Doanh nghiệp nhà nước kiến nghị tháo "nút thắt" thoái vốn

25/03/2022, 06:30
báo nói -

TCDN - Sửa đổi cơ chế để doanh nghiệp nhà nước (DNNN) dễ dàng thoái vốn nhất là vốn tại doanh nghiệp thua lỗ... là một điểm nhấn nhiều doanh nghiệp đề xuất tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với DNNN do Thủ tướng Chủ trì.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội" sáng 24/3 do Thủ tướng chủ trì, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) đã có tham luận nêu 9 giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động từ góc độ của VICEM. 

Về thoái vốn, theo VICEM, để tái cấu trúc các DNNN hiện nay, cần đẩy nhanh việc thoái vốn, đầu tư ra ngoài ngành để các doanh nghiệp, Tập đoàn kinh tế tập trung vào lĩnh vực cốt lõi của mình nhằm nâng cao tính cạnh tranh, tạo thương hiệu, dẫn dắt, lan tỏa cho nền kinh tế. 

Tuy nhiên, hiện nay các DNNN thực hiện thoái vốn còn gặp khó khăn khi thoái các khoản đầu tư tại các đơn vị đang hoạt động kém hiệu quả; dẫn đến thoái vốn nhiều lần nhưng không thành công. Vì vậy, theo VICEM đề nghị Chính phủ có cơ chế, hướng xử lý để chuyển các đơn vị này cho SCIC tiếp nhận để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. 

VICEM nhấn mạnh: "Cần giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thông qua việc thoái vốn, bảo đảm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính".

Tại thời điểm 31/12/2020, vốn góp chủ sở hữu của VICEM lên tới 15.318 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời điểm cuối quý II/2020, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty mẹ VICEM là âm 109 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số âm 64 tỷ đồng cùng kỳ năm 2019. Do một số công ty con có tình hình tài chính chưa tốt nên hiện thoái vốn rất khó khăn như Công ty TNHH MTV Xi măng VICEM Hải Phòng còn phải trả VICEM 120 tỷ đồng; hay tại VICEM Tam Điệp, Xi măng Hạ Long cũng tương tự...

Tại Báo cáo giám sát Tài chính của Bộ Tài chính trước đó, Bộ đề nghị VICEM có biện pháp kiểm soát, thu hồi các khoản nợ cho các công ty con vay; đồng thời, đánh giá các khoản đầu tư để đảm bảo hiệu quả đầu tư và có phương án xử lý đối với các khoản đầu tư không mang lại hiệu quả; thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định. 

Lô đất vàng của Vicem tại Khu đô thị Cầu Giấy xây dở dang nhiều năm đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Lô đất vàng của Vicem tại Khu đô thị Cầu Giấy xây dở dang nhiều năm đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Cũng liên quan đến công tác thoái vốn, đại diện LILAMA thừa nhận, doanh nghiệp này vẫn chưa thực hiện được triệt để. Nguyên nhân là do LILAMA đang gặp các vướng mắc trong việc thực hiện thoái vốn theo các quy định hiện hành. Cụ thể, theo quy định tại điểm 2 Khoản 13, Điều 1 Nghị định 32/2018/NĐ-CP: “Việc chuyển nhượng vốn tại Công ty cổ phần chưa niêm yết (hoặc đã niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán nhưng không thực hiện giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán) theo phương thức đấu giá công khai, trường hợp đấu giá công khai không thành công thì thực hiện chào bán cạnh tranh; trường hợp chào bán cạnh tranh không thành công thì thực hiện theo phương thức thỏa thuận.”

Tuy nhiên, theo khoản 19 điều 4 Luật chứng khoán 54/2019/QH14 và khoản 1 điều 13 của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định điều kiện để chào bán công khai là: “b) Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán".

Do thời gian qua thị trường công việc đối với ngành nghề xây lắp rất hạn chế... vốn mỏng, nên các Công ty phải chịu nhiều áp lực về chi phí vay, chi phí thuế dẫn đến tình hình tài chính của Các Công ty gặp nhiều khó khăn có phát sinh lỗ, không đạt đủ điều kiện để thoái vốn bằng đấu giá công khai theo quy định.

Mặt khác, LILAMA cũng nêu thêm khó khăn là có một số công ty chưa phải là công ty đại chúng, khi chào bán đấu giá công khai có thể khiến công ty trở thành công ty đại chúng. Trong khi đó, hiện nay, các văn bản quy định pháp luật chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp chào bán cổ phiếu của cổ đông lớn tại các công ty cổ phần chưa đại chúng ra công chúng. Vì vậy, việc chào bán đấu giá công khai đối với các công ty chưa đại chúng hiện nay vẫn chưa thể thực hiện.

Trương Minh Tình
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp nhà nước kiến nghị tháo "nút thắt" thoái vốn tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Thủ tướng: Tại sao cổ phần hóa, thoái vốn lại không đạt kế hoạch?
Thủ tướng đặt câu hỏi: Tại sao công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước lại không đạt kế hoạch, vướng mắc vấn đề gì, nên thoái vốn ở những loại hình doanh nghiệp nào? Xác định giá trị quyền sử dụng đất, lợi thế quyền thuê đất, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp… đã đầy đủ chưa, chặt chẽ chưa?