Vì sao Thai Airways lại nộp đơn xin phá sản?

17/05/2020, 21:10

TCDN - Khó khăn về tài chính sau nhiều năm thua lỗ liên tiếp và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 được xem là lý do chính dẫn đến việc hãng hàng không quốc gia Thái Lan - Thai Airways International có khả năng phá sản.

Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Uttama Savanayana cho biết: “Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải, nơi giám sát Thai Airways do đây là một doanh nghiệp nhà nước, đã thảo luận việc phát triển một kế hoạch phục hồi, nhưng quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào nội các, để chọn phương án tốt nhất cho Thai Airways và các bên liên quan”. Và nộp đơn xin phá sản là một phương án lựa chọn.

Việc cho Thai Airways phá sản sẽ phải tiến hành cẩn thận và theo luật pháp vì đây là doanh nghiệp nhà nước. Ông Uttama cho rằng, nếu THAI là một công ty tư nhân thì sẽ không quá khó khăn.

Thai Airways đứng trước khả năng trở thành hãng hàng không quốc gia đầu tiên phá sản vì COVID-19. (Ảnh minh họa)

Thai Airways đứng trước khả năng trở thành hãng hàng không quốc gia đầu tiên phá sản vì COVID-19. (Ảnh minh họa)

Kế hoạch phục hồi cho Thai Airways có thể được chấp thuận bởi Ủy ban Chính sách Doanh nghiệp Thái Lan và nội các, hoặc thông qua phán quyết của Tòa án Phá sản nếu chọn cách cho phá sản.

"Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải giám sát Thai Airways vì đây là doanh nghiệp nhà nước. Hai bộ đã thảo luận về việc xây dựng kế hoạch phục hồi, nhưng quyết định sau cùng phụ thuộc vào nội các, sẽ chọn phương án tốt nhất cho hãng này và tất cả bên liên quan ", ông Uttama nói chưa biết khi nào có quyết định.

Theo hồ sơ của Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan, THAI đã lỗ ròng 2,11 tỷ baht (gần 66 triệu USD) trong năm 2017, tăng vọt lên 11,6 tỷ (362 triệu USD) trong năm 2018 và 12 tỷ baht vào năm ngoái. "Phải có một cuộc đại tu lớn", ông Uttama nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Anutin Charnvirakul cho biết Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã đồng ý với hướng phá sản Thai Airways để xây dựng lại hãng hàng không quốc gia. "THAI đã thực hiện một số kế hoạch phục hồi kinh doanh nội bộ nhưng không thành công", ông Anutin nói.

Nếu THAI đồng ý, Tòa án Phá sản sẽ giám sát quá trình và chỉ định một người chịu trách nhiệm thực hiện với sự đồng ý của hãng và các chủ nợ. Các cổ đông của THAI cũng phải quyết định về kế hoạch phục hồi được đề xuất.

"Về mặt chính sách, chúng tôi sẽ sớm đưa ra kết luận. Thủ tướng nói rằng hãng hàng không cần phục hồi. Chúng ta cũng đang trong hoàn cảnh của COVID-19. Tôi nghĩ đó là con đường duy nhất. Mọi người phải lùi một bước để có thể tiến về phía trước ", ông Anutin Charnvirakul nói. Đồng thời, ông cho biết kế hoạch dự kiến được Văn phòng Chính sách Doanh nghiệp Nhà nước xem xét vào thứ hai tới (18/5).

Thai Airways International là hãng hàng không quốc gia của Thái Lan, hoạt động chính tại Sân bay Quốc tế Suvarnabhumi Bangkok và là một thành viên sáng lập của liên minh Star Alliance.

Thai Airways được thành lập năm 1960 dưới hình thức liên doanh giữa Scandinavian Airlines (SAS) và hãng hàng không nội địa của Thái Lan, Công ty Thai Airways.

Đến ngày 1/4/1988, Thủ tướng khi đó là Tướng Prem Tinsulanonda, với mong muốn tìm kiếm một hãng vận tải quốc gia duy nhất, đã sáp nhập các hoạt động quốc tế và trong nước của hai công ty để thành lập công ty hiện tại, Thai Airways International.

Ngày 25/6/1991, Thai Airways niêm yết cổ phiếu của mình trên Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan và chào bán ra công chúng. Ngày 1/4/1977, chính phủ Thái Lan đã mua 15% cổ phần còn lại của SAS và Thái Airways trở thành một hãng hàng không thuộc sở hữu của chính phủ Thái Lan.

Tính tới tháng 10/2017, Thai Airways hoạt động với 80 tàu bay, với 74 điểm đến trong và ngoài nước. Hãng sở hữu một đội bay hiện đại như Boeing 747-400, Boieng 737-400...Theo số liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan, lỗ ròng của Thai Airways tăng từ mức 2,11 tỷ baht năm 2017 lên 11,6 tỷ năm 2018 và 12 tỷ baht vào năm ngoái. Tính đến tháng 10 năm 2019, khoản nợ tích lũy của Thai Airways lên tới hơn 100 tỷ baht.

Cuối tháng 4 vừa qua, để tránh nguy cơ trở thành hãng hàng không quốc gia đầu tiên trên thế giới bị phá sản bởi COVID-19, Thai Airways phải đề nghị một gói cứu trợ 10 tỷ baht (307 triệu USD) từ chính phủ Thái Lan để trả tiền lương 1 tháng cho nhân viên.

Hãng hàng không quốc gia Thái Lan cũng yêu cầu phê duyệt khoản vay trị giá 70 tỷ baht khác, với Bộ Tài chính là đơn vị bảo lãnh, để tiếp tục khả năng hoạt động.

Bích Thảo
Bạn đang đọc bài viết Vì sao Thai Airways lại nộp đơn xin phá sản? tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan