Quy hoạch điện mặt trời: Vì sao Chính phủ nhắc Bộ Công thương chống tham nhũng, lợi ích nhóm?
TCDN - Chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, Chính phủ liên tiếp có các công văn chỉ đạo Bộ Công thương yêu cầu bộ này thực hiện nghiêm việc chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong việc phát triển dự án liên quan đến điện mặt trời.
Bộ trưởng Công Thương nhận trách nhiệm vỡ quy hoạch điện mặt trời
Còn nhớ, cuối năm 2019, văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, áp dụng từ ngày 1-7-2019, tiếp theo quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo kết luận, việc ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã thu hút nhiều nhà đầu tư, với quy mô các nhà máy đưa vào vận hành thương mại là rất lớn (khoảng 4.500 MW).
Việc bổ sung nguồn điện tái tạo cũng bổ sung kịp thời nguồn điện mới cho hệ thống điện quốc gia, trong bối cảnh nhiều nguồn điện lớn đang triển khai bị chậm tiến độ, nhất là các nhà máy nhiệt điện than quy mô lớn.
Tuy nhiên, quy mô công suất nguồn điện mặt trời bổ sung rất lớn so với Quy hoạch điện VII, trong khi nội dung tính toán và cập nhật cơ cấu nguồn điện chưa được Bộ Công thương cập nhật kịp thời, đầy đủ. Việc triển khai lập quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia còn chậm, thiếu quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu điều hành chung.
Việc quản lý quy hoạch phát triển điện mặt trời của Bộ Công thương còn thiếu tính khoa học và thực tiễn, công tác, công tác dự báo còn yếu kém.
Đồng thời, chưa có biện pháp kiểm soát hữu hiệu và kịp thời để tránh làn sóng đầu tư ồ ạt, theo phong trào, ảnh hưởng đến công suất vận hành hệ thống quốc gia và gây ảnh hưởng quyền lợi nhà đầu tư. Việc quản lý đầu tư cũng chưa minh bạch và chưa được quản lý chặt chẽ, đồng bộ.
"Bộ Công thương cần rút kinh nghiệm sâu sắc về những tồn tại, hạn chế nêu trên để tăng cường tinh thần công khai, minh bạch và hiệu quả trong quản lý phát triển điện mặt trời cũng như các dạng năng lượng tái tạo khác trong thời gian tới" - văn bản nêu.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu cần phải tính toán cơ cấu các loại nguồn điện một cách khoa học và bài bản; phải chuyển hẳn sang thực hiện cơ chế đấu thầu, kiên quyết loại bỏ tình trạng xin - cho, tập trung xử lý các dự án sắp hoàn thành.
Việc ban hành giá điện mặt trời áp dụng từ 1-7-2019 tiếp theo quyết định số 11/2017 của Thủ tướng cần tuân thủ một số nguyên tắc tập trung những nơi có tiềm năng và lợi thế, có điều kiện phát triển tốt để đảm bảo hiệu quả chung của nền kinh tế.
Thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng cơ chế ưu tiên khuyến khích hợp lý điện mặt trời trên mái nhà, tuân thủ quy hoạch và đảm bảo cân bằng hệ thống điện, tránh phát triển ồ ạt, đảm bảo lợi ích các bên.
"Tuyệt đối chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong quản lý phát triển, kiên quyết loại bỏ cơ chế xin cho, các dự án đầu tư tuyệt đối không được sử dụng công nghệ lạc hậu, hiệu quả sử dụng thấp, tiềm ẩn những rủi ro môi trường" - văn bản nhấn mạnh.
Với các dự án cũ sẽ không thực hiện hồi tố quy định về giá điện, nhưng dự án mới sẽ chuyển hẳn sang đấu thầu công khai, minh bạch. Thủ tướng giao Bộ Công thương phối hợp các đơn vị liên quan thống nhất biểu giá FIT, cơ chế đấu thầu, đẩy nhanh tiến độ dự án truyền tải, các dự án chậm tiến độ và triển khai lập quy hoạch phát triển điện lực quốc gia...
Đặc biệt, văn bản yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan có liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, nhất là với các dự án điện hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tiến độ triển khai dự án, tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện trong thời gian tới; triển khai chặt chẽ, đúng pháp luật, chống tham nhũng tiêu cực, chống lợi ích nhóm, công khai, minh bạch mọi việc...
Còn nhớ, năm ngoái khi đăng đàn trả lời Quốc hội, Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) đặt câu hỏi: "Quy hoạch điện VII có ý nghĩa gì khi quy hoạch năm 2020 là 850 MW và 1200 MW tới 2030 đã bị phá vỡ và công suất hiện tại lên hơn 7.000 MW, gấp 9 lần ban đầu".
Sau đó, Bộ trưởng Công Thương thừa nhận khi lập quy hoạch điện VII vào năm 2016 đã "không lường được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời". Tuy nhiên, theo ông, Quyết định 11 về cơ chế giá ưu đãi cho điện mặt trời là 9,35 cent một kWh trong 20 năm với dự án vận hành trước 30/6/2019 đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư phát triển năng lượng này ở Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại chất vấn về ồ ạt cấp phép dự án điện mặt trời, khiến nhiều dự án khi vào vận hành bị giải toả công suất. Giải trình việc này, ông Tuấn Anh nói: "Đúng là quá trình thực hiện thì đã có sự chủ quan, đánh giá không hết nên trong thời gian ngắn đã có sự phát triển bùng nổ, gần 4.900 MW điện mặt trời vận hành tới cuối tháng 6/2019".
Ông cũng giải thích thêm, khi xây dựng các cơ chế là để tạo ra môi trường thí điểm cho điện mặt trời và sau này tổng kết phát triển điện sạch gồm cả điện gió.
Ngoài ra, người đứng đầu ngành công thương cũng thừa nhận có sự phát triển chưa đồng bộ giữa hạ tầng truyền tải điện, các trạm biến áp tại một số khu vực. Kết quả là, các dự án điện mặt trời vận hành nhưng không thể giải toả hết công suất. Ông giải thích, có sự lúng túng, bất cập trong phối hợp tổ chức, các cơ quan chức năng giữa Bộ Công Thương - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và địa phương trong thẩm định, phê duyệt các dự án.
"Ở diễn đàn Quốc hội này, tôi xin nhận trách nhiệm khi chưa bao quát và dự báo kịp thời để có biện pháp quyết liệt, nhất là trong phát triển hệ thống truyền tải điện tương xứng, đảm bảo giải toả công suất", ông Tuấn Anh nói.
Tuy nhiên, ông cũng nêu khó khăn khi Nhà nước còn độc quyền trong truyền tải điện, trong khi nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này chưa đảm bảo. Song ông tin, năm 2020 sẽ có thêm nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng khi nhiều tập đoàn đề xuất đầu tư và có thể giao tư nhân đầu tư đường dây 500 kV. "Về lâu dài phải có quy định pháp luật để cho phép xã hội hoá đầu tư truyền tải điện, nhưng không làm mất vai trò độc quyền của nhà nước. Có thể sẽ áp dụng hình thức BT trong đầu tư hệ thống chuyển tải điện", ông nói.
Phó Thủ tướng lại tiếp tục nhắc vấn đề chống tham nhũng, lợi ích nhóm
Còn tại kỳ họp lần này, mới đây ít tuần, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Việt Thắng (đoàn Bến Tre) về những thay đổi trong Quy hoạch điện VII và định hướng phát triển năng lượng tái tạo trong Quy hoạch điện VIII.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Quy hoạch điện VII đã được xây dựng, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh vào năm 2016. Trong giai đoạn 2016-2020, đất nước có nhiều bước phát triển mới, nhiệm vụ mới và có nhiều thay đổi nên phải có những điều chỉnh cho phù hợp.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội đã có Nghị quyết cho dừng dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận; bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch điện VII đã có nhiều dự án nhiệt điện than chậm tiến độ do nhu cầu phát triển nhiều địa phương không tiếp tục thực hiện nhiệt điện than, một số dự án khác bị chậm tiến độ do đặc thù của phát triển kinh tế xã hội, không còn cơ chế đặc thù như bảo lãnh của Chính phủ hay các ưu đãi khác… Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn điện, đảm bảo cân đối cung cầu điện.
Ngoài ra, công nghệ mới và xu hướng của điện tái tạo, năng lượng mặt trời, gió phát triển rất nhanh, giá thành liên tục giảm, nên nguồn năng lượng tái tạo đã bổ sung nhanh, đáp ứng nhu cầu điện cũng như phát triển bền vững. Thủ tướng Chính phủ đã có kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có đưa ra cơ chế ưu đãi về điện mặt trời, gió đã thúc đẩy các loại hình này phát triển nhanh và đạt được kết quả nhất định.
“Trong thời gian vừa qua, trên cơ sở Quốc hội cho phép điều chỉnh Quy hoạch năng lượng, Chính phủ đã có giải pháp bổ sung các quy hoạch điều chỉnh cho phép phát triển năng lượng tái tạo đáp ứng nhu cầu điện, phát triển bền vững và hướng tới tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Về Quy hoạch điện VIII, Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt bám sát quan điểm phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.
Thời gian tới, các nguồn năng lượng mới tiềm năng, năng lượng sạch, nguồn năng lượng có điều kiện phát triển ở Việt Nam sẽ được quan tâm phát triển, xây dựng bài bản là mục tiêu đảm bảo cân đối công suất phát giữa các vùng, giảm bớt thất thoát, giảm bớt tiêu hao năng lượng, cũng như cân đối giữa các nguồn năng lượng, giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ bên ngoài, nhất là năng lượng sơ cấp mà Việt Nam đang dần cạn kiệt.
Thêm vào đó, Bộ trưởng cho biết, sẽ tăng cường nguồn lực đầu tư xã hội, khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia xây dựng hạ tầng năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội.Về tiến trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch điện VIII, Bộ trưởng cho biết đã giao cho các đơn vị và đã cơ bản hoàn thành, hiện Bộ Công Thương đang l ấy ý kiến thẩm định từ các bộ, ngành liên quan.
Trước đó, văn phòng Chính phủ ngày 14/5 vừa có Công văn số 3778/VPVP-CN về việc thông tin của báo chí phản ánh lỗ hổng trong giao nhà đầu tư các dự án năng lượng tái tạo. Cụ thể, vào ngày 8/5/2020, cơ quan báo chí có nội dung phản ảnh về cơ chế “xin-cho” đang là một lỗ hổng lớn trong thực tế phát triển năng lượng tái tạo. Theo đó, nhiều nhà đầu tư yếu kém về năng lực vẫn giành được những dự án quy mô lớn, rồi nhanh chóng sang tay cho nhà đầu tư ngoại kiếm lời.
Gần đây là Công ty Đầu tư HLP (HLP Invest). Dù HLP Invest đang đề xuất Dự án cánh đồng gió Biển Cổ Thạch tại ngoài khơi huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận với tổng mức đầu tư lên tới 4,4 tỷ USD, nhưng công ty này lại chỉ có vốn điều lệ 90 tỷ đồng (tính đến ngày 15/10/2018) và vốn chủ sở hữu tới cuối năm 2018 là 1.347 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các cổ đông CTCP Điện mặt trời VSP Bình Thuận II – doanh nghiệp liên quan tới HLP Invest, đã thoái 100% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc.
Công ty TNHH Điện mặt trời HCG Tây Ninh, một doanh nghiệp khác có liên hệ với nhóm HLP Invest, cùng với Công ty TNHH Quản lý và Đầu tư tín thác Hoàng Thái Gia năm 2019 cũng đã bán bộ đôi nhà máy điện mặt trời HCG&HTG công suất 100 MW, vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng trên diện tích 117ha nằm cạnh Cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh cho Reonyuan Power Singapore, công ty con của Ningbo Boway Alloy Material - một tập đoàn Trung Quốc.
Ngày 20/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lại tiếp tục có công văn gửi Bộ Công thương giao Bộ này chủ trì phối hợp hướng dẫn các việc triển khai dự án điện mặt trời được bổ sung quy hoạch theo đúng quy định, không để xảy ra tình trạng quá tải điện lưới khi đưa vào vận hành, chỉ đạo kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện dự án.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công thương khẩn trương hoàn thành quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2045 (quy hoạch điện VIII) với chất lượng cao nhất trình Thủ tướng theo quy định; Ủy ban nhân dân các tỉnh có dự án điện mặt trời, lưới điện đầu nối được bổ sung quy hoạch phát triển điện lực có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời thực hiện theo cơ chế đấu thầu/đấu giá phát triển điện mặt trời được cấp phép có thẩm quyền ban hành; quản lý chặt chẽ quá trình đầu tư xây dựng các dự án theo đúng quy định của pháp luật, các chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ.
Có lẽ đây sẽ là một câu chuyện dài!
Theo Doanh nhân VN
email: [email protected], hotline: 086 508 6899