Xoá nợ thuế: Phải lập Hội đồng tư vấn và kiểm toán vì tiền không phải ít
TCDN - Các đại biểu Quốc hội đề xuất phải thành lập Hội đồng tư vấn xóa nợ thuế, vì làm “một gói” với số tiền không nhỏ nên cần đảm bảo minh bạch, công khai...
Đây là đề xuất được các Đại biểu Quốc hội đưa ra tại hội thảo "Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước", do Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội phối hợp với Bộ Tài chính vừa tổ chức.
Cùng với đó, các Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán khi Hội đồng tư vấn xoá nợ thuế đã hoàn thành nhiệm vụ để đảm bảo sự minh bạch. Đồng thời, cần bổ sung xử lý vi phạm cá nhân, người có thẩm quyền phải cao hơn để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Tp.HCM phát sinh thêm 600 tỷ đồng tiền nợ, chậm nộp thuế mỗi năm
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, có 4 lý do chính của việc ban hành Nghị quyết xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách.
Thứ nhất, tạo cơ chế pháp lý để xử lý dứt điểm tiền thuế nợ, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tồn tại lâu năm không còn khả năng thu của các đối tượng đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, thực tế đã phá sản, giải thể nhưng chưa thực hiện các thủ tục phá sản, giải thể theo quy định pháp luật.
Hoặc người nộp thuế đã chấm dứt kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế, bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng cơ quan quản lý thuế vẫn phải theo dõi, quản lý, gây lãng phí nguồn lực.
Thứ hai, Luật Quản lý thuế hiện hành chưa có quy định pháp luật để xử lý nợ thuế đối với người nộp thuế đã chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh và thực sự không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, nên số tiền thuế nợ, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tồn tại dây dưa kéo dài.
Thứ ba, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, trong đó đã có quy định để xử lý nợ cho các đối tượng này, cụ thể quy định cho khoanh tiền thuế nợ (tại Điều 83), xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp (tại Điều 85), không tính tiền chậm nộp, miễn tiền chậm nộp (tại Điều 59).
Các quy định này được áp dụng cho đối tượng nợ thuế phát sinh từ ngày 01/7/2020 trở đi, không cho áp dụng đối với các trường hợp nợ thuế phát sinh trước ngày 01/7/2020.
Cuối cùng, xử lý tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính cho những người nộp thuế có phát sinh nợ thuế, bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp bất khả kháng khác…
Dẫn chứng thực tế từ Tp.HCM, ông Lê Duy Minh, Phó cục trưởng Cục Thuế Tp.HCM cho rằng, số nợ thực từ đất của Tp.HCM khoảng 1.200 tỷ, từ hoạt động sản xuất kinh doanh là 1.000 tỷ, nhưng tổng số nợ hiện tại lên tới 23.561 tỷ. Đây là số lũy kế nhiều năm. Số nợ này phần lớn xuất phát từ tiền chậm nộp và phạt chậm nộp.
"Hiện nay, Cục Thuế Tp.HCM đang quản lý 233.000 đối tượng không còn địa chỉ kinh doanh, trong đó 67.894 là doanh nghiệp và 165.922 là hộ kinh doanh và cá nhân nộp thuế.
Tổng số nợ là 6.639 tỷ, chậm nộp là 2.138 tỷ. Cứ qua một năm thì từ con số trên 6.000 tỷ này sẽ phát sinh thêm 10% khoảng 600 tỷ và đây là điều rất khó khăn cho công tác theo dõi, quản lý… Bởi theo dõi đối tượng này tốn rất nhiều nhân, vật lực nhưng lại không thu được khoản nào từ đối tượng này", ông Minh nói.
Cần thành lập Hội đồng tư vấn xóa nợ thuế
Bàn sâu hơn về nội dung Nghị quyết, Đại biểu Trần Quang Chiểu khẳng định, nghị quyết chỉ xóa nợ đối với tiền chậm nộp, chậm phạt chứ không xóa nợ gốc và hoàn toàn phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.
Bên cạnh đó, xóa nghĩa vụ nộp thuế đối với người nộp thuế (tiền danh nghĩa) chứ không xóa tiền nộp trong ngân sách, không gây thiệt hại cho ngân sách.
"Nó khác với tiền nợ xấu, nợ khó đòi của ngân hàng vì tiền ngân hàng là đem tiền thật ra, mất tiền thật", ông Chiểu giải thích.
Đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu cũng góp ý thêm, cần thành lập Hội đồng tư vấn xóa nợ thuế, vì làm "một gói" với số tiền không nhỏ, do đó, để đảm bảo minh bạch, công khai nên thành lập hội đồng tư vấn và tự giải thể khi nhiệm vụ hoàn thành.
Bên cạnh đó ông Chiểu cũng cho rằng, cần nêu rõ Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán khi đã hoàn thành nhiệm vụ này để đảm bảo sự minh bạch. Cần bổ sung xử lý vi phạm cá nhân người có thẩm quyền phải cao hơn để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Trong khi đó, đại biểu Trương Anh Tuấn, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định lo ngại về hồ sơ xem xét khoanh nợ, xóa nợ do ngành thuế lập và các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định. Đây là vấn đề rất quan trọng.
"Ở địa phương, những dự án lớn trước khi quyết định phải có thẩm định của những cơ quan có thẩm quyền. Nhưng vấn đề xóa nợ, khoanh nợ là rất lớn, vậy trách nhiệm khi lập hồ sơ thẩm tra, thẩm định như thế nào? Thẩm quyền của cơ quan giám sát ra sao cũng cần được làm rõ", ông Tuấn nói.
Đồng quan điểm với ý kiến của các đại biểu, đại biểu Hoàng Quang Hàm hoàn toàn tán đồng về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết cũng như nêu rõ thẩm quyền, trách nhiệm và chế tài xử lý đủ mạnh đối với người có thẩm quyền xử lý nợ đọng, việc cần thiết phải thành lập hội đồng tư vấn xóa nợ thuế.
Ông Hàm cũng đề xuất trong Nghị quyết cần nhấn mạnh thêm về trách nhiệm tuyên truyền vì hiện nay vẫn có luồng suy nghĩ cho rằng xóa nợ là mất ngân sách và tại sao lại phát sinh khoản nợ lớn như vậy, có phải do quản lý kém hay không? Cũng từ đó để tuyên truyền rõ sự cần thiết phải có Nghị quyết riêng về xóa nợ này.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899