Vì sao giải ngân vốn ODA nửa năm nay thấp?
TCDN - Việc giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 5.778,482 tỷ đồng, đạt 10,24% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tỷ lệ giải ngân chưa cao
Theo số liệu giải ngân của Bộ Tài chính tại văn bản số 7764/BTC-ĐT ngày 25/6/2020 về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN lũy kế 05 tháng năm 2020 và ước thực hiện 06 tháng năm 2020.
Cụ thể, lũy kế giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài năm 2019 kéo dài sang năm 2020 từ đầu năm 2020 đến ngày 31/5/2020 là 1.436,816 tỷ đồng. Ước giải ngân từ đầu năm đến ngày 30/6/2020 đạt 1.973,129 tỷ đồng, cụ thể:
Lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương được giao trong năm 2020 từ đầu năm đến ngày 31/5/2020 là 4.327,271 tỷ đồng. Ước giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài trong 06 tháng đầu năm 2020 ước đạt 5.778,482 tỷ đồng (đạt 10,24% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Mặc dù mức giải ngân này cao gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019 (2.050 tỷ đồng) nhưng so với kế hoạch vốn nước ngoài được giao, tỷ lệ này còn chưa cao.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho biết, một số cơ quan chủ quản đạt tỷ lệ giải ngân cao so với trung bình chung cả nước gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Lào Cai, Ninh Bình…
Tuy nhiên, bên cạnh đó một số cơ quan chủ quản có tỷ lệ giải ngân thấp như Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thái Nguyên, Quảng Ninh… Một số cơ quan chưa giải ngân được kế hoạch vốn nước ngoài được giao năm 2020 (tỷ lệ 0%) gồm: KonTum, Quảng Ngãi, Bến Tre, Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long…
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2020 giải ngân trong 6 tháng đầu năm trên thực tế có thể cao hơn do thông tin về số liệu giải ngân theo báo cáo của Bộ Tài chính hiện còn chưa có tính cập nhật cao, còn có độ trễ nhất định về thời gian.
Đồng thời, báo cáo của Bộ Tài Chính chưa phản ánh đúng số vốn nước ngoài giải ngân thực tế theo khối lượng thi công tại hiện trường của các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Đặc biệt là những dự án phân cấp chủ đầu tư tới tận huyện, xã thì số liệu theo hệ thống TABMIS của Ban quản lý dự án tỉnh không bao gồm số liệu của Ban quản lý các huyện, xã.
Nguyên nhân giải ngân chậm
Phân tích nguyên nhân khiến tình trạng giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi từ đầu năm đến nay còn thấp. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, công tác chuẩn bị dự án sơ sài, nhiều dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi phải thực hiện điều chỉnh dự án (tổng mức đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện, phạm vi dự án, thiết kế chi tiết các hạng mục xây lắp...), gia hạn, điềuchỉnh Hiệp định vay.
Trong đó, chất lượng thiết kế một số dự án chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và chưa phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương nên trong quá trình triển khai thực hiện
Cụ thể, dự án phải bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh nhiều lần, bao gồm:
Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (WB9): Do tình hình hạn hán và xâm nhập mặn năm 2020 trên địa bàn tỉnh An Giang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc xây dựng các mô hình sinh kế nên phải nghiên cứu thay đổi so với dự kiến để phù hợp với tình hình thực tế.
Tiểu dự án Tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nguồn nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long, huyện An Phú, tỉnh An Giang (WB):
Dự án này gặp khó khăn do WB yêu cầu thực hiện các kế hoạch chuyển đổi mô hình sinh kế mới triển khai lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp dẫn đến việc phải tiến hành lựa chọn Tư vấn thực hiện phần mô hình sinh kế.
Các giải pháp thiết kế trước đây đã thống nhất giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tư vấn WB đã được phê duyệt song nhóm tư vấn WB đề xuất thay đổi dẫn đến việc phải thực hiện rà soát, điều chỉnh dự án...
Dự án Hệ thống thủy lợi ngăn mặn, tiếp ngọt khu vực huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC):
Trong quá trình triển khai thực hiện phải điều chỉnh tăng, giảm quy mô đầu tư một số hạng mục công trình của dự án nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện gói thầu và làm tăng tổng mức đầu tư của dự án.
Dự án “Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam-Tiểu dự án Thành phố Vĩnh Long” (WB): Trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh quy mô, giải pháp kỹ thuật một số hạng mục công trình nên tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán chậm, ảnh hưởng đến việc tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu xây lắp và giải ngân vốn đầu tư.
- Một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, Quyết định đầu tư nên chưa thể triển khai các công tác đấu thầu xây lắp, giải ngân của dự án (Dự án Tuyến đường sắt đô thị Hà nội đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án đường sắt đô thị số 3 Hà Nội...);
Một số dự án phải điều chỉnh Hiệp định với nhà tài trợ, thủ tục điều chỉnh mất nhiều thời gian làm ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân của dự án (Ví dụ: Dự án Thoát nước mưa, Thoát nước thải và quản lý chất thải rắn Hải Phòng, giai đoạn I: Ngày 07/4/2020, Bộ Tài chính mới hoàn thành việc điều chỉnh Hiệp định với JICA nên dự án không thể giải ngân được kế hoạch vốn nước ngoài năm 2020 được giao).
Một số dự án phải điều chỉnh gia hạn thời gian thực hiện, sử dụng vốn dư dẫn đến tỷ lệ giải ngân chậm (Dự án Phát triển toàn diện kinh tế xã hội các đô thị Việt Trì, Hưng Yên và Đồng Đăng - hợp phần dự án tại thành phố Hưng Yên.
Dự án phát triển đô thị Phủ Lý (phần bổ sung); Dự án nâng cấp hạ tầng thủy lợi huyện Hải Hậu (Tên cũ: Dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp ven biển huyện Hải Hậu); Phát triển cơ sở hạ tầng ven biển ứng phó biến đối khí hậu huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình...);
Ngoài ra, biến động giá cả thị trường, tỷ giá cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, tỷ giá thay đổi làm ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư dự án do dự án được phê duyệt bằng đồng ngoại tệ, hoặc vốn vay ngoại tệ.
Tính sẵn sàng của các dự án còn thấp gây vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư:
Theo báo cáo của các địa phương, đa phần các dự án đều bị ảnh hưởng bởi công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, dẫn đến tiến độ của nhiều dự án không được đảm bảo; công tác bồi thường, GPMB, nhất là các dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế -xã hội trong quá trình thực hiện còn vướng chưa giải quyết kịp thời.
Khái toán chi phí bồi thường, GPMB của dự án tăng cao so với phần kế hoạch vốn ngân sách địa phương bố trí cho công tác này nên khó khăn trong triển khai thực hiện; việc các tỉnh ban hành giá đất mới áp dụng cho 2020 làm tăng chi phí hợp phần đền bù, hỗ trợ, tái định trong tổng mức đầu tư dự án.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899