Việt Nam trở thành điểm đến của ngành công nghiệp tỷ đô

09/02/2024, 16:26
báo nói -

TCDN - Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, song việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức và trở ngại.

8-2

Tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu tiếp theo

Ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã đạt giá trị 600 tỷ USD vào năm 2022 và được dự báo sẽ vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD vào năm 2030, với mức tăng trưởng hàng năm trung bình đạt 2 con số.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn để nâng cao khả năng tự chủ của nền công nghiệp quốc gia.

Trên thực tế, Việt Nam đang được nhiều “ông lớn” trong ngành chip bán dẫn để mắt tới. Nikkei Asia mới đây đưa tin, Apple đang hợp tác với nhà lắp ráp iPad BYD của Trung Quốc để chuyển Nguồn lực phát triển sản phẩm (NPI) sang Việt Nam. NPI đòi hỏi phải có các nguồn lực đáng kể từ cả Apple lẫn nhà cung cấp về kỹ sư, phòng thí nghiệm,… Hiện tại, hầu hết quy trình này đều đang được thực hiện tại Trung Quốc với sự hợp tác của các kỹ sư từ trụ sở chính của Apple.

Theo Nikkei Asia, động thái chuyển NPI sang Việt Nam đánh dấu bước tiến quan trọng trong sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của quốc gia Đông Nam Á này. Đồng thời, Việt Nam đang dần chuyển mình thành một trung tâm sản xuất thực sự của gã khổng lồ công nghệ này.

Ông Ivan Lam, nhà phân tích kỹ thuật của Counterpoint Research, cho rằng, bản đồ chuỗi cung ứng gần đây của Apple đã chứng minh khả năng của cơ sở tại Việt Nam trong việc sản xuất và mở rộng sản xuất iPad.

“Việt Nam luôn đóng vai trò quan trọng và chiến lược trong chuỗi sản xuất, có tiềm năng trở thành một trong những trung tâm sản xuất toàn cầu tiếp theo”, ông nhận định.

Không riêng Apple, nhiều “ông lớn” trong ngành công nghiệp bán dẫn cũng đã và đang “gõ cửa” Việt Nam với dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực chip bán dẫn tăng cao theo từng năm.

Tháng 10/2023, Tập đoàn Amkor đã khánh thành nhà máy Amkor Technology Việt Nam tại Bắc Ninh với tổng số vốn đầu tư lên tới 1,6 tỷ USD. Ðây là nhà máy bán dẫn tiên tiến nhất của Amkor trên toàn cầu và là nhà máy bán dẫn lớn nhất tại Việt Nam tới thời điểm này. Theo kế hoạch, nhà máy dự kiến sẽ sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn quy mô 1.200 triệu sản phẩm/năm.

Trước đó, trong đầu năm nay, LG Innotek cũng đã tăng vốn đầu tư thêm hơn 1 tỷ USD vào thị trường Việt. Năm ngoái, Samsung cũng đã đầu tư thêm hơn 2 tỷ USD vào các nhà máy ở Thái Nguyên và Tp. Hồ Chí Minh.

Mới đây, ông Jensen Huang, CEO của Nvidia - Tập đoàn sản xuất chip đắt giá nhất thế giới NVIDIA, đã có chuyến thăm đến Việt Nam với mục đích “thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và bàn về khả năng hợp tác của Nvidia với các doanh nghiệp lớn trong nước như FPT, VinGroup hay Viettel.

Chủ tịch NVIDIA Jensen Huang đánh giá cao tiềm năng lớn và cơ hội của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn và AI, đặc biệt là nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực này.

“AI là làn sóng mới đã xuất hiện và có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay. Hiện nay là cơ hội phi thường cho Việt Nam. Việt Nam đã chuẩn bị tốt và đây là thời cơ của các bạn. Thời điểm cực kỳ tuyệt vời cho hai bên thiết lập quan hệ chiến lược, AI và chip - cả hai ngành mang tính sống còn cho sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia. Việt Nam là đối tác của NVIDIA. Chúng tôi sẽ mở rộng hơn nữa mối quan hệ đối tác đã có sẵn với Việt Nam, đương nhiên sẽ đóng góp cho AI Việt Nam trong tương lai. Chúng tôi cam kết để biến Việt Nam thành quê hương thứ hai và thành lập pháp nhân tại Việt Nam”, ông Jensen Huang cho biết.

Cũng theo Chủ tịch NVIDIA, Việt Nam có nền giáo dục và hạ tầng tốt, chỉ cần khích lệ các thế hệ mới để bước vào thế giới AI, khích lệ các chuyên gia, kỹ sư Việt Nam ở nước ngoài về quê hương. “Vấn đề hiện giờ là cần năng cao kỹ năng và xây dựng 1 triệu chuyên gia AI. Đây sẽ là đội ngũ hùng hậu nhất trên thế giới. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để nâng cao kỹ năng và hạ tầng AI”, ông Jensen Huang nhấn mạnh.Ông Christopher J Marriott, Tổng giám đốc Savills Đông Nam Á, nhận định Việt Nam đang là một trong những điểm đến nổi bật của các tập đoàn công nghệ, chip bán dẫn hàng đầu thế giới nhờ năng lực sản xuất vượt kỳ vọng. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng Việt Nam cần phải đi một đoạn đường dài nữa để có được vị trí vững chắc trên bản đồ bán dẫn toàn cầu.

Bị hạn chế tiếp cận

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel Đào Xuân chỉ rõ, lợi thế của Việt Nam là có hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, lực lượng lao động trẻ tiềm năng với chi phí lao động hợp lý.

Ngoài ra, nước ta có nền tảng tốt trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn, có hệ sinh thái bán dẫn đang dần hình thành, và đặc biệt có trữ lượng đất hiếm đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Mặc dù vậy, theo đại diện Viettel, việc Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức và trở ngại, trong đó công nghệ bán dẫn là công nghiệp bị hạn chế tiếp cận, từ phần mềm hỗ trợ thiết kế cho đến máy móc, vật liệu cũng như quy trình sản xuất.

8-1

“Đây là ngành đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, rất đặc thù, nguồn vốn cho thiết kế và đầu tư, vận hành nhà máy sản xuất lớn, cần có hệ sinh thái đầy đủ, đồng bộ với nhà máy sản xuất, trong khi cơ sở hạ tầng cho nhà máy sản xuất chất bán dẫn của Việt Nam còn chưa bảo đảm, cần sử dụng nhiều điện và nước cho sản xuất chip bán dẫn”, Phó Tổng Giám đốc Viettel nêu rõ.

Bên cạnh yếu tố nhân lực, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam Lê Quang Đạm nhìn nhận, vấn đề bảo hộ trí tuệ sáng tạo là yếu tố “vô cùng quan trọng” để doanh nghiệp FDI yên tâm đầu tư tại Việt Nam. Do vậy, cần có hành lang pháp lý tốt hơn cho vấn đề này.

Còn theo đại diện Intel, Việt Nam cần có những chính sách mang tính khích lệ như chính sách về thuế - điều kiện quan trọng để nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc đầu tư dài hạn. Việt Nam có thể tham khảo cơ chế thuế của OECD để thiết kế chính sách cho phù hợp, khi đó sẽ khuyến khích được nghiên cứu và phát triển (R&D).

Chia sẻ với ý kiến trên, Chủ tịch SIA John Neuffer lưu ý, vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng rất lớn. “Ở Hoa Kỳ, chúng tôi có công ty lớn và nhỏ đều tham gia chuỗi cung ứng cho ngành bán dẫn và mong Việt Nam cũng như vậy”, ông nói và nêu hàm ý Việt Nam cần thiết kế chính sách để thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia, tạo chuỗi cung ứng toàn diện cho ngành công nghiệp này.

Quỳnh Nga

Tạp chí in số tháng 1+2/2024
Bạn đang đọc bài viết Việt Nam trở thành điểm đến của ngành công nghiệp tỷ đô tại chuyên mục Số đặc biệt Xuân Giáp Thìn 2024 của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899