Ấn Độ sẽ chi 12 tỷ USD xây 72 sân bay mới
TCDN - Ấn Độ dự chi 980 tỷ rupee (12 tỷ USD) đầu tư vào sân bay trong 2 năm tới do cơ sở hạ tầng hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao.
Theo hãng tin Bloomberg, số tiền 12 tỷ USD trên gồm 9 tỷ USD từ các nhà đầu tư tư nhân, phần còn lại thuộc về cơ quan quản lý sân bay Ấn Độ.
Số tiền này sẽ dùng để đầu tư xây dựng các nhà ga sân bay mới, cải tạo cơ sở hạ tầng hiện có, bao gồm những sân bay quân sự cũ. Theo đó, thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới đặt mục tiêu nâng tổng số sân bay từ 148 cơ sở vào thời điểm hiện tại lên thành 220 vào năm 2025.
Trong số đó, Tập đoàn Adani sẽ đầu tư xây dựng sân bay có công suất phục vụ 90 triệu hành khách/năm tại Navi Mumbai, dự kiến hoàn thành vào năm 2036.
Một sân bay mới với công suất phục vụ 70 triệu hành khách/năm cũng dự kiến được xây dựng tại Thủ đô Delhi. Nhiều bang như Karnataka, Gujarat và Andhra Pradesh cũng đang rục rịch xây dựng sân bay.
Phân tích về lý do Ấn Độ tăng cường số sân bay thần tốc như vậy, hãng tin Bloomberg cho rằng, trước hết, Ấn Độ cũng cần mở rộng cơ sở hạ tầng sân bay trong bối cảnh một số hãng bay tại quốc gia này đã đặt hàng hàng trăm máy bay mới.
Tháng trước, hãng bay Air India đã đạt thỏa thuận đặt mua 470 máy bay mới với Boeing và Airbus trong khi IndiGo được cho là sắp chốt đơn hàng với số lượng máy bay còn lớn hơn. Một số hãng bay khác tại Ấn Độ cũng đang mở rộng phi đội máy bay.
Hiện nay, dù là quốc gia có dân số 1,42 tỷ người nhưng tổng số máy bay dân dụng hiện tại ở Ấn Độ chỉ khoảng 700 chiếc.
Trong khi các sân bay tại những thành phố lớn như New Delhi và Mumbai đang trong tình trạng thiếu chỗ đỗ và slot cất/ hạ cánh máy bay.
Bên cạnh đó, việc đặt hàng mua hàng trăm máy bay mới cho thấy Ấn Độ dường như đang muốn chạy đua để bắt kịp những thị trường hàng không lớn hơn như Trung Quốc.
Theo hãng phân tích dữ liệu Cirium, các hãng bay Ấn Độ hiện đang đặt mua hơn 1.400 máy bay mới, gần gấp đôi so với Trung Quốc.
Tuy nhiên, hàng không Trung Quốc đang vận hành phi đội máy bay quy mô lớn hơn nhiều so với Ấn Độ. Bắc Kinh cũng đặt mục tiêu tăng gần gấp đôi số lượng sân bay lên 450 cơ sở vào năm 2035.
Một lý do khác khiến nhu cầu phát triển hệ thống sân bay tại Ấn Độ tăng cao đó là vì Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đặt mục tiêu đưa quốc gia này trở thành điểm trung chuyển hàng không tầm cỡ quốc tế cũng như là điểm đến của du khách, doanh nghiệp nước ngoài.
Do đó, việc kết nối các thành phố nhỏ bằng đường hàng không là một phần trong chương trình nghị sự nhằm phát triển đất nước của ông Modi.
Phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị Thượng đỉnh Hàng không Ấn Độ CAPA ngày 20/3, Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Ấn Độ Jyotiraditya Scindia cũng khẳng định quốc gia này đặt mục tiêu trở thành cường quốc trong lĩnh vực vận tải hàng không.
Tuy nhiên, một số chuyên gia bày tỏ lo ngại những dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí tại Ấn Độ.
“Trên thế giới, có rất ít quốc gia có tham vọng lớn trong lĩnh vực hàng không như Ấn Độ và việc đạt được những mục tiêu này đi kèm với lượng khí phát thải tăng cao”, ông Lewis Burroughs, Giám đốc hàng không tại tổ chức ICF International Inc có trụ sở tại bang Virgina, cho hay.
Các dự án xây dựng sân bay đang tiến hành tại Mumbai và Delhi đã vấp phải phản ứng dữ dội xuất phát từ lo ngại về môi trường. Phản hồi lại, đại diện 2 dự án cho biết họ có kế hoạch sẽ cắt giảm khí phát thải qua việc sử dụng năng lượng tái tạo và xe điện.
Ông Debi Goenka - nhà sáng lập tổ chức Conservation Action Trust cho rằng, Ấn Độ cần lựa chọn kỹ lưỡng địa điểm xây dựng sân bay mới nhằm giảm thiểu tác động tới môi trường và hệ sinh thái.
Theo hãng tin Bloomberg, Ấn Độ đặt mục tiêu sở hữu hơn 90 sân bay đáp ứng tiêu chuẩn trung hòa carbon vào năm 2024.
Đây là nhiệm vụ khá khó khăn khi quốc gia này hiện chỉ có 2 sân bay đáp ứng tiêu chuẩn này tại Delhi và thành phố cảng Kochi.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899