cho khách hàng

Theo bà Rebecca Pearson, Phó Giám đốc phụ trách bán lẻ CBRE châu Á, năm 2018 thị trường bán lẻ đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ đạt hai con số gắn với niềm tin người tiêu dùng Việt Nam xếp thứ 2 thế giới. Nhiều thương hiệu Việt Nam cũng đã vươn ra khu vực, trong đó, đáng chú ý là sự gia tăng bán lẻ hàng điện tử, dịch vụ giao hàng ngày càng liền mạch tạo trải nghiệm mới cho khách hàng. Mặc dù thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ nhưng người tiêu dùng vẫn thích được trải nghiệm thực tế sản phẩm, đó cũng là lý do nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã đẩy mạnh cả việc bán hàng qua thương mại điện tử lẫn xây dựng cửa hàng trải nghiệm thực tế phục vụ người tiêu dùng. Tại Việt Nam, doanh nghiệp muốn tiếp cận khách hàng tốt cũng phải bắt kịp xu hướng này nhằm đảm bảo cho người dùng được trải nghiệm tốt hơn.

Đánh giá triển vọng của thị trường bán lẻ Việt Nam bà Rebecca Pearson dự báo doanh thu bán lẻ dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng lên đến 11,9% thời điểm năm 2020 (cao gần gấp ba lần so với nước đứng vị trí tiếp theo tại Đông Nam Á). Đặc biệt, bên cạnh sự đổ bộ của các nhà đầu tư, doanh nghiệp bán lẻ quốc tế, bản thân các doanh nghiệp bán lẻ nội địa cũng cho thấy chiến lược phát triển bài bản ngay trên “sân nhà”, bắt nhịp với xu hướng quốc tế, trong đó tầm quan trọng của đầu tư công nghệ, tăng tương tác và tạo trải nghiệm cho khách hàng đang được chú ý.

Thực tế, 90% người mua sắm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ mua nhiều hơn nếu họ đến cửa hàng thực thể (cửa hàng vật lý) nhận những mặt hàng đã đặt trực tuyến. Khách hàng hiện đại thích đặt hàng online nhưng mong muốn được đến tận cửa hàng để chạm, sờ, cảm nhận sản phẩm… trước khi nhận hàng. Các thương hiệu lớn và cả các nhà kinh doanh trực tuyến lớn như Everlane, Amazon, Habitat… đều mở cửa hàng thực thể. Ví dụ Uniqlo đã tăng doanh thu 40% nhờ các cửa hàng thực thể. Xu hướng hiệu nay các nhà bán lẻ trực tuyến mở các cửa hàng thực thể để trưng bày, cho khách hàng trải nghiệm sản phẩm và tăng hiệu quả kinh doanh.

Đồng quan điểm, ông Chris Dobson, Phó Chủ tịch Viện thiết kế bán lẻ cho biết, 50% hoạt động mua sắm hiện nay do truyền miệng, 80% các hoạt động truyền miệng này do trải nghiệm của những khách hàng trước đó. Cách tiếp thị truyền thống cổ điển không còn thu hút nữa, mà dựa trên trao đổi của khách hàng với người thân, bạn bè. Họ chủ động chia sẻ trải nghiệm, từ đó dẫn dắt người thân tới mua.

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp đánh giá, trải nghiệm của khách hàng chính là tác nhân, yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến xu hướng bán lẻ trong tương lai. Vì vậy nhà bán lẻ làm thế nào để ứng dụng công nghệ số, tạo ra những hiệu dụng, hữu ích tại cửa hàng của mình, cộng đồng thiết kế bán lẻ mới hiện nay không chỉ tập trung vào diện mạo mà là tương tác, trải nghiệm của khách hàng khi tiếp xúc với thiết kế đó. Việc trải nghiệm của khách hàng cực kỳ quan trọng với ngành bán lẻ trong tương lai. Nghĩa là, tương lai ngành bán lẻ, phụ thuộc vào tương tác và trải nghiệm của khách hàng.

Đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số

Ông Geoffrey Morrison, Sáng lập, Giám đốc điều hành Concept I chia sẻ, xu hướng bán lẻ mới cho thấy, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, truyền thông số, tương lai bán lẻ phụ thuộc nhiều vào những ứng dụng sáng tạo này. Chẳng hạn cửa hàng Gucci (quận Soho, New York) giúp cho khách hàng hiểu được phong cách, triết lý cuộc sống của Gucci. Tại đây có nhiều cửa hàng thời trang, khi Gucci mở tại đây họ tạo ra không gian hiểu được phong cách, trải nghiệm không gian mua sắm lên tới 1000m2, giúp khách có trải nghiệm ấm cúng như ở nhà.

Hay như ở Ở Cairo (Ai Cập), Concept đổi mới hoàn toàn khu trung tâm thương mại giúp cho 185.000m2 trở nên sinh động với những khu ăn uống, thời trang đặc sắc. Có thể thấy tất cả không gian, môi trường xung quanh, là những bối cảnh thể hiện sự sinh động, bắt mắt, hấp dẫn khách hàng.

Thương hiệu thể thao hàng đầu thế giới Nike với thiết kế cửa hàng sáng tạo, người tiêu dùng có thể chơi game để tìm hiểu rõ hơn về sản phẩm. Nhãn hiệu thời trang đến từ Ý Prada có robot ngay tại khu trải nghiệm sản phẩm để giới thiệu cho khách hàng. Trong khi đó có một cửa hàng của Gucci xây dựng như một thư viện để khách hàng chạm đến văn hóa đến thời trang…

Như vậy, yếu tố ảnh hưởng lớn đến thành công của ngành bán lẻ đó chính là công nghệ. Công nghệ tạo ra đặc thù độc đáo, tạo sự tương tác của khách hàng với công nghệ số. Giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm mọi thứ qua điện thoại thông minh, thậm chí khách hàng có thể tới cửa hàng tự thiết kế, tự lựa chọn, đặt món hàng đó. Để ngành bán lẻ phát triển cần tập trung vào 3 vấn đề: Làm thế nào tăng kết nối, tăng tương tác tạo ra môi trường tương tác tốt hơn; Gắn thẻ khách hàng thường xuyên, kết hợp công nghệ để gia tăng trải nghiệm cho khách; Giới thiệu những đổi mới sáng tạo, tạo ra trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ cho khách, tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam nhấn mạnh, có thể dùng hai từ là công nghệ và sáng tạo để nói về tương lai bán lẻ Việt Nam. Nếu không có công nghệ và không có sáng tạo, bán lẻ Việt Nam sẽ không phát triển được trong bối cảnh thế giới hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Bán lẻ theo chuỗi là xu thế tất yếu của thị trường bán lẻ. Mô hình kinh doanh chuỗi ở Việt Nam tăng trưởng mạnh, khoảng 20 - 30%/năm trong vài năm gần đây. Đây là con số ấn tượng nhưng triển vọng ngành bán lẻ theo chuỗi chỉ thành công nếu đáp ứng được quy mô lớn, phương pháp quản trị tốt và có thương hiệu uy tín. Kinh doanh theo chuỗi còn có yếu tố thúc đẩy lớn, đó là tỷ lệ bán lẻ hiện đại trong thị trường bán lẻ còn ở mức khá thấp, chưa đạt mức 30% trên toàn bộ thị trường (gồm siêu thị, đại siêu thị, trung tâm mua sắm cửa hàng tiện ích, bán lẻ online…), do đó không gian phát triển bán lẻ hiện đại mà cụ thể là kinh doanh theo chuỗi còn nhiều, là mảnh đất tiềm năng cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Để thích ứng với làn sóng thâm nhập ngày càng mạnh của nhà đầu tư ngoại, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần vượt qua chính mình, phát huy thế mạnh về văn hóa, kinh nghiệm, đồng thời liên kết với nhau và với các hiệp hội ngành hàng. Đồng thời, doanh nghiệp nghiên cứu người tiêu dùng vốn dĩ đang ngày càng thay đổi từ tâm lý, nhu cầu, thói quen mua sắm để lựa chọn phân khúc, sản phẩm, quy mô phù hợp. Cùng với đó, vấn đề quan trọng nhất là lựa chọn mặt bằng, bên cạnh nguồn nhân lực, tài chính, chiến lược, kỹ năng công nghệ.



Thái Hà - Tạp chí TCDN số 3/2019
Bạn đang đọc bài viết Tương lai thị trường bán lẻ: Phụ thuộc tương tác và trải nghiệm tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận