Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số
TCDN - Chuyển đổi số mang lại cơ hội mới thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển vượt bậc. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã nhận thấy tác động tích cực từ chuyển đổi số, đặc biệt là nguồn nhân lực số.
TÓM TẮT:
Chuyển đổi số mang lại cơ hội mới thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển vượt bậc. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã nhận thấy tác động tích cực từ chuyển đổi số, đặc biệt là nguồn nhân lực số. Nhiều công việc sẽ được tự động hóa với các robot tiên tiến và trí tuệ nhân tạo sẽ thúc đẩy những thay đổi lớn nhằm nâng cao năng suất của nhân viên và hiệu quả kinh doanh. Công việc và quy trình làm việc sẽ được thiết lập lại, nhân viên sẽ được giải phóng để tập trung vào các nhiệm vụ mang lại giá trị lớn hơn cho doanh nghiệp. Vì vậy cần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với tốc độ chuyển đổi số và phù hợp với yêu cầu của tương lai là điều tất yếu.
1. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực với kỹ năng số (nguồn lực số)
1.1. Tính tất yếu của việc xây dựng đội ngũ nhân lực số
Từ sau đại dịch Covid-19 đã có một sự thay đổi căn bản về môi trường làm việc, thúc đẩy nhu cầu về lực lượng lao động có khả năng thích ứng và độ linh hoạt cao giúp doanh nghiệp vẫn giữ vững và phát triển bất kể có biến động lớn ra sao. Rất nhiều công việc đã chuyển từ làm việc tại văn phòng sang làm việc trực tuyến tại nhà hoặc kết hợp cả hai. Bên cạnh đó, cùng với quá trình chuyển đổi số trong toàn bộ đời sống xã hội, các kỹ năng làm việc truyền thống của nguồn nhân lực được thay thế bằng kỹ năng số.
(Nguồn Bain research, World Economic Forum report)
Trước những bất ổn từ thị trường, để ứng phó, phục hồi và bứt phá trở lại, việc đầu tư vào tự động hóa trong tất cả các ngành đang tăng mạnh, kể cả ngành truyền thống như nông nghiệp. Dưới tác động của chuyển đổi số, các công ty sản xuất không chỉ tái cấu trúc tổ chức mà còn chuyển đổi việc làm cho lực lượng lao động, đầu tư vào việc thu hút lao động am hiểu công nghệ và nâng cao kỹ năng cho đội ngũ lao động hiện nhằm thích ứng và ứng dụng công nghệ hiệu quả. Có đến 80% các ngành nghề hiện đã tuyển dụng nhân sự với các kỹ năng số nhiều hơn, trong đó ngành truyền thống ghi nhận con số lên gấp 5 lần so với các ngành khác.
Nhìn nhận về việc ứng dụng công nghệ tự động hóa, những khảo sát gần đây cho thấy, chỉ trong 3-4 năm tới, tỉ lệ tự động hóa các quy trình công việc nhờ vào các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tăng mạnh, chẳng hạn như trong sản xuất, máy móc sẽ dần thay thế con người trong việc thực thi các công việc liên quan đến lao động chân tay một cách hiệu quả hơn. Điều đó dẫn đến số giờ lao động của con người dành cho các công việc này ngày càng giảm đi để dành thời gian cho các công việc tạo ra giá trị cao hơn, và thời gian làm việc của máy móc sẽ tăng lên theo thời gian.
Đồng thời, các công việc mới được tạo ra sẽ cần người lao động nắm các kỹ năng mới liên quan đến làm việc chung với công nghệ, tư duy nâng cao và trí tuệ cảm xúc. Dự kiến sẽ có gần 50% tổng số nhân viên cần đào tạo thêm vào năm 2025. Do đó, để bắt kịp xu hướng chuyển đổi số trên thế giới, các doanh nghiệp cần xây dựng đội ngũ có năng lực chuyên môn cao với những kỹ năng mới.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong thị trường lao động, nguồn nhân lực với các kỹ năng số còn khá hạn chế và khó tìm để tuyển dụng. Đồng thời, các công ty cũng gặp khó khăn trong việc xác định rõ những năng lực họ thực sự cần để định hướng những yêu cầu về tuyển dụng kỹ năng nguồn nhân lực số được chính xác.
Theo nghiên cứu về “Xu hướng Nhân tài Toàn cầu năm 2021” của Mercer, tác động tài chính và gián đoạn cuộc sống công việc do đại dịch gây ra đã thúc đẩy các nhà tuyển dụng ở Đông Nam Á (Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines) tập trung vào việc xác định nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai bằng nhiều cách đồng thời như tái cơ cấu (48%) và tích cực đào tạo lại nhân lực vào năm 2021 (39%) để sẵn sàng cho việc kinh doanh. 32% doanh nghiệp ưu tiên tái tạo lại hoạt động kinh doanh bền vững, tức là trách nhiệm của tổ chức đối với cộng đồng, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, nhân viên và môi trường cũng được tối đa hóa.
Tại Việt Nam, chính phủ đã đưa ra các nghị định và chủ trương về Chuyển đổi số của Việt Nam với mục tiêu kinh tế số có thể chiếm 20% tỉ trọng GDP quốc gia vào năm 2025, phấn đấu 30% vào năm 2030. Một trong các mục tiêu lớn đến năm 2025 là 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Có thể nói, đây là giai đoạn khẩn trương để đào tạo và phát triển nguồn lực số liên tục đáp ứng cho toàn bộ các doanh nghiệp và các cơ quan bộ ban ngành, giúp chuẩn bị cho sự phát triển vượt bậc trong tương lai của Việt Nam.
1.2 Kỹ năng số của nguồn nhân lực tương lai
Để chuẩn bị cho tương lai, sẽ là cần thiết để doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo hay người lao động nhìn nhận và xác định những năng lực và kỹ năng để học tập, trau dồi và nâng cao. Trước đây, kỹ năng số được hiểu là kiến thức và cách sử dụng công nghệ để hỗ trợ trong công việc và đời sống. Tuy nhiên, với xu hướng phát triển của nền kinh tế số và môi trường làm việc số hiện nay, khái niệm kỹ năng số không chỉ còn giới hạn ở kỹ năng công nghệ mà được mở rộng ra với năm yếu tố sau:
Các kỹ năng và kiến thức số trên phải được phát triển đồng đều, hướng đến hình thành một nền văn hóa số trong tổ chức, nơi mà hầu hết nhân viên đều có kiến thức, năng lực để tự tin làm việc trong môi trường số với cách thức tư duy số, cách thức làm việc số và các công cụ số. Đặt trong bối cảnh nhu cầu làm việc với robot và máy móc tự động hóa ngày càng cao, các kĩ năng số của đội ngũ nhân lực là những kỹ năng “con người” mà máy móc công nghệ không thể thay thế như giao tiếp, giải quyết vấn đề, sáng tạo, cộng tác và tư duy phản biện sẽ là những kĩ năng mà các doanh nghiệp cần và tìm kiếm trong những năm tới.
Khi so sánh với các quốc gia trong khu vực, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức tương đối thấp và chưa cạnh tranh được các nước phát triển trong khu vực Châu Á như Malaysia và Singapore. Điều này cho thấy tính thiết thực của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, qua đó cải thiện năng suất để các doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn của các thị trường trong khu vực. Đối với doanh nghiệp, để lên kế hoạch xây dựng đội ngũ nhân lực số, việc đầu tiên cần thực hiện là xác định các kỹ năng nào cần để hỗ trợ đạt được các mục tiêu, chiến lược kinh doanh của của mình. Từ đó, đưa ra các phương án đào tạo và tuyển dụng nhân tài với các kỹ năng chuyên môn phù hợp.
Thông thường, các kỹ năng số gồm có ba loại:
- Loại 1: Trình độ tin học cơ bản cho cuộc sống công việc hàng ngày
- Loại 2: Kỹ năng số cho lực lượng lao động nói chung, cho phép sử dụng hiệu quả các hệ thống CNTT và quy trình công nghệ chung trong các lĩnh vực, ngành nghề
- Loại 3: Kỹ năng số trong lĩnh vực CNTT-TT
Phần lớn các công ty thường tập trung vào loại 1 và loại 3 để xây dựng kỹ năng đội ngũ với hai hình thức đào tạo và tuyển dụng, mà chưa tập trung nhiều đến loại 2 là những kỹ năng số cho lực lượng lao động sử dụng hiệu quả các hệ thống CNTT và quy trình công nghệ trong lĩnh vực, ngành nghề. Do đó, khi công nghệ ứng dụng ngày càng tăng, việc tập trung đào tạo các kỹ năng số không những cần thiết đối với nhân viên mới mà còn cho nhân viên hiện tại. Bên cạnh đó, chiến lược nâng cao trình độ nhân lực cũng cần nhấn mạnh vai trò của văn hóa số và kỹ năng mềm cần có thông qua các chương trình đào tạo, truyền thông nội bộ và kiểm tra đánh giá. Để hình thành văn hóa số trong doanh nghiệp, vai trò của các nhà lãnh đạo rất quan trọng nhằm tạo ra môi trường khuyến khích nhân viên với tinh thần học hỏi, đổi mới, tìm cách nâng cao năng lực cho nghiệp vụ của mình. Các nhà lãnh đạo số (Digital leaders) cũng chính là những người đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, từ việc định hướng chiến lược chuyển đổi số tới việc phát triển các chương trình xây dựng đội ngũ nhân lực số trong tổ chức.
2. Giải pháp chuyển đổi số trong quản lý nguồn nhân lực trong doanh nghiệp
Chuyển đổi số trong quản lý nhân sự thực chất là quá trình số hóa và ứng dụng công nghệ để quản trị nguồn nhân lực. Giải pháp số được ưu tiên sử dụng là phần mềm quản lý nhân sự trên nền tảng điện toán đám mây (Cloud). Trong số các công việc bộ phận nhân sự cần thực hiện, toàn bộ trong số đó đều cần được quản lý trên nền tảng số và cần được liên kết dữ liệu, tự động hóa các quy trình quản lý liên quan. Phần mềm quản lý nhân sự đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp, liên kết trực tiếp với các phân hệ quản trị doanh nghiệp khác như CRM, Kế toán, Tuyển dụng…
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện. Chính vì thế, để chuyển đổi số thành công thì mọi thành viên trong tổ chức cần phối hợp để thay đổi toàn diện, từ ban lãnh đạo đến các cấp quản lý, nhân viên và chuyên gia chuyển đổi số:
Chuyên gia công nghệ số: Là người bên trong hoặc bên ngoài doanh nghiệp. Chuyên gia bên trong tổ chức là người nhận bài toán chuyển đổi số từ lãnh đạo rồi chuyển hóa thành yêu cầu. Chuyên gia bên ngoài tổ chức là người nhận bài toán từ doanh nghiệp, thuộc các doanh nghiệp công nghệ số, dùng các công nghệ số để giải quyết bài toán đặt ra.
Nhà lãnh đạo chuyển đổi số: là người đứng đầu tổ chức, có tầm nhìn và nhận định được chuyển đổi số là bước đi chiến lược của doanh nghiệp. Không phải nhà lãnh đạo nào cũng am hiểu về chuyển đổi số, điều quan trọng nhất mà nhà lãnh đạo cần có được đó là biết đặt ra bài toán và kiên định với mục tiêu đặt ra.
Người tham gia chuyển đổi số: là toàn bộ cán bộ nhân viên thuộc tổ chức/doanh nghiệp. Có nhiệm vụ tuân thủ và thực thi các giai đoạn chuyển đổi số, phối hợp cùng chuyên gia để hiện thực hóa việc giải quyết các vấn đề tại doanh nghiệp.
Người làm công tác Nhân sự: Mọi thành viên trong doanh nghiệp đều tham gia vào công tác chuyển đổi số. Tuy nhiên, vai trò và nhiệm vụ của mỗi đối tượng thuộc các bộ phận lại khác nhau. Người làm công tác nhân sự vừa có vai trò đề xuất, vừa làm nhiệm vụ thực thi để chuyển đổi số đạt hiệu quả cao với các nội dung chủ yếu sau:
+ Bản chất của chuyển đổi số trong quản trị nhân sự
+ Vai trò của người làm nhân sự trong chuyển đổi số
+ Những vấn đề cần lưu ý khi chuyển đổi số trong quản trị nhân sự
Vai trò của người làm nhân sự trong công tác chuyển đổi số tại doanh nghiệp đã rất rõ ràng. Chuyển đổi số có thành công hay không phụ thuộc vào ban lãnh đạo, bộ phận phụ trách nhân lực, bộ phận khác & toàn bộ cán bộ nhân viên trong doanh nghiệp. Đối với bộ phận nhân sự, hãy là người chủ động trong công cuộc chuyển đổi số, bởi nó vừa giúp doanh nghiệp tăng năng suất, vừa giúp doanh am hiểu, nắm bắt công nghệ và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, phục vụ cho lộ trình nghề nghiệp trong tương lai của doanh nghiệp. Chuyển đổi số trong quản lý nhân sự, không đơn thuần là công việc của bộ phận nhân sự. Tuy nhiên, nhà quản trị nhân sự được coi là trung tâm của hoạt động, chiếm đến 80% sự thành công. Còn lại là sự ủng hộ, định hướng từ ban lãnh đạo, sự phối hợp của các thành viên khác trong tổ chức.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
(1) AcandAsia. 2021 Defining future workforce needs, upskilling and reinventing sustainably top of mind in 2021 for firms in Southeast Asia
(2) Báo lao động. Nhân lực số, những người lái con tàu chuyển đổi số Việt Nam(3) ITU Academy. 2020 Digital skills assessment guidebook
(4) LinkedIn. 2017. The Digital Workforce of the Future.
(5) Manpower. How COVID-19 is Accelerating Digital Workforce Transformation(6) McKinsey & Company. 2018. AI, automation, and the future of work: Ten things to solve for.
TS. Nguyễn Thị Bích Thủy
ThS. Đào Thị Loan - ThS. Nguyễn Thị Diệu Thúy
Trường Kinh tế - Trường Đại học Vinh
email: [email protected], hotline: 086 508 6899