Bắt con “cá rô” hay con “săn sắt”?

05/01/2017, 09:51

TCDN - Người xưa có dạy “thả con săn sắt bắt con cá rô”, với hàm ý biết hy sinh món lợi nhỏ để thu về món lợi lớn hơn.


Với việc chính quyền thành phố Hải Phòng thực hiện thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng từ 1-1-2017, với hầu hết hàng hóa XNK qua địa bàn, dường như địa phương này đang chú trọng vào “bắt con săn sắt”.

Nói thế là bởi, việc thu thu phí trên được thực hiện từ cuối năm 2013 nhưng là đối với hàng tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan, chuyển cửa khẩu. Đây là loại hàng hóa chủ yếu “mượn đường” của nước ta để phục vụ cho nước thứ ba, chứ không trực tiếp phục vụ hoạt động sản xuất trong nước nên việc thu phí để đảm bảo duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng mà đối tượng này sử dụng có thể hiểu được và cũng là hợp lẽ.

Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là từ đầu năm 2017, chính quyền Hải Phòng mở rộng đối tượng bị thu phí với hầu hết hàng hóa XNK qua địa bàn (chỉ trừ hàng hóa liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ an ninh, quốc phòng, hàng viện trợ, cứu trợ nhân đạo) thì câu chuyện lại hoàn toàn khác. Bởi với vị trí cửa ngõ giao thương lớn nhất miền Bắc và thứ 2 cả nước, mỗi năm đang có hàng chục triệu tấn hàng hóa lưu thông qua khu vực cảng Hải Phòng phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước và đưa các sản phẩm trong nước ra thị trường quốc tế, điều này đồng nghĩa với việc thu phí đối với loại hàng hóa này là chính quyền Hải Phòng đang làm tăng thêm khó khăn cho chính các doanh nghiệp trong nước không chỉ riêng ở địa bàn Hải Phòng, lực lượng chính tạo ra của cải vật chất cho xã hội, mang nguồn thu lớn ngân sách cho quốc gia.

Vì vậy, nếu so khoản phí có thể thu được vài trăm tỷ đồng/năm cho thành phố Hải Phòng với những khó khăn mà hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn doanh nghiệp trong nước gặp phải bởi tác động của việc thu phí trên thì rõ ràng chuyện tăng thêm ngân sách là không tương xứng.

Chỉ xin nêu ra đây một ví dụ, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), bằng những giải pháp tạo cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính được thực hiện trong năm 2016, chỉ riêng chi phí chuẩn bị hồ sơ đối với hàng hóa XNK cả nước ước có thể tiết kiệm được khoảng 600 triệu USD (tương đương hơn 13 nghìn tỷ đồng). Đấy là chưa kể lợi ích vô hình lớn hơn là nâng cao năng lực canh tranh của quốc gia.

Nêu ra ví dụ này để thấy, nếu chính quyền các cấp tạo ra được môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp thì hiệu quả mang lại sẽ lớn hơn rất nhiều.

Mặt khác, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hải quan, đến thời điểm này (ngày 4-1) nhiều địa phương có cảng biển quan trọng khác ở nước ta như TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh... cũng chưa thực hiện việc thu phí đối với hàng hóa XNK qua cảng như chính quyền thành phố Hải Phòng vừa thực hiện, để tạo thuận lợi cho DN, cho hoạt động XNK.

Vì vậy, trong bối cảnh cả nước đang quyết liệt, hào hứng thực hiện chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền ở thành phố Hải Phòng cần tính toán lại một cách thấu đáo câu chuyện thu phí vì những mục tiêu lớn hơn là tạo thuận lợi để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước như chủ trương của Chính phủ. Đừng bỏ con "cá rô" mà bắt con "săn sắt"!

Theo Hải quan

Bạn đang đọc bài viết Bắt con “cá rô” hay con “săn sắt”? tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

x