UBTVQH: Yêu cầu báo cáo dấu hiệu lừa đảo, làm giá thị trường bất động sản, đầu cơ, thao túng TTCK

16/10/2019, 08:23

TCDN - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc Hội Vũ Hồng Thanh đề nghị báo cáo về việc thông tin thị trường bất động sản thiếu minh bạch, một số vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, làm giá bất động sản; một số trường hợp đầu cơ, thao túng trên thị trường chứng khoán.

vu hong thanh

Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, xây dựng Kế hoạch năm 2002, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, năm 2019 là một năm đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều khía cạnh, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội đề ra; là năm thứ 2 liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao (7 chỉ tiêu ước đạt và 5 chỉ tiêu ước vượt kế hoạch). Kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng GDP ước đạt 6,8%, lạm phát đạt dưới 3% và bội chi ngân sách đạt 3,4% GDP trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều biến động.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày tóm tắt Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, xây dựng Kế hoạch năm 2002. 

Sản xuất công nghiệp đạt kết quả cao với trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo. Tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt khá, lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp đạt kết quả cao, việc ổn định sản xuất chăn nuôi được thực hiện quyết liệt. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt mục tiêu sớm hơn so với kế hoạch. Đóng góp của khu vực dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng, Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế. Cán cân thương mại giữ được nhịp tăng trưởng cao, mức tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước được cải thiện.

Vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá, phát huy vai trò động lực của khu vực kinh tế tư nhân. Đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được cải thiện. Hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân có bước phát triển; năng suất lao động tiếp tục được cải thiện. Hoạt động đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế đạt nhiều thành tựu quan trọng; quan hệ đối ngoại nghị viện phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu. Các lĩnh vực khoa học công nghệ, lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và các lĩnh vực khác có một số kết quả nhất định.

Công tác điều hành của Chính phủ tiếp tục có nhiều đổi mới, tập trung vào xử lý nhiều vấn đề kinh tế-xã hội khó khăn, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Các Bộ, ngành có nhiều nỗ lực để rà soát, loại bỏ thủ tục, điều kiện kinh doanh bất hợp lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, những kết quả trên là rất đáng khích lệ, có sự đóng góp của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, trong đó trước hết là sự quyết liệt, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề để thấy rõ hơn những kết quả đạt được và tiếp tục duy trì những thành tựu nêu trên, bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế.

Cụ thể đề nghị phân tích rõ động lực, chất lượng của tăng trưởng để phát huy cho các năm sau; đánh giá thực trạng và tác động của khoa học, công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế. Có ý kiến đề nghị phân tích về tổng thu nhập quốc gia (GNI) để đánh giá đầy đủ về nền kinh tế.

Về sản xuất công nghiệp, việc phát triển thương hiệu quốc gia, sức cạnh tranh sản phẩm và bảo vệ thương hiệu trong nước vẫn chưa phát huy hiệu quả. Nội địa hóa, liên kết sản xuất sản phẩm cơ khí chế tạo và hỗ trợ thị trường còn hạn chế. Các ngành công nghiệp hỗ trợ còn chậm phát triển.

Về sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực nhưng kết quả chưa đồng đều giữa các vùng, miền. Ngành thủy sản gặp bất lợi khi Ủy ban Châu Âu chưa xem xét việc gỡ “Thẻ vàng”; cần làm rõ trách nhiệm của một số địa phương trong kiểm tra, giám sát tại cảng cá và hệ thống giám sát tàu cá.

Về khu vực dịch vụ, sự dịch chuyển nhanh chóng về loại hình, sản phẩm du lịch đặt ra yêu cầu cấp bách đối với các nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch Việt Nam cần nâng cao hơn chất lượng và hiệu quả. Có ý kiến cho rằng việc quản lý các mô hình kinh doanh du lịch mới còn thiếu hành lang pháp lý, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Về hoạt động thương mại, mức tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước có cải thiện nhưng nhập siêu của khu vực này còn lớn. Đề nghị phân tích rõ hơn các yếu tố tác động đến tốc độ tăng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ; nhập siêu từ Trung Quốc tăng. Đề nghị đánh giá cụ thể hơn những yếu tố, mặt hàng có đóng góp tích cực vào xuất khẩu. Cần phân tích thêm về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa; công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị làm rõ thêm các nội dung về chỉ số giá tiêu dùng, vốn đầu tư, thu, chi ngân sách nhà nước, lĩnh vực ngân hàng, hoạt động doanh nghiệp,môi trường kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng, lĩnh vực lao động, giáo dục, y tế, phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị báo cáo về việc thông tin thị trường bất động sản thiếu minh bạch, một số vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, làm giá bất động sản; một số trường hợp đầu cơ, thao túng trên thị trường chứng khoán. Công tác điều tra xét xử các vụ án tham nhũng, xử lý tội phạm tiếp tục chuyển biến tích cực, tuy nhiên còn tồn tại vi phạm pháp luật trong thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm... 

Công tác quản lý người nước ngoài còn hạn chế, nhiều đối tượng lợi dụng lừa đảo, tổ chức đánh bạc qua mạng. Một số vụ việc quấy rối, xâm hại phụ nữ, trẻ em liên tiếp xảy ra. Tình hình vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản có nơi chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai còn xảy ra ở một số nơi. Một số vấn đề như tội phạm tàng trữ, buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với khối lượng lớn, quy mô rộng; vệ sinh an toàn thực phẩm; hoạt động quản lý bến bãi... cần được làm rõ.

Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất về mục tiêu tổng quát cũng như các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đề ra cho năm 2020. Đồng thời đề nghị làm rõ cơ sở của một số chỉ tiêu cụ thể; quan tâm thêm các nhóm giải pháp, nhiệm vụ.

Trong đó có bảo đảm tiến độ xây dựng và chất lượng các dự án luật; tổ chức thực hiện có hiệu quả các luật đã ban hành. Thực hiện quyết liệt việc cắt giảm thủ tục hành chính một cách thực chất; minh bạch và xử lý nghiêm sai phạm trong thực thi công vụ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Rà soát, cơ cấu lại hợp lý một số khoản chi; kiên quyết điều chỉnh vốn của các dự án không triển khai được cho các dự án khác; hạn chế chuyển nguồn quá lớn cho năm sau. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia. Tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước… Kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; chú trọng phát triển nền tài chính toàn diện.

Phát triển đồng bộ thị trường khoa học, công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Quyết liệt trong kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất; đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng cường dự báo, cảnh báo sớm. Chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm trong quản lý đất đai.

Tiếp tục rà soát nội dung cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA); điều chỉnh chính sách đầu tư phù hợp để tận dụng cơ hội từ các FTA. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, quốc phòng, kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền quốc gia...

Đông Phong T/h
Bạn đang đọc bài viết UBTVQH: Yêu cầu báo cáo dấu hiệu lừa đảo, làm giá thị trường bất động sản, đầu cơ, thao túng TTCK tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

'Không cần ban hành Nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ CPH, thoái vốn nhà nước'
Đây là kiến nghị của Đoàn công tác của UBTVQH về sự cần thiết ban hành Nghị quyết về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đoàn kiến nghị chỉ đưa vào Chương trình xây dựng luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13.