Đề xuất giảm 30% thuế Bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết 2021

23/11/2020, 12:33

TCDN - Bộ Tài chính đề xuất kéo dài thời gian giảm 30% thuế Bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến ngày 31/12/2021 để hỗ trợ ngành hàng không vượt qua đại dịch Covid-19.

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; các bộ, ngành; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; VCCI để lấy ý kiến dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay.

Theo công văn Bộ Tài chính, ngày 27/7/2020, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 979/2020/UBTVQH14 sửa đổi, bổ sung tiểu mục 2 mục I Biểu thuế bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2019 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Biểu thuế biểu thuế BVMT. Cụ thể, mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít được áp dụng từ ngày 1/8/2020 đến hết ngày 31/12/2020. Mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay sẽ quay lại mốc 3.000 đồng/lít kể từ ngày 1/1/2021.

Đề xuất kéo dài thời gian giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến 31/12/2021.

Đề xuất kéo dài thời gian giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến 31/12/2021.

“Hiện nay, tình hình Covid-19 đã được kiểm soát ở Việt Nam, nhưng tình hình dịch tại nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, Bộ Tài chính đã dự thảo hồ sơ dự án Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để tiếp tục áp dụng mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít theo quy định tại Nghị quyết số 979/2018/UBTVQH14 đến hết ngày 31/12/2021 nhằm tiếp tục góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành vận tải hàng không”, công văn nêu rõ.

Theo đánh giá, thiệt hại của ngành hàng không rất nghiêm trọng. Các doanh nghiệp hàng không phải gia tăng chi phí cố định để duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Các chi phí cố định bao gồm chi phí thuê máy bay, chi phí đậu đỗ và các chi phí thường xuyên.

Ước tính chi phí thuê máy bay mỗi tháng của Vietnam Airlines là 30 triệu USD, với Vietjet là 20 triệu USD. Chi phí đậu đỗ sân bay mỗi tháng của Vietnam Airlines là 6 tỷ đồng; Vietjet khoảng 3,6 tỷ đồng; Bamboo Airways khoảng 1,24 tỷ đồng.

Doanh thu các hãng hàng không cũng giảm mạnh. Dự kiến trong năm 2020, doanh thu Vietnam Airlines giảm 49.300 tỷ đồng và mức lỗ lên đến gần 16.000 tỷ đồng. Dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 17.000 tỷ đồng trong năm 2020.

Vì vậy, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, giữ nguyên mức giảm thuế 2.100 đồng/lít với xăng dầu hàng không trong cả năm 2021. Dự tính, việc giữ nguyên mức thuế trong năm 2021 sẽ làm số thu giảm khoảng 860 - 960 tỷ đồng/năm.

Bộ Tài chính khẳng định, việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần giúp doanh nghiệp vận tải hàng không giảm bớt gánh nặng tài chính, duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường, việc hạn chế nhập cảnh được dự báo vẫn phải kéo dài thời gian thực hiện.

T. Phương
Bạn đang đọc bài viết Đề xuất giảm 30% thuế Bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết 2021 tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Hỗ trợ kê khai thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay
Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị có liên quan bảo đảm hệ thống để quản lý thuế, thực hiện điều chỉnh phần mềm ứng dụng hỗ trợ kê khai thuế để người nộp thuế kê khai thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay được thuận lợi, đúng quy định.