Bài 1: "Cõng" nợ ngân hàng, doanh nghiệp điện mặt trời lao đao vì bị cắt giảm công suất
TCDN - Theo các doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời, trường hợp EVN đề nghị các chủ đầu tư phải tiết giảm, sa thải công suất phát điện của dự án trong các tháng cuối năm 2021 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Doanh nghiệp điện mặt trời “kêu cứu”
Ngày 20/9, Công ty Điện lực Gia Lai có Công văn số 3175/GLPC-ĐĐ+KD gửi các đơn vị Điện lực trực thuộc về phương án huy động nguồn điện mặt trời áp mái. Công ty Điện lực Gia Lai giảm công suất huy động đối với tất cả các hệ thống điện mặt trời đấu nối vào lưới điện trung áp, hạ áp của công ty từ ngày 20 đến 26/9. Phương thức thực hiện công suất huy động tối đa không được vượt quá 50% công suất lắp đặt. Đối với các khách hàng điện mặt trời có sử dụng điện để sản xuất kinh doanh thì tiết giảm 50% công suất phát ngược lên lưới.
Đáng chú ý, Công ty Điện lực Gia Lai tiết giảm, sa thải công suất điện vào khung giờ "vàng" lúc có tỷ lệ số giờ nắng cao từ 8h đến 15h, lại trúng thời điểm mùa mưa ở Tây Nguyên kéo dài, mưa liên tục, số giờ nắng thấp. Trong khi nguồn điện mặt trời chỉ hoạt động khi nắng tốt, gần như không hoạt động ở những thời điểm như trời mưa, trời nhiều mây mù hay ban đêm, trừ phi có hệ thống pin, ắc-quy tích điện. Đối với những dự án điện mặt trời quy mô lớn, hệ thống tích trữ này tối đa cũng chỉ thêm 3 - 5h, nhưng chi phí đầu tư rất đắt đỏ. Vì vậy, sản lượng điện mặt trời bị giảm sút nghiêm trọng.
Cũng trong ngày 20/9, nhiều doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời ở tỉnh Kon Tum như Công ty TNHH Little Tuscany, CTCP Đầu tư Điện lực Ngọc Wang, Công ty TNHH ĐT&PT CN An Vạn Phát, Công ty An Lạc INC, Công ty TNHH Solar Kon Tum…cũng nhận được văn bản số 3712/KTPC-KD+ĐĐ của Công ty Điện lực Kon Tum về việc thông báo dự kiến phương thức huy động công suất các hệ thống điện mặt trời tại tỉnh Kon Tum từ ngày 20/9/2021 – 31/12/2021. Theo đó, mức huy động công suất dự kiến của Công ty Điện lực Kon Tum đối với hệ thống điện năng lượng mặt trời của các doanh nghiệp là 40,68%.
Theo các doanh nghiệp, việc các công ty điện lực (thành viên của EVN) đơn phương yêu cầu các chủ đầu tư dự án ĐMT phải tiết giảm, sa thải công suất phát điện làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh, không có nguồn để thanh toán nợ vay ngân hàng, chi trả chi phí vận hành hàng tháng và trả lương cho công nhân…
Bởi hầu hết hơn 90% doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời đều phải huy động vốn từ nguồn vay vốn ngân hàng thương mại (NHTM) (từ 70% - 80% tổng mức đầu tư), áp lực trả nợ gốc và lãi vay dự án của doanh nghiệp hàng tháng là rất lớn. Theo phương án tính toán tài chính, hiệu quả của dự án thì chỉ đảm bảo trả được nợ vay khi dự án hoạt động đúng công suất thiết kế và đặc biệt trong các tháng mùa khô.
Do đó, trường hợp EVN đề nghị các chủ đầu tư phải tiết giảm, sa thải công suất phát điện của dự án trong các tháng cuối năm 2021 sẽ dẫn đến hậu quả xấu đối với các nhà đầu tư điện mặt trời và gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Bên cạnh đó, việc đơn phương cắt giảm sản lượng là đi ngược lại với chính sách khuyến khích phát triển năng lượng theo quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, vi phạm nghiêm trọng hợp đồng mua bán điện đã ký kết giữa các bên.
Do vậy, việc các công ty điện lực đơn phương yêu cầu các chủ đầu tư dự án điện mặt trời phải tiết giảm, sa thải công suất phát điện như hiện nay là vi phạm các quy định của Luật Thương mại 2005, Bộ luật Dân sự 2015 và các quy định pháp luật có liên quan khác. Các chủ đầu tư có quyền khởi kiện các công ty điện lực tại toà án các cấp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời tại Gia Lại đã phải tiết giảm, sa thải công suất phát điện từ tháng 2/2021.
Bài toán quy hoạch và vận hành điện mặt trời
Thực tế, nếu nhìn đa chiều, thì bài toán về quy hoạch phát triển điện mặt trời không chỉ là nỗi lo của các nhà đầu tư khi "đổ tiền" ra làm, mà với các nhà quản lý còn là sự nan giải trong vận hành, điều độ hệ thống điện, ổn định trong cấp điện, làm sao để đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng quốc gia khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng mạnh trong cơ cấu nguồn.
Việc cấp phép ồ ạt cho các dự án năng lượng tái tạo khiến Việt Nam từ đầu năm dư thừa công suất phát điện, trong bối cảnh dịch bệnh kéo nhu cầu suy giảm. Việc hàng loạt dự án chạy tiến độ để đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi giá FIT cũng khiến cơ sở hạ tầng lưới điện nhiều địa phương không theo kịp, dẫn đến quá tải hệ thống.
Đầu tháng 5/2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết trong năm 2021 dự kiến cắt giảm khoảng 1,7 tỷ kWh điện từ điện gió và điện mặt trời để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện. Việc cắt giảm công suất có thể tiếp diễn trong các năm tới.
Hiện các nhà đầu tư điện mặt trời đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Cụ thể, các nhà đầu tư đã đề nghị được được Đảng và Nhà nước xem xét, đảm bảo cơ chế, chính sách phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg được thực hiện nhất quán, đúng cam kết, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để thu hút mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kinh tế đất nước.
Đối với Bộ Công Thương, các nhà đầu tư đề nghị cơ quan này xem xét, tính toán chỉ đạo các dơn vị liên quan, EVN xây dựng kế hoạch khai thác các nguồn năng lượng hiệu quả nhất, giảm tối đa sự lãng phí của doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời và lãng phí tài sản của xã hội.
Trong trường hợp bất khả kháng, các dự án điện mặt trời buộc phải tiết giảm, sa thải công suất phát điện của dự án, để tạo sự đồng thuận giữa các bên, tránh khiếu kiện có tính hệ thống gây mất ổn định an ninh, xã hội thì Bộ Công Thương cần phối hợp với các ngành liên quan để thỏa thuận bù đắp thiệt hại cho doanh nghiệp, như: kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng đối với các hợp đồng mua bán điện đã ký đúng bằng thời gian tiết giảm, sa thải công suất; đề xuất các ngành liên quan tăng giá mua điện mặt trời cho các dự án đúng bằng phần sản lượng tiết giảm trong một thời gian nhất định.
Cùng với đó, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi tiền vay cho các chủ đầu tư điện mặt trời.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời cũng kiến nghị EVN xây dựng phương án tăng cường huy động sử dụng các nguồn điện hiệu quả nhất, tiết kiệm không gây lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp, của xã hội và thân thiện với môi trường. Tăng công suất huy động điện mặt trời và điện gió, giảm huy động công suất đối với nhiệt điện (than và khí). Đồng thời, công khai, minh bạch thông tin tiết giảm, sa thải của các dự án.
Được xem như xu thế của thế giới với vai trò có thể thay thế một phần năng lượng từ các nguồn nhiên liệu không tái tạo, tuy nhiên việc nguồn cung điện mặt trời dư nhiều lần so với nhu cầu phụ tải trong tình hình dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng cắt giảm, sa thải công suất đang gây lãng phí nguồn năng lượng sạch và lãng phí lớn nguồn lực.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899