Chống thất thu thuế từ thương mại điện tử:

Bài 2: Thách thức trong thu thuế thương mại điện tử

05/01/2022, 15:09

TCDN - Sự phát triển quá nhanh của thương mại điện tử, nền kinh tế số khiến cho việc thu thuế đối diện nhiều khó khăn, thách thức.

Bài 1: Lộ diện nhiều cá nhân thu nhập hàng trăm tỷ từ thương mại điện tử đóng thuế khiêm tốn 

Thu thuế chưa tương xứng với quy mô thị trường thương mại điện tử

Đánh giá về việc thu thuế hoạt động thương mại điện tử, TS. Vũ Xuân Dũng, Trường Đại học Thương mại cho hay, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song công tác quản lý thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử vẫn còn có hạn chế và bất cập.

Cụ thể, số thuế thu được từ các hoạt động thương mại điện tử vẫn còn khá nhỏ bé so với quy mô của thị trường thương mại điện tử. Việc phát hiện các trường hợp có hoạt động thương mại điện tử để truy thu thuế mới chỉ chủ yếu tập trung vào rà soát các cá nhân, tổ chức thực hiện các hoạt động quảng cáo, bán hàng trực tuyến qua các trang web do mình lập ra (B2C) và trên một số nền tảng mạng xã hội như Google, Facebook, Youtube,… (C2C) trong khi đó, cơ quan thuế chưa thực hiện việc rà soát, kiểm soát đối với các hình thức hoạt động thương mại điện tử khác như quảng cáo và bán hàng qua các thiết bị cầm tay (M-Commerce), quảng cáo rao vặt, tham gia đấu giá qua một trang web, giao dịch qua hệ thống hai đầu P2P, Forum, IRC, các phần mềm nói chuyện qua mạng như Zalo, Yahoo, Skype,Window Messenger, AOL,... đặc biệt là các hình thức tham gia giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số.

“Điều này cho thấy còn rất nhiều giao dịch thương mại điện tử còn nằm ngoài sự nắm bắt và kiểm soát bởi cơ quan thuế”, TS Dũng nhận định.

Cùng với đó, theo ông Dũng công tác rà soát các trường hợp tiến hành hoạt động thương mại điện tử để truy thu tiền thuế và tiền phạt chưa được tiến hành một cách đồng đều giữa các cơ quan thuế ở các địa bàn khác nhau.

Theo đại diện Cục Thuế Đà Nẵng, hiện nay, cơ sở dữ liệu quản lý thông tin người nộp thuế của Cơ quan Thuế không có thông tin hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Đồng thời, việc cung cấp thông tin từ các tổ chức trung gian như ngân hàng thương mại, tổ chức thanh thanh toán trung gian, phát chuyển nhanh… gặp khó khăn do nhiều đơn vị viện lý do bảo vệ thông tin khách hàng theo quy định của Luật Tín dụng, Luật Bưu chính viễn thông...

Ngành thuế đối diện nhiều khó khăn, thách thức trong việc thu thuế từ thương mại điện tử. (Ảnh minh họa)

Ngành thuế đối diện nhiều khó khăn, thách thức trong việc thu thuế từ thương mại điện tử. (Ảnh minh họa)

5 thách thức thu thuế thương mại điện tử

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ cá nhân, Tổng cục Thuế khẳng định: “Với những đặc trưng của nền kinh tế số và tình hình phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian qua đã đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý thuế”.

Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ cá nhân phân tích, đối với hoạt động thương mại điện tử mua bán hàng hoá, dịch vụ trong nước phát sinh quá nhiều đối tượng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, các giao dịch diễn ra quá nhiều mang tính nhỏ lẻ; phát sinh trường hợp người nộp thuế không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế; cơ quan thuế không xác định được địa điểm kinh doanh, khó xác định cơ quan thuế quản lý; thời gian kinh doanh của người nộp thuế diễn ra liên tục 24/7…

Đối với thương mại điện tử xuyên biên giới, người nộp thuế không đăng ký kinh doanh, không có cơ sở kinh doanh cố định; doanh nghiệp nước ngoài thường viện dẫn theo Hiệp định thuế, xác định không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam nên không kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Chính vì những điều trên, theo bà Lan Anh, ngành Thuế đang gặp 5 khó khăn, thách thức trong thu thuế thương mại điện tử. Thứ nhất, khó khăn trong việc quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế. Trong điều kiện nền kinh số các tổ chức, cá nhân có thể tiến hành hoạt động kinh doanh xuyên biên giới mà không thuộc đối tượng đánh thuế của bất kỳ quốc gia nào theo nguyên tắc quản lý thuế truyền thống, các quốc gia đều căn cứ trên sự hiện diện vật chất của người nộp thuế, trong khi doanh nghiệp, cá nhân có thể phân bổ thu nhập về địa điểm có lợi nhất về thuế theo quy định của từng nước.

Thứ hai, khó khăn trong việc xác định căn cứ tính thuế. Trên môi trường số, các hoạt động kinh doanh có thể thực hiện thông qua website hiện diện ở một khu vực thị trường nào đó mà không cần sự hiện diện vật chất của người nộp thuế tại đó. Hay nói cách khác, phạm vi điều chỉnh của luật thuế đang căn cứ vào “sự hiện diện vật chất” của tổ chức kinh doanh - nguyên tắc đánh thuế hiện hành. Điển hình cho hoạt động này là quảng cáo trực tuyến và các hoạt động tương tác thông qua nền tảng các mạng xã hội.

Thứ ba, khó khăn trong việc phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế. Bà Lan Anh cho rằng, trong nền  kinh tế số rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ và lợi nhuận kinh doanh. Ví dụ, điển hình là doanh thu liên quan đến phần mềm, sản phẩm nội dung thông tin số, các ứng dụng đăng tải trên mạng,... rất khó để xác định số tiền chi trả cho bản quyền, phí dịch vụ hay lợi nhận kinh doanh. Ngoài ra, mô hình kinh tế chia sẻ cũng đặt ra nhiều câu hỏi trong việc xác định ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh làm căn cứ tính thuế GTGT, nghĩa vụ khai thuế.

Thứ tư, khó kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Do chủ thể kinh doanh thương mại điện tử không cần đến cửa hàng, cửa hiệu theo cách truyền thống, các giao dịch hoàn toàn thực hiện bằng phương thức điện tử, máy chủ có thể đặt tại nước ngoài, một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên 1 sàn giao dịch thương mại điện tử, và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử, cùng lúc trên nhiều trang mạng xã hội.

Thứ năm, theo Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ cá nhân, việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế số thì những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng rất đa dạng của như: thanh toán qua ngân hàng, thanh toán điện tử, thanh toán ngang hàng (P2P), tiền điện tử,....

“Ở Việt Nam, việc kiểm soát giao dịch kinh doanh thương mại điện tử trong nước khó khăn hơn khi mà hệ thống thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng) được áp dụng phổ biến hơn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt", bà Lan Anh nhấn mạnh.

Bài 3: Chuyên gia hiến kế bịt lỗ hổng về thu thuế thương mại điện tử

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Bài 2: Thách thức trong thu thuế thương mại điện tử tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Ngành Thuế rà soát lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh online, chứng khoán và bất động sản
Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế, chi cục thuế tăng cường công tác quản lý, rà soát các lĩnh vực còn tiềm năng, các lĩnh vực phát triển tốt trong điều kiện dịch bệnh như thương mại điện tử, kinh doanh online, chứng khoán, bất động sản… nhất là tại các tỉnh, thành phố lớn, nơi tập trung đông dân cư.