Bài 1: Doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi nhiều quy định về hóa đơn, chứng từ
TCDN - Trước những bất cập về hóa đơn, chứng từ trong thời gian vừa qua, nhiều Hiệp hội, doanh nghiêp đóng góp ý kiến vào dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ.
Đề nghị sửa đổi nhiều quy định
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho biết, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp đó là quy định về thời điểm lập hóa đơn trong trường hợp hàng hóa trả lại. Đây là vấn đề rất nhiều doanh nghiệp đang gặp vướng mắc, vì vậy dự thảo cần phải có quy định rõ hơn nữa; đồng thời bổ sung thêm nội dung về việc thực hiện nộp thuế trên công thông tin điện tử của Tổng cục Thuế với nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, bà Hà Thị Tường Vy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn khoa học kế toán, Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho hay, từ ngày Nghị định 123 có hiệu lực có rất nhiều vướng mắc trong thực tế thực hiện cần tháo gỡ, nhất là vấn đề liên quan đến việc sửa chữa, kê khai khi hóa đơn sai, vấn đề lập hóa đơn đối với trường hợp chiết khấu thương mại, hàng bán bị trả lại, hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền,…
Bà Vy dẫn chứng thêm, việc điều chỉnh hóa đơn còn chưa rõ ràng gây nhiều hiểu nhầm cho người nộp thuế vì thấy trường hơp người bán tự điều chỉnh không thông báo ảnh hưởng bên mua. Hóa đơn điều chỉnh kê khai bổ sung vào kì gốc bất cập cho kế toán vì phải sửa đi sửa lại tờ khai nhiều lần vì có rất nhiều nhà cung cấp, mà khi phát hiện sai sót lại không phải tất cả các nhà cung cấp có sai sót cùng phát hiện ra sai 1 thời điểm, nên cứ mỗi khi phát hiện ra sai sót lại điều chỉnh. Điều chỉnh vào kì lập hóa đơn điều chỉnh sẽ tránh mất thời gian của doanh nghiệp và khớp với sổ kế toán hơn.
Góp ý vào dự thảo Nghị định Sửa đổi bổ sung Khoản 1 Điều 9 về thời điểm lập hóa đơn, ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín nhất trí sửa Khoản 1 Điều 9 như Dự thảo của Nghị định đề xuất. Tuy nhiên cần tính đến thời gian sau thông qua rơi vào ngày nghỉ lễ dẫn đến người lao động phải từ bỏ quyền nghỉ lễ để thực hiện đúng pháp luật về hóa đơn từ đó mất đi tính nhân văn và đạo lý mà Bộ luật lao động đã hướng tới. Vì vậy cần tạo điều kiện cho người lao động được nghỉ lễ trọn vẹn và đầy đủ theo quy định của Pháp luật lao động.
Do đó, ông Được đề xuất thời gian xuất hóa đơn đối với xuất khẩu hàng hóa là “không quá 01 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan hải quan xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan”.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Được cũng đề nghị bổ sung các trường hợp lập hóa đơn điện tử đối với “chuyển nhượng dự án” nên cũng cần quy định thời điểm lập hóa đơn đối với trường hợp này bởi lẽ đây là các trường hợp đặc thù có liên quan đến pháp luật đầu tư, pháp luật đất đai và pháp luật kinh doanh bất động sản…
Ông Được dẫn chứng, theo pháp luật đầu tư quy định một số dự án phải được sự chấp thuận cho phép chuyển nhượng dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng thời tại Khoản 3 Điều 51 Luật kinh doanh Bất động sản 2014 quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định cho phép chuyển nhượng dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các bên phải hoàn thành việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng và hoàn thành việc bàn giao dự án.
Bà Đào Thị Thu Huyền, Phó giám đốc Bộ phận Đối ngoại & Trách nhiệm xã hội, Công ty TNHH Canon Việt Nam kiến nghị bỏ quy định lập hóa đơn trong vòng 24h. Lí giải về đề xuất này, bà Huyền cho hay, đối với doanh nghiệp ưu tiên và các đối tác với DNUT được phép hoàn thành thủ tục hải quan trong vòng 30 ngày kể từ lúc xuất, nhập hàng hóa. Do đó, việc quy định xuất hóa đơn trong vòng 24h kể từ thời điểm cơ quan hải quan xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan gây khó khăn cho doanh nghiệp do thời gian xử lý hải quan còn phụ thuộc vào kế hoạch của tàu... Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn cơ quan Thuế cũng tại điều kiện cho doanh nghiệp ưu tiên được thực hiện theo thời gian quy định như của Hải quan.
Cùng với đó, theo đại diện Canon Việt Nam, khi tạm xuất tái nhập, tạm nhập tái xuất nguyên vật liệu, thành phẩm, máy móc, công cụ, dụng cụ, hoặc xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc nhận hoàn trả hàng hóa, doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục hải quan, và xuất hóa đơn thương mại theo đúng quy định. Hoạt động này của doanh nghiệp không phải là hoạt động bán hàng, dịch vụ, không nhằm mục đích tạo ra lợi nhuận, doanh thu tại thị trường Việt Nam mà chỉ hỗ trợ cho hoạt động sản xuất sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp và chỉ thực hiện trong thời gian nhất định. Vì vậy, việc phải xuất thêm hóa đơn nội địa của hệ thống Thuế sẽ làm phát sinh thủ tục, tăng thêm nhân lực của doanh nghiệp nên doanh nghiệp đề xuất bỏ các quy định này giúp doanh nghiệp đơn giản hóa các thủ tục và hoạt động được quản lý tập trung bởi 1 đầu mối là hải quan.
Sửa đổi quy định tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điểm nổi bật và quan trọng nhất của Nghị định 123 là chuyển đổi mạnh mẽ từ hóa đơn giấy sang HĐĐT. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị định 123 cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt, tình trạng mua bán, gian lận hóa đơn giả. Cơ quan Thuế đã rất nỗ lực kiểm soát vấn đề này thông qua việc áp dụng AI, tuy nhiên vẫn cần thời gian để AI phát huy hiệu quả.
Do đó, ông Tuấn cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 123 là cần thiết, song phải đảm bảo thuận tiện ít tốn thời gian, công sức của doanh nghiệp, đại diện VCCI nhấn mạnh việc sửa đổi bổ sung các quy định tại Nghị định 123 cần sự chung tay của cả cơ quan quản lý nhà nước và sự chủ động rà soát, góp ý các quy định của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời phản ánh, điều chỉnh.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, đối với ngành Tài chính, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính là cực kỳ quan trọng góp phần thực hiện chính phủ điện tử, trong đó cơ sở dữ liệu quốc gia về hóa đơn điện tử (HĐĐT) được đánh giá là nền tảng cơ bản của cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính.
Với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, việc áp dụng HĐĐT góp phần làm giảm chi phí quản lý, sử dụng hóa đơn, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, giảm thiểu nhiều rủi ro so với sử dụng hóa đơn giấy.
Ông Đặng Ngọc Minh khẳng định, cơ quan thuế sẽ nghiên cứu, sửa đổi phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Theo đó, dự kiến việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 123 sẽ tập trung vào 6 vấn đề: Sửa đổi, bổ sung các quy định về nguyên tắc lập hóa đơn, thời điểm lập hóa đơn, nội dung hóa đơn, xử lý hóa đơn lập sai nhằm quy định minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện.
Bổ sung giải pháp nhằm phòng ngừa, hạn chế gian lận khi doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn và trong quá trình sử dụng HĐĐT. Hoàn thiện các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng biên lai, chứng từ điện tử.
Bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử; trách nhiệm của cán bộ thuế trong trường hợp đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ theo quy định. Hoàn thiện quy định về tra cứu, cung cấp sử dụng thông tin HĐĐT. Hoàn thiện các biểu mẫu theo hướng đơn giản, minh bạch, dễ hiểu.
Theo Tổng cục Thuế đến nay đã có 100% doanh nghiệp, tổ chức (851.372 đơn vị) và 100% hộ, cá nhân kinh doanh (65.576 hộ, cá nhân kinh doanh) theo phương pháp kê khai tại 63 tỉnh, thành phố đã chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Lũy kế đến ngày 30/9, trên cả nước đã có tổng số 5.303.314.884 hóa đơn điện tử đã được tiếp nhận và xử lý (trong đó: HĐĐT có mã: 1.545.548.893; HĐĐT không có mã: 1.391.746.124; HĐĐT không mã gửi Bảng tổng hợp: 2.364.874.653; HĐĐT theo từng lần phát sinh: 1.145.214).
Đồng thời, hiện nay, tổng số cơ sở kinh doanh đã đăng ký thành công áp dụng khởi tạo HDĐT từ máy tính tiền là 33.470 cơ sở kinh doanh, số lượng hóa đơn sử dụng là 33.228.686 hóa đơn.
Bài 2: Ngăn chặn doanh nghiệp ma, trốn thuế
email: [email protected], hotline: 086 508 6899