WB dự báo GDP của Việt Nam năm 2022 đạt 5,5%

13/01/2022, 15:50

TCDN - Theo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), GDP của Việt Nam dự kiến tăng bật lại mức tăng trưởng 5,5% trong năm 2022 theo kịch bản với giả định đại dịch được kiểm soát tương đối tốt cả trong nước và trên quốc tế.

Chiều nay (13/1), WB công bố báo cáo “Điểm lại: Cập nhật Tình hình Kinh tế Việt Nam, Tháng 1/2022” với chủ đề Không còn thời gian để lãng phí, những thách thức và cơ hội đối với phát triển thương mại xanh tại Việt Nam.

Theo bà Dorsatin Madani, Chuyên gia Kinh tế cao cấp, WB, viễn cảnh tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn là tích cực, với điều kiện tiếp tục triển khai vaccine trên toàn quốc, các hoạt động kinh tế trong nước được phục hồi, cùng với diễn biến phục hồi kinh tế trên toàn cầu.

Cụ thể, WB dự báo, GDP của Việt Nam dự kiến tăng bật lại mức tăng trưởng 5,5% trong năm 2022 theo kịch bản với giả định đại dịch được kiểm soát tương đối tốt cả trong nước và trên quốc tế. Khi các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng, các ngành dịch vụ dự kiến sẽ phục hồi phần nào khi lòng tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng được khôi phục. Khách du lịch nước ngoài dự kiến sẽ dần quay lại từ giữa năm 2022 trở đi, qua đó giúp phục hồi ngành du lịch.

Các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu sẽ đáp ứng nhu cầu hàng xuất khẩu của Việt Nam tại Mỹ, EU và Trung Quốc. Mỹ, EU và Trung Quốc dự kiến tăng trưởng lần lượt ở mức 3,8%, 4,4% và 5,1% trong năm 2022. ngành nông nghiệp dự kiến tiếp tục tăng trưởng bằng mức giai đoạn 2020-2021, đem lại đóng góp nhỏ nhưng ổn định cho tăng trưởng.

wb1

Theo bà Dorsatin Madani, chính sách tài khóa mở rộng có thể được triển khai mà không gây tác động lớn đến cân đối tài khóa và nợ vẫn được duy trì bền vững trong ngắn hạn và trung hạn. Một phần của chi tiêu công tăng lên theo khuyến nghị có thể được đảm bảo bằng nguồn ngân quỹ được tích lũy của Chính phủ, mà không cần vay nợ thêm. Vì lý do đó, bội chi ngân sách dự báo sẽ ở mức khoảng 4,4% trong năm 2022. Nợ dự kiến không tăng nhiều theo giá so sánh vì Chính phủ vẫn còn nguồn ngân quỹ, nguồn kết chuyển từ năm trước, vì vậy nhu cầu huy động vốn bổ sung chỉ ở mức tương đối thấp. Tương tự những năm gần đây, hầu hết những nhu cầu đó có thể được đáp ứng qua vay nợ trên thị trường trong nước.

Lạm phát dự kiến vẫn được duy trì dưới chỉ tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước. Theo đánh giá của WB, giá cả toàn cầu gia tăng trong thời gian qua cho thấy có sự bất cân đối cung-cầu liên quan đến đại dịch và giá cả thương phẩm tăng cao hơn so với mức thấp cách đây một năm. Những áp lực giá nêu trên dự kiến sẽ dịu đi trong năm 2022.

WB khuyến cáo, các cấp có thẩm quyền cần theo dõi tỷ lệ tăng nợ xấu và chất lượng tài sản của ngân hàng để đảm bảo sức khỏe của khu vực ngân hàng đồng thời thúc đẩy áp dụng các quy định về an toàn vốn theo chuẩn Basel II tại toàn bộ các ngân hàng đang hoạt động.

Trong trung hạn, báo cáo của WB cho rằng, nền kinh tế chỉ dự kiến chỉ quay về lộ trình tăng trưởng trước Covid-19 vào năm 2023, khi các ngành dịch vụ đã phục hồi đầy đủ và không có các cú sốc mới.

Sau khi tăng trưởng đã vững bước, các chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ quay lại với các mục tiêu trung hạn. Cơ quan quản lý tài khóa sẽ tiếp tục các nỗ lực củng cố tình hình tài khóa trung hạn từ năm 2023 trở đi. Cơ quan tiền tệ sẽ rút dần chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong khủng hoảng.

Cơ quan tiền tệ cần đảm bảo cơ chế giải quyết nợ xấu phù hợp được vận hành, tiếp tục theo dõi thận trọng nợ xấu gia tăng và chất lượng tài sản của ngân hàng để đảm bảo sức khỏe cho khu vực gân hàng và thúc đẩy áp dụng các quy định an toàn vốn theo chuẩn Basel II tại tất cả các ngân hàng đang hoạt động. Sự phát triển của ngân hàng số và hệ thống thanh toán điện tử quốc gia sẽ đẩy mạnh các dịch vụ tài chính toàn diện, đem lại tác động tích cực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu vực phi chính thức.

Tài khoản vãng lai dự kiến sẽ đạt thặng dư ở mức nhỏ trong trung hạn nhờ xuất khẩu đạt kết quả tốt và nguồn kiều hối ổn định. Do xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu, thặng dư tài khoản vãng lai sẽ chỉ ở mức khiêm tốn, khoảng 1.5-2% GDP trong trung hạn. Nguồn kiều hối dự kiến đóng góp ổn định từ 18 tỷ USD đến 20 tỷ USD cho tài khoản vãng lai.

Cán cân tài chính dự kiến sẽ được hưởng lợi với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định, đến nay vẫn đứng vững trong giai đoạn đại dịch và dự kiến sẽ phục hồi về các mức trước Covid-19. Sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư càng trở nên thu hút hơn với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do và những thay đổi trong chuỗi giá trị toàn cầu và nhu cầu đa dạng hóa nguồn sản xuất của nhiều chính phủ và tập đoàn đa quốc gia hậu Covid-19.

Mặc dù vậy, theo bà Dorsatin Madani những viễn cảnh kinh tế nêu trên vẫn hàm chứa một số rủi ro theo hướng suy giảm.

Đó là yếu tố bất định chủ yếu là hướng đi của đại dịch, trong đó các biến chủng vi-rút SARS-COV-2 nguy hiểm hơn có thể xuất hiện trước khi vaccine được bao phủ diện rộng, buộc phải áp dụng lại các biện pháp giãn cách xã hội, làm chậm lại quá trình phục hồi kinh tế ở Việt Nam và ở những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Khôi phục các hoạt động kinh tế còn gặp phức tạp do sự gián đoạn của các chuỗi giá trị và thiếu hụt lao động (cú sốc cung) cũng như sự bất định về hướng đi của đại dịch, bao gồm biến thể Omicron mới, khiến cho người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn khi mua hàng (cú sốc cầu).

Ngoài ra còn có các rủi ro tài khóa, xã hội và khu vực tài chính.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết WB dự báo GDP của Việt Nam năm 2022 đạt 5,5% tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

WB: Việt Nam cần cải cách đột phá về chính sách thuế
Việt Nam cần thay đổi các chính sách thuế như thay thế các ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận đã lỗi thời bằng các ưu đãi thuế dựa trên chi phí cho phép các doanh nghiệp mục tiêu được khấu trừ bổ sung, tăng cường đánh thuế nền kinh tế kỹ thuật số; tăng thuế tiêu thụ đặc biệt; ban hành thuế tài sản…