Xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao: Giảm phát thải khí nhà kính, nâng tầm ngành lúa gạo

15/09/2022, 15:21

TCDN - Việc xây dựng vùng chuyên canh 1 triệu ha lúa chất lượng cao không có nghĩa là quy hoạch cố định về mặt địa điểm diện tích cho từng tỉnh. Đây chính là những tiêu chí cơ bản về vùng nguyên liệu lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính, đưa ngành lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao ở vùng ĐBSCL. Hiện Bộ đang giao các đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng Đề án cụ thể để tổ chức triển khai.

ttxvn20200803-lua

Áp dụng quy trình canh tác bền vững

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, đối với đề án này, 1 triệu ha lúa không có nghĩa là quy hoạch cố định về mặt địa điểm diện tích lúa được phân bổ cụ thể cho từng tỉnh mà là trên cơ sở xây dựng những tiêu chí cơ bản về vùng nguyên liệu lúa chuyên canh 1 triệu ha chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính. Trước mắt, 1 triệu ha lúa chất lượng cao dự kiến sẽ tập trung ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, một phần Kiên Giang (và có thể ở một số địa phương khác).

Đối với tiêu chuẩn vùng lúa chất lượng cao, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, đề án lần này xác định phải đảm bảo các yếu tố như, sử dụng giống lúa xác nhận cho chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong nước và thế giới, đồng thời hướng tới sử dụng các giống lúa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của người tiêu dùng và nhu cầu chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng từ hạt gạo.

Đặc biệt, vùng lúa chất lượng cao sẽ áp dụng quy trình canh tác bền vững, giảm phát thải khí nhà kính. Những vùng lúa chất lượng cao sẽ phải được áp dụng các quy trình canh tác bền vững hơn, sử dụng nguyên liệu đầu vào theo hướng giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giống… góp phần vào thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia (Cam kết COP26).

“Các hộ nông dân sẽ được tổ chức lại thành các tổ hợp tác, hợp tác xã và sẽ được liên kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp kinh doanh cung cấp nguyên liệu đầu vào và doanh nghiệp bao tiêu đầu ra theo hướng người nông dân được cung cấp đầu vào đảm bảo chất lượng với giá thấp hơn đồng thời bán lúa với giá ổn định, cao hơn’, ông Nam nói.

Với các vùng lúa chất lượng cao quy mô lớn, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ được cơ giới hóa, đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ hơn, được số hóa vùng trồng, truy suất nguồn gốc và được tích hợp các công nghệ thông minh, kiểm soát dịch bệnh, tưới nước tự động…

Mục tiêu tạo niềm tin và thu nhập cao hơn cho người trồng lúa, giúp người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất lúa gạo, đảm bảo chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, xây dựng thương hiệu gạo uy tín trên thị trường quốc tế.

Bộ NN&PTNT dự kiến đề án sẽ lấy ý kiến các doanh nghiệp, chuyên gia và địa phương kỹ càng trước khi trình Thủ tướng vào quý 2/2023.

Cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT Nguyễn Như Cường cho biết thêm, mục tiêu đề án làm sao để nâng tầm ngành lúa gạo Việt Nam. Do đó đề án cần có những chính sách đủ mạnh để lôi kéo doanh nghiệp tham gia, nếu không đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao chỉ để trình cho vui.

Hình thành các cánh đồng lớn quy mô tối thiểu 1.000ha

Ông Nguyễn Duy Thuận, tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, ủng hộ và đề nghị đề án cần có chính sách rõ ràng của các cơ quan quản lý để từ đó hình thành các liên kết vững chắc của chuỗi giá trị lúa gạo. Theo ông Thuận, đề án cần hình thành các cánh đồng lớn với quy mô tối thiểu 1.000ha, cấp mã số vùng trồng cụ thể để có thể tổ chức sản xuất đồng bộ và truy xuất được nguồn gốc. Cánh đồng lớn cũng giúp công tác cơ giới hóa được áp dụng đồng bộ và qua đó tăng năng suất lao động, góp phần giảm giá thành.

Ông Thuận cũng cho rằng hiện thị trường xuất khẩu chấp nhận gạo Việt Nam theo 3 phân khúc: gạo trắng hạt dài, gạo thơm hạt dài, gạo tròn hạt ngắn. Do đó cần chuẩn hóa từ 3-4 giống lúa chính và dự phòng 3-5 giống để đảm bảo cung ứng liên tục và chất lượng giống.

Để đẩy nhanh cũng như giúp đề án thành công, theo ông Thuận, phải có cơ chế cung cấp tín dụng canh tác cho nông dân, trong đó các doanh nghiệp phải bảo lãnh được nguồn tín dụng này thông qua việc thu mua nông sản và cấn trừ công nợ ngân hàng. Với trồng lúa, hạn mức tín dụng cả Việt Nam chỉ cần có khoảng 60.000 tỉ đồng/vụ. Hạn mức tín dụng này, nếu được quy hoạch rõ, thì sẽ giúp sản xuất nông nghiệp được ổn định.

Ông Phạm Thái Bình - tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An - nhấn mạnh đề án cần xác định tiêu chí lúa chất lượng cao là phải thơm, ngon, đặc biệt là an toàn (không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật)...

Cho rằng nếu để nông dân hoặc hợp tác xã tự làm thì mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao khó thành hiện thực, theo ông Bình, phải có một mô hình liên kết: doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm, nông dân sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp. Đây là mô hình hữu hiệu đã được thực hiện 10 năm qua. Tuy nhiên, ông Bình cho biết để nhân rộng ra, doanh nghiệp đang gặp khó do thiếu nguồn lực tài chính. Do đó đề án cần phải có chính sách cho doanh nghiệp vay vốn để cung ứng đầu vào, thu mua lúa chín, đầu tư máy sấy…

Ông Nguyễn Trí Ngọc, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Tổng hội NN&PTN Việt Nam, đánh giá việc triển khai trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL là một chủ trương đúng để phát triển, nâng tầm ngành lúa gạo. Nhưng để người trồng lúa yên tâm với nghề sản xuất lúa chất lượng cao, việc đầu tiên là xây dựng quy hoạch một cách bài bản, gắn với thị trường cả trong và ngoài nước.

Ông Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược NN&PTNT, nhấn mạnh phải bắt đầu từ ai làm, ai đầu tư? "Người trồng lúa rõ ràng vẫn là nông dân, còn người chế biến, thu mua lúa cần có một hệ thống các chủ thể mới. Do đó, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phải tập trung vào vai trò của tổ chức thể chế" - ông Sơn nói và cho rằng đề án phải hình thành được một hệ sinh thái các tổ chức sản xuất - kinh doanh, trong đó đi đầu là doanh nghiệp (doanh nghiệp xuất khẩu và thương mại). Tiếp theo các hộ nông dân nhỏ lẻ phải liên kết lại thành các hợp tác xã. Từ đó, sẽ hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, áp dụng máy móc hiện đại, áp các quy chuẩn kỹ thuật đồng bộ. Không nhất thiết phải sản xuất theo VietGap, Globalgap mà quan trọng là sản xuất theo tiêu chuẩn yêu cầu của từng thị trường...

"Phải giảm khâu trung gian, thương lái để hợp tác xã là người thay thế lo chuyện đầu vào vật tư, giống, máy móc, dịch vụ kỹ thuật, thu mua lúa đúng chất lượng cho doanh nghiệp" - ông Sơn nhấn mạnh.

Theo ông Sơn, đề án này cũng rất cần chính sách tạo đột phá cho hợp tác xã, nâng năng lực của đội ngũ này, bởi từ trước đến nay hợp tác xã thường thua thương lái cả về thực lực, vốn liếng, thông tin thị trường.

Nguyễn Diệp
Bạn đang đọc bài viết Xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao: Giảm phát thải khí nhà kính, nâng tầm ngành lúa gạo tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn: Đổi mới tư duy, tiếp cận theo sự co giãn của thị trường
Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được quán triệt từ trên xuống, nhưng thực hiện là từ nông dân đi lên. Do vậy, cần có sự đổi mới tư duy trong cách tiếp cận và có cách tiếp cận linh hoạt theo sự co giãn của thị trường.
Nông nghiệp Việt Nam xuất siêu 6,3 tỷ USD
Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản nước ta ước gần 32,3 tỷ USD. Đáng chú ý, xuất siêu gần 6,3 tỷ USD - tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế
Trong 5 tháng đầu năm 2022, trong điều kiện còn nhiều khó khăn và thách thức, nhất là dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tiếp tục khẳng định nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế.