LILAMA đề xuất sửa quy định về giới hạn chi phí lãi vay được trừ

24/03/2022, 10:58

TCDN - Nghị định 132/2020/NĐ-CP vẫn chưa giải quyết được triệt để các vướng mắc đối với các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), việc giới hạn chi phí lãi vay được trừ này tác động tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh của các công ty thuộc LILAMA.

lilama5

Phản ánh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước, LILAMA nêu, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định một trong số các điều kiện để các bên được gọi là có quan hệ liên kết khi một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia. Như vậy, LILAMA và các công ty con, công ty liên kết thuộcđối tượng áp dụng của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP và phải chịu áp dụng giới hạn chi phí lãi vay được trừ đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 132/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 20/2017/NĐ-CP nhằm giảm bớt áp lực tài chính cho các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Tuy nhiên, các sửa đổi của Nghị định 132/2020/NĐ-CP vẫn chưa giải quyết được triệt để các vướng mắc đối với các doanh nghiệp thuộc LILAMA, việc giới hạn chi phí lãi vay được trừ này vẫn tác động lớn, tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh của các công ty thuộc LILAMA. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn vốn sản xuất kinh doanh của Tổng công ty và các đơn vị thành viên đều thấp, không tương xứng với quy mô hoạt động của lĩnh vực xây lắp và phụ thuộc phần lớn vào vốn vay ngân hàng, dẫn tới chi phí tài chính cao.

Trong khi đó, những năm gần đây, thị trường việc làm đối với lĩnh vực chế tạo cơ khí, xây lắp vô cùng khó khăn do thắt chặt đầu tư công, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cho lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng không cao. Các doanh nghiệp cùng ngành cạnh tranh gay gắt, nhiều doanh nghiệp hạ giá để nhận thầu có việc làm, điều này càng khiến cho các đơn vị thuộc LILAMA gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh (doanh thu và lợi nhuận liên tục sụt giảm trong các năm gần đây), vốn ngày càng mỏng, dư nợ vay ngày càng cao.

Với đặc thù của ngành xây lắp nói chung (yêu cầu về vốn lớn, chủ yếu dựa vào vốn vay) và đặc thù của LILAMA nói riêng (vốn mỏng, không có động cơ chuyển giá), việc giới hạn chi phí lãi vay được trừ sẽ khiến các doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các đơn vị thuộc LILAMA phải chịu nhiều tác động từ chính sách thuế (chi phí lãi vay không được trừ tăng dần qua các năm). Lợi nhuận của các đơn vị thuộc LILAMA những năm qua rất thấp, nên một số công ty thành viên của LILAMA có lợi nhuận trước thuế sau khi loại trừ chi phí lãi vay theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP để tính thuế thì lỗ lợi nhuận sau thuế.

Đặc biệt, có một số doanh nghiệp lỗ về mặt kế toán, tuy nhiên, sau khi áp dụng Nghị định 132/2020/NĐ-CP công ty phải loại một phần chi phí lãi vay không được trừ dẫn đến thu nhập chịu thuế có lãi và vẫn phải nộp thuế TNDN cho phần thu nhập chịu thuế này.

Vì vậy, LILAMA đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi chính sách phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực kinh doanh đặc biệt là lĩnh vực xây lắp, chế tạo cơ khí, đồng thời có những cơ chế để hỗ trợ các doanh nghiệp xây lắp nói chung và LILAMA nói riêng trong bối cảnh bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 hiện nay.

Thu Hà
Bạn đang đọc bài viết LILAMA đề xuất sửa quy định về giới hạn chi phí lãi vay được trừ tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan