WB: Việt Nam cần cải cách đột phá về chính sách thuế
TCDN - Việt Nam cần thay đổi các chính sách thuế như thay thế các ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận đã lỗi thời bằng các ưu đãi thuế dựa trên chi phí cho phép các doanh nghiệp mục tiêu được khấu trừ bổ sung, tăng cường đánh thuế nền kinh tế kỹ thuật số; tăng thuế tiêu thụ đặc biệt; ban hành thuế tài sản…
Chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2021, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) Jacques Morisset nhận định, 2021 là năm rất khó khăn với Việt Nam. Trong khi kinh tế thế giới tăng trưởng khoảng 5 - 5,5%, Việt Nam chỉ tăng trưởng khoảng 2 - 2,5%.
Theo ông Jacques Morisset, chính sách thuế có thể bảo vệ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng và các hoạt động sản xuất, đồng thời tái cân bằng sự bất bình đẳng. “Bây giờ là thời điểm tốt để xem xét cải cách thuế vì chính phủ có không gian tài chính, trong khi một hệ thống thuế hiệu quả hơn sẽ hỗ trợ tham vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao của đất nước trong 25 năm tới”, ông Jacques Morisset nhấn mạnh.
Chia sẻ về chính sách thuế trong và sau đại dịch Covid-19 của một số quốc gia trên thế giới, Kinh tế trưởng WB cho hay, nhiều nước đã áp dụng chính sách thuế để tăng thu ngân sách nhà nước, tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong khủng hoảng, cải thiện công bằng xã hội, đầu tư cho y tế, bảo vệ sức khoẻ của người dân và phát triển xanh.
Các nước hiện đang áp dụng nhiều công cụ khác nhau trong chính sách thuế. Đơn cử, Argentina, Tây Ban Nha, Bỉ đã áp dụng biện pháp tăng thuế đánh vào người giàu. Ireland, Latvia, Netherland, Nam Phi, Thụy Điển… tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và áp thuế carbon. Hàn Quốc, Anh áp thuế hoặc tăng thuế bất động sản. Trung Quốc, Indonesia, Pháp, Mexico, New Zealand, Nga, Tây Ban Nha, Thái Lan… đánh thuế đối với nền kinh tế số.
Ông Jacques Morisset cho rằng, thời gian qua, Việt Nam mới chủ yếu sử dụng chính sách tiền tệ và còn nhiều dư địa để sử dụng chính sách tài khóa cho phục hồi kinh tế.
Đồng thời ông nhấn mạnh, bối cảnh mới đòi hỏi cần có giải pháp mới. Phục hồi sau khủng hoảng là ưu tiên hàng đầu hiện nay, vì vậy, cần hành động nhanh để kích thích tiêu dùng và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Kinh tế trưởng WB cũng lưu ý, không được bỏ quên mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam. Trong đó, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhấn mạnh các ngành có giá trị gia tăng cao, phát triển bình đẳng, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Theo dự báo của Kinh tế trưởng WB, thì "một thỏa thuận thuế toàn cầu là không xa trong tương lai". Các ưu đãi thuế như miễn giảm thuế không còn hiệu quả vì tất cả các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải trả mức thuế tối thiểu là 15% tại quốc gia cư trú.
Đại diện WB đưa ra cách tiếp cận toàn diện và chặt chẽ trong việc cải cách thuế như xem xét cân đối nhu cầu chi; tránh chọn lựa những cải cách đơn lẻ - Những cải cách đơn lẻ cần phù hợp với toàn bộ hệ thống thuế. Phù hợp với các thông lệ quốc tế tốt về hệ thống thuế: hiệu quả cao và thân thiện với tăng trưởng; bình đẳng và công bằng; chi phí tuân thủ và chi phí quản lý thấp…
Khuyến nghị chính sách cho Việt Nam, Kinh tế trưởng WB cho rằng, cần thay thế các ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận (miễn, giảm thuế suất) đã lỗi thời bằng các ưu đãi thuế dựa trên chi phí cho phép các doanh nghiệp mục tiêu được khấu trừ bổ sung, như chi phí vốn, chi phí lao động, chi phí lãi. Tạm thời giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa và dịch vụ; tăng cường các quy định chống chuyển dịch lợi nhuận; áp dụng hoặc tăng cường đánh thuế đối với nền kinh tế kỹ thuật số; giảm danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện miễn thuế giá trị gia tăng hoặc hưởng thuế suất 5%; tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và áp thuế carbon; ban hành thuế tài sản…
email: [email protected], hotline: 086 508 6899