Vinapaco: Chỉ tiêu tài chính không an toàn, đầu tư thua lỗ, có khả năng mất trắng vốn

31/03/2022, 15:03

TCDN - Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) đang đối diện với hàng loạt khó khăn khi hoạt động sản xuất chính thua lỗ, không hiệu quả; các khoản đầu tư tại các công ty con, công ty liên kết gặp rủi ro, khó thu hồi vốn.

Chỉ tiêu tài chính chưa an toàn

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu Vinapaco là 1.210 tỷ đồng, tăng 38,15% so với cùng kỳ, bằng 60,11% so với kế hoạch năm, trong đó doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ là 1.207 tỷ đồng, chiếm 99,8% so với tổng doanh thu. Doanh thu từ hoạt động tài chính là 503 tỷ đồng, chiếm 41,6% so với tổng doanh thu.

Các chỉ tiêu tài chính: tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu là 2,13%, thể hiện hiệu quả sử dụng vốn thấp. Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn là 1,05 lần, khả năng thanh toán nhanh 0,405 lần, chưa đảm bảo mức an toàn theo quy định. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 3,02 lần.

Bộ Tài chính đánh giá, về cơ bản, hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 của Vinapaco hiệu quả hơn so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên một số chỉ tiêu chưa đảm bảo mức an toàn theo quy định.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2021, kết quả sản xuất kinh doanh của 15 đơn vị thuộc khối lâm nghiệp, hạch toán phụ thuộc Vinapaco lỗ 10,1 tỷ đồng (trong đó 9/15 đơn vị có lợi nhuận trước thuế âm với tổng giá trị 11,4 tỷ đồng), tăng thêm 1,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020.

Hoạt động trồng rừng - một trong những hoạt động sản xuất chính của Vinapaco nhiều năm nay không hiệu quả, một số công ty lâm nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ liên tục, kết quả kinh doanh của công ty mẹ không cao dẫn đến nguồn vốn từ hoạt động sản xuất kinh doanh tự bổ sung hàng năm không đủ đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong khi việc vay vốn của các tổ chức tín dụng cũng rất khó khăn.

cong-ty-giay

Mất vốn đầu tư 

Vinapaco hiện đầu tư vào 1 công ty con, 7 công ty liên doanh, liên kết và đầu tư khác với giá trị các khoản đầu tư tài chính dài hạn là 314 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số cổ tức thu về là 0 đồng.

Tổng nợ phải thu của Vinapaco đến ngày 30/6/2021 là 577,7 tỷ đồng; giảm 53,4 tỷ đồng (tương đương 8,47%) so với thời điểm đầu năm. Tổng dư nợ xấu đến thời điểm 30/6/2021 là 62,1 tỷ đồng, giảm 1,2 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Tuy nhiên, vẫn có một số khoản phải thu có nguy cơ không thu hồi được: Thứ nhất, khoản phải thu công ty TNHH MTV Nguyên liệu giấy miền Nam đến ngày 30/6/2021 là 331,8 tỷ đồng. Công ty hoạt động kinh doanh không hiệu quả, không tạo ra đủ nguồn để trả nợ đến hạn.

Khoản phải thu Công ty CP Giấy BBP số tiền 37,6 tỷ đồng. Công ty CP Giấy BBP đã dừng hoạt động từ năm 2015, kinh doanh thua lỗ, Vinapaco khó có khả năng thu nợ và đã trích lập dự phòng (52 tỷ đồng) nợ phải thu khó đòi với tỷ lệ 100% giá trị vốn góp.

Hiện nay việc khôi phục hoạt động sản xuất của Công ty CP Giấy BBP gặp nhiều khó khăn do Agribank - Chi nhánh Hà Nội chưa chấp thuận phương án đã được Vinapaco và các cổ đông xây dựng. Theo báo cáo giám sát tài chính của Bộ Công Thương, việc góp vốn của Vinapaco vào Công ty CP Giấy BBP không tuân thủ quy định tại Điều lệ, Quy chế quản lý tài chính. Với tình hình tài chính hiện nay, Vinapaco có nguy cơ mất vốn đầu tư tại Công ty CP Giấy BBP.

Ngoài ra, Vinapaco ký phát hành Giấy bảo lãnh trị giá 15 triệu USD cho Công ty CP Giấy BBP vay vốn để thực hiện Dự án đầu tư dây chuyền sản xuất giấy in viết 50.000 tấn/năm mà không chỉ đạo Vinapaco tổ chức thẩm định để đánh giá tính khả thi, hiệu quả kinh tế và khả năng trả nợ của dự án làm căn cứ xem xét việc bảo lãnh theo chỉ đạo của Bộ Công Thương dẫn đến việc thất thoát vốn nhà nước tại Công ty, đến nay là 89,6 tỷ đồng. Vinapaco đứng trước nguy cơ phải trả nợ thay cho Công ty CP Giấy BBP tương ứng số tiền đã bảo lãnh vay tín dụng, tương đương 345 tỷ đồng.

Đối với khoản đầu tư tại Công ty CP Tập đoàn Tân Mai: Tập đoàn này có kết quả kinh doanh thu lỗ liên tiếp trong năm 2018, 2019, 2020. Năm 2020 lợi nhuận kế toán trước thuế là -52,2 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận kế toán trước thuế là 25 tỷ đồng. Vinapaco đã trích lập dự phòng 73,2 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 36,21% giá trị vốn góp. Tình hình tài chính của Công ty tiếp tục ở tình trạng mất cân đối.

Một số khoản đầu tư tại doanh nghiệp khác, theo đánh giá của Bộ Tài chính, những dự án đều đã dừng thực hiện, do đó Tổng Công ty có rủi ro không thể thu hồi được vốn đầu tư.

Bộ Tài chính đề nghị Vinapaco khẩn trương xử lý theo quy định của pháp luật những tồn tại về tài chính, báo cáo cấp có thẩm quyền đối với khó khăn, vướng mắc phát sinh để kịp thời có giải pháp tháo gỡ. Có biện pháp kiểm soát, thu hồi các khoản nợ để không làm thất thoát, bị chiếm dụng vốn, tiền, tài sản nhà nước tại Vinapaco.

Thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, thiết kế sản phẩm mới phù hợp với thị trường; đồng thời tiết giảm chi phí quản lý, giảm giá thành sản phẩm để tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Đối với các đơn vị hạch toán phụ thuộc hoạt động chưa hiệu quả cần tăng cường quản trị, tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất, tăng năng suất lao động.

Tiếp tục nghiên cứu phương án thoái vốn tại các đơn vị có vốn góp nhằm bảo toàn vốn, mang lại lợi ích cao nhất.

Vũ Tuấn
Bạn đang đọc bài viết Vinapaco: Chỉ tiêu tài chính không an toàn, đầu tư thua lỗ, có khả năng mất trắng vốn tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

'Nút thắt' ở Vinapaco
Nhiều dự án của Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) hoạt động không có hiệu quả, rao bán không có nhà đầu tư nào mua, đã và đang làm nghẽn tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp này.
Doanh nghiệp nhà nước muốn vận hành như doanh nghiệp tư nhân
Đây là một trong những đề xuất nhằm sắp xếp, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và huy động tối đa nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế xã hội được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước ngày 24/3.