Chống thất thu thuế từ thương mại điện tử:

Bài 1: Lộ diện nhiều cá nhân thu nhập hàng trăm tỷ từ thương mại điện tử đóng thuế khiêm tốn

03/01/2022, 09:54

TCDN - Thời gian vừa qua, hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số có điều kiện tăng trưởng mạnh đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, việc thu thuế đối với hoạt động này chưa thực sự hiệu quả do những yếu tố chủ quan và khách quan.

Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp thực hiện loạt bài với chủ đề “Chống thất thu thuế từ thương mại điện tử” nhằm đưa ra thực trạng, đề xuất giải pháp góp phần tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Để làm được điều đó, cần sự thay đổi quyết liệt của ngành Thuế cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội.

Trong những năm gần đây, ngành thuế đã thu và truy thu được nhiều khoản thuế từ hoạt động thương mại điện tử. Đáng chú ý nhiều cá nhân có thu nhập hàng trăm tỷ đồng từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, đóng thuế tới vài chục tỷ đồng.

Ngân sách thu hơn 4 nghìn tỷ đồng tiền thuế từ thương mại điện tử

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết, về quản lý thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, theo quy định hiện hành đang thực hiện thu thuế thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài). Hiện nay có khoảng 14 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới và 08 trang điện tử hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ thuế và số thuế thu được thông qua các tổ chức, cá nhận Việt Nam khấu trừ, nộp thay khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.

Cụ thể, từ năm 2018 đến hết tháng 10/2021, các đơn vị này đã khai, nộp thuế với tổng số tiền là 4.263,82 tỷ đồng, trong đó một số tập đoàn lớn như Facebook là 1.641,75 tỷ đồng; Google là 1.573,24 tỷ đồng; Microsoft là 560,67 tỷ đồng. Năm 2020 số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới đạt 1.143,8 tỷ đồng.

Trong năm 2021 (tính đến ngày 3/12/2021), số thuế thu được từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, Youtube, Facebook, ... là 1.314 tỷ đồng, trong đó một số tập đoàn lớn như Facebook là 521 tỷ đồng; Google là 490 tỷ đồng; Microsoft là 164 tỷ đồng.

Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ cá nhân, trong triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, ngành Thuế đã chú trọng công tác phối hợp với các ban ngành, địa phương để phát hiện, yêu cầu người nộp thuế là cá nhân kê khai, nộp thuế theo pháp luật.

Theo đó, đối với nhóm cá nhân có thu nhập lớn từ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới (tiếp thị, quảng cáo trực tuyến; cung cấp sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số; bán hàng online;...) đã kê khai, nộp thuế với số thu tính đến tháng 10/2021 là 498 tỷ đồng.

“Một số trường hợp cá nhân có phát sinh thu nhập cao với số thuế đã truy thu lớn điển hình như: có cá nhân phát sinh thu nhập là 105 tỷ đồng với số thuế và tiền chậm nộp đã nộp năm 2021 là 11 tỷ đồng; cá nhân sản xuất phần mềm và có nguồn thu từ quảng cáo có thu nhập là 330 tỷ đồng với số thuế đã nộp năm 2020 là 23,4 tỷ đồng; và một cá nhân khác có thu nhập là 260 tỷ đồng với số thuế đã nộp năm 2020 là 18,1 tỷ đồng...”, bà Lan Anh cho hay.

Tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết, các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số đã đóng góp cho thu ngân sách trên địa bàn năm 2021 khoảng 14.000 tỷ, chiếm khoảng 6% tổng thu và 10% thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong đó, nhóm có thu thập từ các tổ chức nước ngoài (Google, Facebook,…), Cục Thuế Hà Nội đã đưa vào quản lý 465 cá nhân có doanh thu phát sinh từ nhà thầu nước với số thuế đã nộp năm 2021 là 56 tỷ. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai rà soát 503 người nộp thuế có doanh thu 498 tỷ với dự kiến số thu 35 tỷ. Đáng chú ý có 1 cá nhân kê khai, nộp 11 tỷ đồng (gồm hơn 4 tỷ đồng tiền chậm nộp).

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Tại Tp.HCM phát hiện một cá nhân kênh YouTube có thu nhập lên 19 tỷ đồng từ năm 2016 - 2018; một trường hợp khác nhận thu nhập 41 tỷ đồng từ Google, Facebook, YouTube chỉ trong 2 năm 2016 - 2017. Qua công tác thanh kiểm tra, Cục Thuế Tp.HCM cũng phát hiện một cá nhân ở tỉnh Quảng Nam thu nhập 17 tỷ đồng và đã phối hợp với Cục thuể tỉnh Quảng Nam để truy thu số thuế theo quy định.

Tại Đà Nẵng, ông P.V.T (cư trú tại quận Hải Châu) phát sinh doanh thu bán phần mềm và dịch vụ phần mềm cho tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài từ tháng 5/2014 đến tháng 6/2019 phát sinh số tiền thuế và tiền phạt nộp ngân sách nhà nước là 342 triệu đồng. Ông N.N.D (cư trú tại quận Hải Châu) là chủ trang web cung cấp phần mềm giải trí Testfun.net, từ quý II/2015 đến quý II/2018 phát sinh số tiền thuế và tiền phạt nộp ngân sách nhà nước là 23,584 tỷ đồng.

Phối hợp với các ngân hàng cung cấp thông tin người nộp thuế

Theo bà Lan Anh, thời gian quan toàn ngành Thuế đã triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thuế. Theo đó, bên cạnh việc thực hiện quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và các Luật Thuế (Giá trị gia tăng, Thu nhập doanh nghiệp, Thu nhập cá nhân), các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thuế, Luật Quản lý thuế và các quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan thì toàn ngành đã triển khai công tác: Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế qua rất nhiều kênh thông tin, hình thức tuyên truyền tại các chuyên mục đặc biệt về pháp luật thuế qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Tổng cục Thuế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Cục Thuế tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời phối hợp với các Bộ, ban ngành có liên quan để cùng triển khai.

Là một trong những địa phương đi đầu trong thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, ông Mai Sơn tiết lộ, trong thời gian vừa qua, Cục Thuế Hà Nội đã nhận diện mô hình hoạt động, dòng tiền của các hoạt động thương mại điện tử để thực hiện phân loại các nhóm đối tượng quản lý và xác định biện pháp cụ thể đối với từng nhóm.

Bên cạnh đó, Cục Thuế Hà Nội triển khai đồng bộ các phương án xây dựng cơ sở dữ liệu, phối hợp với các Ngân hàng, trung gian thanh toán, trung gian vận chuyển để thu thập cơ sở dữ liệu, thực hiện phân tích, phân loại người nộp thuế vào từng nhóm đối tượng để áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp.

Đặc biệt, Cục Thuế Hà Nội thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với một số trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trọng điểm lớn, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành như Sở công thương, Phòng cảnh sát kinh tế Hà Nội, Thanh tra giám sát ngân hàng để triển khai các công tác quản lý thuế trên địa bàn.

Lãnh đạo Cục Thuế Đà Nẵng cho hay, Cục Thuế thành lập Tổ nghiên cứu xây dựng các biện pháp quản lý thuế, chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Từ tháng 7/2020 đến nay Tổ nghiên cứu thường xuyên rà soát thông tin đối tượng kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số để tăng cường công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế.

Trên cơ sở các thông tin thu thập được, Cục Thuế Đà Nẵng đã đề nghị 67 Chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn cung cấp thông tin giao dịch thanh toán của các nền tảng công nghệ nước ngoài (từ 2019 đến 2020). Gửi công văn đề nghị Ngân hàng nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng hỗ trợ chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn cung cấp các thông tin và hỗ trợ cung cấp danh sách các đơn vị được phép thanh toán trung gian.

Bài 2: Thách thức trong thu thuế thương mại điện tử

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Bài 1: Lộ diện nhiều cá nhân thu nhập hàng trăm tỷ từ thương mại điện tử đóng thuế khiêm tốn tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Ngành Thuế rà soát lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh online, chứng khoán và bất động sản
Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế, chi cục thuế tăng cường công tác quản lý, rà soát các lĩnh vực còn tiềm năng, các lĩnh vực phát triển tốt trong điều kiện dịch bệnh như thương mại điện tử, kinh doanh online, chứng khoán, bất động sản… nhất là tại các tỉnh, thành phố lớn, nơi tập trung đông dân cư.