Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn: Đổi mới tư duy, tiếp cận theo sự co giãn của thị trường

08/09/2022, 14:49

TCDN - Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được quán triệt từ trên xuống, nhưng thực hiện là từ nông dân đi lên. Do vậy, cần có sự đổi mới tư duy trong cách tiếp cận và có cách tiếp cận linh hoạt theo sự co giãn của thị trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức hội nghị trực tuyến Triển khai và quán triệt Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

20220908_085947

Đổi mới tư duy, tiếp cận linh hoạt theo sự co giãn của thị trường

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đưa ra giải pháp trọng tâm đầu tiên là nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Đây là điểm mới của nghị quyết, nhấn mạnh vai trò chủ thể của nông dân và là nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu, có tính quyết định đến sự thành công trong thực hiện nghị quyết. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, nghị quyết đề ra các yêu cầu cao hơn trong việc nâng cao trình độ, nhận thức và bảo đảm quyền làm chủ của nông dân.

“Trong chuỗi ngành hàng, khâu đầu tiên là giống, quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến, phân phối tiêu dùng. Khâu đầu tiên đặt giống là người nông dân. Khi chuẩn được từ giống đến các khâu khác thì sản phẩm sẽ đạt chuẩn. Từng yếu tố trong chuỗi này phải có sự gắn kết, không để bị gãy và mỗi khâu sẽ tạo ra giá trị gia tăng, đó là tư duy kinh tế”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, chiến lược được quán triệt từ trên xuống, nhưng thực hiện lại là từ nông dân đi lên. Do đó, các đơn vị của Bộ và địa phương cần có sự đổi mới tư duy trong cách tiếp cận và có cách tiếp cận linh hoạt theo sự co giãn của thị trường.

Xây dựng nông nghiệp thực sự là lợi thế quốc gia, nông nghiệp phải là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Theo đó, phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; từ đơn giá trị sang đa giá trị; tích cực đổi mới, sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để hạ giá thành, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, từ đó, nâng cao thu nhập cho nông dân. Mọi hoạt động sản xuất của ngành Nông nghiệp phải dành cho nông dân, xoay quanh người nông dân, nâng cao chất lượng sống cho người nông dâm. Tăng cường giáo dục nông nghiệp, hướng nghiệp cho thế hệ trẻ; huy động sự vào cuộc của toàn xã hội trong phát triển nông nghiệp - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Lưu ý vấn đề xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, xây dựng nông thôn mới không phải là “mặc đồng phục” cho nông thôn mà mỗi địa phương cần phải linh hoạt, sáng tạo dựa trên điều kiện, lợi thế, bản sắc của từng vùng, từng làng quê để thực sự trở thành những miền quê đáng sống đối với người nông dân

Cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ

Để chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam cho hay, cần cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ. Trong thời gian qua, khoa học công nghệ đã tạo bước phát triển nhanh, chuyển biến lớn, nhất là trong lĩnh vực trồng trọt, năng suất của một số loại cây trồng đã được nâng đến trần như lúa, cà phê.

Vai trò của khoa học công nghệ trong thời gian tới là tạo ra những chuyển biến thực sự, từ phát triển bền vững sang phát triển về chất, tạo ra giá trị gia tăng ở tất cả các khâu sản xuất.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, ba phạm trù trong Chiến lược là nông nghiệp, nông dân và nông thôn có quan hệ hữu cơ với nhau. Phát triển nông nghiệp cũng chính là tạo điều kiện để phát triển nông dân và nông thôn và ngược lại. Trong nghị quyết và chiến lược đã chỉ rõ,  khoa học và công nghệ không chỉ có nhiệm vụ tạo ra sản phẩm giá trị cao, tạo đột phá mà còn có nhiệm vụ quan trọng hơn. Đó là, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan và doanh nghiệp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ cũng như đào tạo nông dân theo chiều sâu hơn. Từ đó,  đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, qua đó gia tăng giá trị của sản phẩm tạo đột phá trong nông nghiệp.

Dựa trên thế mạnh và tiềm năng phát triển của địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, tỉnh xác định sẽ xây dựng hai ngành hàng chính để xây dựng trở thành ngành hàng quốc gia là lâm nghiệp và dược liệu. Bởi, Bắc Kạn có diện tích đất lâm nghiệp chiếm hơn 85% diện tích toàn tỉnh, tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước là 73,4%. Tỉnh bước đầu thu hút được các doanh nghiệp vào phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ. Với ngành dược liệu, tỉnh đã hình thành với những sản phẩm bước đầu đánh giá quy mô chưa lớn nhưng đã có một số thương hiệu về vùng nguyên liệu và phẩm chế biến.

Bà Đỗ Thị Minh Hoa chia sẻ, hiện rừng trồng tại tỉnh vẫn có chu kỳ khai thác ngắn, chưa mang lại hiệu quả cao. Để phát triển ngành lâm nghiệp bền vững, ngành cần có hướng đi cụ thể như trồng cây dưới tán rừng, kéo dài chu kỳ khai thác gỗ… để tỉnh triển khai. Với diện tích rừng tự nhiên lớn và tỉnh chủ yếu giao cho cộng đồng, hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Nhưng chính sách bảo vệ rừng hiện nay không cao thì việc tạo sinh kế cho người dân sống và bảo vệ được rừng cần có giải pháp. “Nếu vấn đề này không được giải quyết sẽ là mẫu thuẫn giữa chủ trương, quy định với quản lý trên thực tế. Điều này tạo áp lực với người dân được giao quản lý, bảo vệ rừng nhưng chưa được đảm bảo được đời sống”, bà Hoa chỉ ra.

Bà Đỗ Thị Minh Hoa cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm các tỉnh phía Bắc; trong đó, có Bắc Kạn để có sự liên kết phát triển thành vùng dược liệu, phát triển thế mạnh về đất và lâm nghiệp.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuyên Quang Nguyễn Xuân Hùng cho biết, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được xác định luôn có vai trò quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, hiện tỉnh đang tập trung giải pháp nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ và cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đồng thời, phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, phát triển mạnh công nghiệp dịch vụ.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, tổ chức triển khai là nội dung quan trọng để thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong nghị quyết và chiến lược. Thanh Hóa hiện đang tập trung thay đổi nhận thức tư duy sản xuất của nông dân. Đồng thời, tăng cường liên kết hình thành các hợp tác xã, liên minh hợp tác xã với các doanh nghiệp để tạo ra vùng nguyên liệu giá trị cao, có thương hiệu để nâng giá trị của sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích.

Thu Hà
Bạn đang đọc bài viết Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn: Đổi mới tư duy, tiếp cận theo sự co giãn của thị trường tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Nông nghiệp Việt Nam xuất siêu 6,3 tỷ USD
Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản nước ta ước gần 32,3 tỷ USD. Đáng chú ý, xuất siêu gần 6,3 tỷ USD - tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế
Trong 5 tháng đầu năm 2022, trong điều kiện còn nhiều khó khăn và thách thức, nhất là dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tiếp tục khẳng định nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế.