Vì sao Petrosetco muốn bán cổ phiếu với “giá rẻ”?
TCDN - Dù tiền mặt còn nhiều, tiền gửi ngân hàng khá lớn, nhưng vì sao Petrosetco vẫn muốn huy động thêm vốn bằng cách bán cổ phiếu với giá chưa bằng một nửa thị giá?
Khát vốn vì thua lỗ chứng khoán và đầu tư trái ngành
Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (Petrosetco) vừa thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Kế hoạch này có khá nhiều điều đặc biệt.
Cụ thể, Petrosetco muốn phát hành gần 9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và bán gần 45 triệu cổ phiếu cho cổ đông để tăng vốn. Nếu phương án trên được thực hiện thành công, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng từ mức hơn 900 tỷ đồng lên gần 1.500 tỷ đồng. Có hai điểm đặc biệt trong đợt tăng vốn lần này của Petrosetco. Đó là tăng vốn khi tiền mặt còn nhiều và dùng hết số tiền tăng vốn để trả nợ.
Với gần 45 triệu cổ phiếu bán cho cổ đông với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, Petrosetco dự kiến thu về 673 tỷ đồng. Số tiền này dùng để trả nợ cho đối tác Apple (670 tỷ đồng) qua các hợp đồng vay tại các ngân hàng là Vietcombank, MB và BIDV.
Theo báo cáo tài chính 6 tháng năm 2022 đã kiểm toán của Petrosetco, tài sản ngắn hạn của công ty này còn hơn 7.000 tỷ đồng. Chỉ riêng khoản tiền và tương đương tiền cùng với đầu tư tài chính ngắn hạn đã gần 2.700 tỷ đồng. Nếu chỉ dùng khoản này cũng đủ để Petrosetco xoay sở trả nợ cho Apple, nhưng vì sao công ty vẫn muốn phát hành thêm cổ phiếu với giá thấp?
Thành lập từ năm 1996, Petrosetco tiền thân là công ty chuyên về dịch vụ và du lịch dầu khí. Sau đó, Petrosetco mở rộng và lấy mảng phân phối làm chủ lực, đóng góp khoảng 90% doanh thu hàng năm cho công ty. Bên cạnh mảng phân phối (sản phẩm công nghệ thông tin, điện gia dụng và thiết bị công nghiệp dầu khí), Petrosetco còn có mảng cung ứng dịch vụ dầu khí, Catering (cung cấp suất ăn, tổ chức tiệc theo yêu cầu khách hàng) và quản lý bất động sản. Đến nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ hơn 23% cổ phần tại đây.
Trong giai đoạn 2019-2021, dù biên lợi nhuận ròng chỉ đạt trên dưới 1% nhưng doanh thu của Petrosetco đều tăng khoảng 30% mỗi năm. Với đà tăng trưởng khả quan này, kể từ năm 2021, Petrosetco mạnh dạn phát triển thêm dịch vụ ngoài ngành dầu khí. Cụ thể, Petrosetco mở rộng sang mảng xử lý chất thải nguy hại và chất thải công nghiệp (đầu tư nhà máy 32 ha) và phân phối các sản phẩm phân bón hữu cơ organic được nhập khẩu từ Mỹ.
Có lẽ vì bên cạnh nhu cầu vốn lưu động lớn từ mảng phân phối, tham vọng đầu tư ngoài ngành khiến Petrosetco đang khát vốn và phải chấp nhận phát hành cổ phiếu với giá thấp? Thực tế, các khoản đầu tư tài chính của Petrosetco cũng khiến ban lãnh đạo công ty lo lắng không ít.
Về các khoản đầu tư dài hạn, đến cuối năm 2021, Petrosetco rót hơn 400 tỉ đồng vào 11 công ty con và hơn 115 tỉ đồng vào 3 công ty liên kết. Trong đó, có 3 công ty con và 1 công ty liên kết liên tục thua lỗ buộc Petrosetco phải lập dự phòng.
Với đầu tư ngắn hạn, Petrosetco ghi nhận lỗ lớn vì đầu tư chứng khoán. Đến cuối tháng 6/2022, công ty này đầu tư gần 420 tỉ đồng vào chứng khoán và phải trích lập dự phòng hơn 180 tỉ đồng (gần một nửa giá trị đầu tư).
Như vậy, nhu cầu vốn lưu động là không nhỏ, nhưng tham vọng đầu tư ngoài ngành và thua lỗ chứng khoán mới là nguyên nhân chính làm Petrosetco khát vốn, chấp nhận bán cổ phiếu giá rẻ. Giá phát hành chỉ 15.000 đồng/cổ phiếu trong khi thị giá vào đầu tháng 10/2022 của cổ phiếu PET ở mức trên 30.000 đồng/cổ phiếu.
Ngược hướng thị trường
Petrosetco cho biết sẽ triển khai kế hoạch bán cổ phiếu cho cổ đông để tăng vốn vào ngày 23/9/2022. Thời điểm thị trường chứng khoán đang trên đà suy giảm, nhu cầu tiêu dùng còn nhiều thách thức, khiến nhà đầu tư không khỏi băn khoăn về tính khả thi của kế hoạch này.
Đầu tháng 9/2022, VN-Index ở mức 1.280 điểm. Đến đầu tháng 10/2022, chỉ số này mất khoảng 200 điểm. Lúc Petrosetco công bố kế hoạch, VN-Index đang trên đà giảm mạnh.
Giai đoạn cuối tháng 9 đến đầu tháng 10/2022, nhận ra bối cảnh không thuận lợi, nhiều doanh nghiệp đã kịp thời dừng hoặc hoãn kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn. Mới nhất, Cienco4 (C4G) quyết định tạm dừng kế hoạch chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm huy động thêm 1.100 tỷ đồng. Trước đó, Tập đoàn Sao Mai (ASM) đã ra quyết định hủy phương án phát hành hơn 168 triệu cổ phiếu để huy động hơn 2.000 tỷ đồng từ cổ đông. Cùng ngày Petrosetco công bố kế hoạch hút tiền, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng ra quyết định tạm dừng kế hoạch phát hành để huy động 1.700 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, có vẻ Petrosetco cũng chưa mang về kết quả thuyết phục để các cổ đông yên tâm rót tiền trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Sau 8 tháng đầu năm 2022, Petrosetco mang về hơn 11.000 tỷ đồng doanh thu (tăng 11%). Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt hơn 200 tỷ đồng (giảm hơn 3% so với cùng kỳ). Công ty thừa nhận nguyên nhân chủ yếu là do trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và chi phí lãi vay tăng. Trước khi rót tiền vào một doanh nghiệp kinh doanh có chiều hướng đi xuống, hẳn cổ đông sẽ phải suy xét nhiều. Nhất là toàn bộ số tiền thu về từ cổ đông, doanh nghiệp chỉ dùng để trả nợ mà chưa có kế hoạch đầu tư sinh lời cụ thể.
Tính từ lúc xin phép phát hành đến lúc được chấp thuận, Petrosetco sẽ chờ khoảng 3 tháng, tức vào khoảng cuối năm 2022. Từ giờ đến đầu năm 2023, thị trường được dự báo kém khả quan, thậm chí sẽ giảm mạnh. Nếu được chấp thuận, kế hoạch phát hành của Petrosetco còn vướng phải một bất lợi khác.
Tính từ đầu tháng 6 đến đầu tháng 10/2022, giá cổ phiếu PET đã giảm khoảng 35%, xuống còn quanh mức 30.000 đồng/cổ phiếu. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang giảm mạnh, điều gì giúp cổ phiếu PET trở thành ngoại lệ để có thể đứng ngoài đà suy giảm này? Trong 3 tháng tới, giả sử giá cổ phiếu PET dao động quanh mức giá phát hành, cổ đông sẽ có lựa chọn khác tốt hơn. Đó là chỉ cần mua trên sàn chứng khoán mà không cần phải đăng ký mua qua phát hành. Để cân đối bài toán tài chính ngắn hạn, rõ ràng Petrosetco cần tính đến phương án khác hoặc phải tiếp tục gồng gánh khoản chi phí lãi vay không nhỏ, ảnh hưởng đến lợi nhuận năm 2022.
PV Tài chính Doanh nghiệp đã liên hệ với Petrosetco để trao đổi thông tin về kế hoạch này, tuy nhiên chúng tôi không nhận được câu trả lời cụ thể.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899