Việt Nam hướng tới kỷ nguyên không dùng tiền mặt
TCDN - Những năm gần đây, sự phát triển bùng nổ của các ứng dụng thanh toán thông minh thu hút hàng trăm triệu người dùng, mở ra thời kỳ thanh toán không dùng tiền mặt và trở thành xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên số.
Những bước chân “thần tốc”
Chỉ 5 năm trước, một xã hội không dùng tiền mặt là điều không thể tưởng tượng được với đa số người Việt. Viễn cảnh mà trong đó tiền giấy không còn giữ vững vị trí độc tôn. Cho đến năm 2020, mặc dù hệ thống thanh toán điện tử đã khá phát triển nhưng vẫn chưa thực sự phổ biến ở đất nước có tới 90% giao dịch bằng tiền mặt như Việt Nam.
Thế nhưng, Covid-19 bùng phát kéo là sự lên ngôi của thương mại điện tử đã đẩy nhanh quá trình không dùng tiền mặt. Vai trò của tiền mặt đang giảm dần khi xu hướng của xã hội giờ đây đang hướng đến những giao dịch điện tử.
Nghiên cứu của tổ chức tiền tệ money.co.uk cho thấy một xã hội không dùng tiền mặt đang rất gần tại nhiều nước Châu Âu, thậm chí có thể thành hiện thực sau 2 năm nữa. Thụy Điển, quốc gia đầu tiên phát hành tiền mặt ở châu Âu nhiều thế kỷ trước, có thể trở thành nước đầu tiên loại bỏ tiền mặt hoàn toàn từ năm 2024. Quốc gia Bắc Âu này có 98% dân số sử dụng thẻ ngân hàng và là nước dẫn đầu về thanh toán di động.
Ở Đông Nam Á, khoảng 64% người tiêu dùng tự tin về việc không dùng tiền mặt trong cả ngày. Số liệu của World Payments Report năm 2020 cho thấy khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tiềm năng trở thành châu lục dẫn đầu về giá trị thanh toán điện tử với con số ấn tượng 243,6 tỷ USD vào cuối năm 2019.
Tại Việt Nam, thanh toán điện tử đã có những “bước chân” thần tốc mà bình thường phải mất vài năm mới đạt được. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước công bố, 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam tăng hơn 80% về số lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản ngân hàng đạt gần 68%. Tính đến tháng 7/2022, tổng số lượng thẻ ngân hàng đang lưu hành trên thị trường là hơn 139 triệu thẻ, tăng 49% so với cuối năm 2018. Về doanh số sử dụng thẻ, năm 2021 tổng doanh số sử dụng thẻ toàn thị trường đạt 3.1 triệu tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, doanh số sử dụng thẻ đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng.
Các doanh nghiệp trong các lĩnh vực: Điện, nước sạch, truyền hình cáp, thuê bao điện thoại, dịch vụ internet, thu phí giao thông đường cao tốc, hàng không, du lịch, khách sạn, nhà hàng, siêu thị và trung tâm thương mại, thuế, hải quan, xử phạt vi phạm giao thông là những ngành nghề hưởng lợi kinh tế, tiết kiệm nhân lực và tài chính nhờ thanh toán điện tử dựa trên công nghệ số.
Không ai bị bỏ lại phía sau
Có thể nói, ở Việt Nam, kỷ nguyên thanh toán không dùng tiền mặt đã mở ra khi mà nhiều người dân đã ưa dùng phương thức thanh toán này. Người tiêu dùng thay đổi mạnh mẽ trong kỷ nguyên số, thanh toán số khi đây là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế và ưu tiên của người dùng.
Mục tiêu Chính phủ đề ra đến cuối năm 2025 giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP); thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng cơ sở chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm.
Chủ tịch Chi Hội thẻ Ngân hàng Nguyễn Thị Kim Oanh cho biết, toàn bộ hệ thống ngân hàng phải vừa tiết kiệm chi phí, vừa dành nguồn lực đầu tư phát triển, chuyển đổi thẻ chip nhằm tăng cường bảo mật trong sử dụng thẻ. Đồng thời, ngân hàng thực hiện miễn, giảm phí nhằm hỗ trợ, chia sẻ với khách hàng.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng, Chi Hội thẻ Ngân hàng cần thực hiện một số giải pháp như: Bảo đảm an toàn thông tin cá nhân của chủ thẻ; tăng cường phòng, chống tội phạm công nghệ cao nói chung và tội phạm gian lận thẻ nói riêng; đẩy mạnh công tác truyền thông, khuyến khích người dân sử dụng thẻ, ngân hàng điện tử trong các giao dịch thanh toán…để thanh toán điện tử ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu vừa được công bố bởi nền tảng nghiên cứu Merchant Machine của Anh, Việt Nam vẫn đứng thứ 8 trong top 20 quốc gia phụ thuộc nhiều vào tiền mặt nhất trên thế giới.
Để lập bảng xếp hạng này, Merchant Machine đã phân tích tỷ lệ người dùng Internet, tỷ lệ người có thẻ tín dụng, lượng ATM trên phạm vi 100 nghìn người, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt và tỷ lệ dân số không có tài khoản ngân hàng.
Tại đất nước hình chữ S, 28% khoản thanh toán dùng tiền mặt, 69% dân số chưa tiếp cận với ngân hàng đầy đủ trong khi hơn 70% người có khả năng tiếp cận với Internet. Điều này phản ánh đa phần người dân ở vùng nông thôn vẫn ưa thích hình thức mua sắm bằng tiền mặt.
Theo bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Quốc gia Visa Việt Nam - Lào, dù tăng trưởng chuyển đổi số vượt bậc nhưng phần đông người dân vùng nông thôn vẫn có những quan ngại khi sử dụng phương thức không dùng tiền mặt. Họ lo ngại vì tính an toàn, cách thức thực hiện còn phức tạp… Do vậy, cần giúp cho người tiêu dùng có nhận thức tốt hơn, có lòng tin, nhìn thấy giá trị lâu dài.
Đó là chưa kể, sự gia tăng số hóa nền kinh tế đang tạo ra sự chia rẽ giữa nhóm hiểu biết về công nghệ và nhóm không được tiếp cận, không theo kịp sự tiến bộ của thời đại. Điều này đòi hỏi phải có chính sách phù hợp của Chính phủ để mọi người đều có thể hưởng lợi từ những khả năng mới của thế giới kỹ thuật số.
Kỷ nguyên không dùng tiền mặt đòi hỏi một cuộc đại tu kinh tế hoàn toàn để đảm bảo mọi người không ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, tất cả người dân phải có sự thay đổi đáng kể trong nhận thức và thói quen tiêu dùng, ngay cả những người chỉ quen với các phương thức thanh toán truyền thống.
Hoài Thương
email: [email protected], hotline: 086 508 6899