Xuất nhập khẩu chưa hết khó

08/04/2019, 09:07

TCDN - Quý I/2019, kim ngạch xuất khẩu đã không đạt được như kỳ vọng khi chỉ tăng trưởng 4,7% so với cùng kỳ. Từ nay đến cuối năm, hoạt động xuất nhập khẩu được nhận định sẽ vẫn chưa hết khó khăn.

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa mặc dù vẫn tăng trưởng song tốc độ tăng sẽ không cao như cùng kỳ năm trước do sự suy giảm của thương mại toàn cầu, đặc biệt là những ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, 2 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Tuy nhiên, với chính sách mở cửa thị trường, tác động của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và triển vọng từ các FTA đã có hiệu lực/đang đàm phán là cơ sở quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài ra, dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào các lĩnh vực sản xuất quan trọng, đặc biệt là khu vực chế biến, chế tạo là nền tảng cho việc gia tăng sản lượng, kim ngạch hàng hóa phục vụ xuất khẩu.

xnk

Xuất nhập khẩu vẫn còn đối diện nhiều khó khăn

TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế chia sẻ, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mới có hiệu lực chính thức từ tháng 1/2019, do vậy các đề án thực hiện cũng cần cụ thể hóa thành những dự án, chiến lược, chương trình hành động của các Bộ, ngành, địa phương sau đó mới triển khai cụ thể. Do vậy trong quý I vẫn chưa có những tác động trực tiếp, tích cực từ CPTPP. Nhưng dự báo từ nửa cuối năm sẽ có những tác động tích cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Ngoài những yếu tố thuận lợi nhất định, Bộ Công Thương cũng chỉ rõ trong thời gian tới xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sẽ phải đối mặt hàng loạt khó khăn. Đó là hoạt động thương mại của Việt Nam có xu hướng tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng bởi những diễn biến kém tích cực của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là tại các nền kinh tế chủ chốt, những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc và việc Anh rời khỏi EU có những diễn biến hết sức phức tạp.

Nhu cầu trên thị trường quốc tế yếu đi đã làm lĩnh vực sản xuất Việt Nam tăng trưởng chậm lại. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng với tốc độ chậm nhất trong hơn ba năm và những dấu hiệu giảm nhu cầu đã làm các công ty giảm việc làm. Cụ thể, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có dấu hiệu suy giảm khi giảm 4,3% trong quý I/2019. Samsung đang nỗ lực giữ vị trí dẫn đầu thị trường thế giới, với 20,3% thị phần điện thoại nhưng tỷ lệ này đang thu hẹp dần vì các nhà sản xuất Trung Quốc đã nhanh chóng bắt kịp Samsung, đặc biệt là ở Ấn Độ, nơi được xem là thành trì kiên cố nhất của hãng di động Hàn Quốc này.

Sự sụt giảm nhu cầu đối với mặt hàng điện thoại di động phân khúc cao cấp trên toàn cầu trong năm 2019 nhiều khả năng sẽ còn ảnh hưởng đến kim ngạch XK của mặt hàng này nói riêng và của Việt Nam nói chung trong thời gian tới. Ngoài ra, triển vọng xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản không mấy khả quan do giá giảm trong bối cảnh cung vượt cầu một số mặt hàng như: Cao su, hạt tiêu, cà phê…

Năm 2019, Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu là khoảng 7-8%. Chính phủ giao cho Bộ Công Thương phấn đấu mức tăng trưởng từ 8-10%. Theo Bộ Công Thương, để đạt mức tăng trưởng 8% năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cần đạt là 263 tỷ USD. Như vậy, xuất khẩu 9 tháng tiếp theo phải đạt khoảng 205 tỷ USD, nghĩa là bình quân một tháng phải đạt khoảng 22,7 tỷ USD. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, DN trong bối cảnh kỳ vọng thương mại quốc tế diễn biến theo chiều hướng thuận lợi hơn.

Thời gian tới, để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, Bộ Công Thương đề xuất các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung để chủ động trong công tác điều hành; có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội xuất khẩu và tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa; tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối DN xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam với các DN có nhu cầu NK của Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới; tổ chức hoạt động cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp C/O...

(Theo Báo Công Thương)

Bạn đang đọc bài viết Xuất nhập khẩu chưa hết khó tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899