Bệnh viện Nam Thăng Long xin dừng cổ phần hóa
TCDN -
Thay vì sẽ tiếp tục thực hiện tiến trình cổ phần hóa (CPH) như văn bản của Bộ GTVT và Chính phủ cho phép cách đây hơn 1 năm, Bệnh viện Nam Thăng Long đã làm văn bản đề nghị Bộ GTVT dừng CPH bệnh viện này để chuyển sang cơ chế hoạt động tự chủ.
Theo văn bản của lãnh đạo Bệnh viện Nam Thăng Long (Hà Nội, trực thuộc Bộ GTVT) gửi tới bộ này cuối tháng 7 vừa qua thì hồi tháng 5-2015, Chính phủ đã cho phép Bộ GTVT thí điểm CPH bệnh viện, trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Nếu quyết định này được thực hiện thì đây là bệnh viện thứ hai của Bộ GTVT thực hiện CPH, sau Bệnh viện GTVT trung ương đã bán phần lớn cổ phần cho Công ty cổ phần tập đoàn T&T.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bệnh viện Nam Thăng Long đã lấy ý kiến của hơn 200 cán bộ, nhân viên y tế đang làm việc và đi đến nhận định rằng: kết quả sau CPH của Bệnh viện GTVT trung ương 6 tháng đầu năm 2016 không được cải thiện sau khi chuyển sang mô hình hoạt động như công ty cổ phần. Cụ thể: đời sống cán bộ, công nhân viên chưa được nâng lên, công suất sử dụng giường bệnh chỉ đạt xấp xỉ 54%. Hơn 20 thầy thuốc có trình độ chuyên môn giỏi đã chuyển sang các bệnh viện công lập khác. Co6gn ty cổ phần bệnh viện GTVT chỉ thực hiện được khoảng 50% các danh mục kỹ thuật do Bộ Y tế phê duyệt trước đây.
Trong khi đó, Bệnh viện Nam Thăng Long là bệnh viện hạng hai theo quy định của Bộ Y tế, hiện đã đủ điều kiện đảm bảo tự chủ hoàn toàn cả về chi thường xuyên và chi đầu tư. Bệnh viện này hiện khám chữa bệnh cho hơn 70.000 người dân có mức thu nhập trung bình đăng ký bảo hiểm hàng năm.
Lãnh đạo bệnh viện cho rằng, nếu CPH Bệnh viện Nam Thăng Long có nghĩa là sẽ chuyển đổi một bệnh viện công lập, đã thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa y tế, hàng năm nhà nước không phải cấp kinh phí chi thường xuyên, sang bệnh viện hoạt động với mục đích lợi nhuận và không phải là địa điểm dành cho người lao động có thu nhập trung bình và thấp.
Mặt khác, lãnh đạo bệnh viện cho rằng, nếu Chính phủ thực hiện CPH Bệnh viện Nam Thăng Long cũng có nghĩa là nhiều thầy thuốc có trình độ chuyên môn tốt sẽ ra đi dẫn đến tình trạng khủng hoảng nhân lực.
Do đó, hầu hết cán bộ công nhân viên của bệnh viện thống nhất ký văn bản đề nghị Chính phủ cho phép Bệnh viện Nam Thăng Long được hoạt động tự chủ hoàn toàn theo Nghị định 16/2015 về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều này đồng nghĩa với tiến trình CPH bệnh viện đang thực hiện sẽ không tiếp tục diễn ra.
Bệnh viện này được định giá theo giá trị sổ sách tính đến hết tháng 5-2015 là 29,5 tỉ đồng. Dự định là Bộ GTVT sẽ bán 70% cổ phần tại đây, đồng thời phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ. Sau CPH, bệnh viện sẽ chỉ còn 30% vốn nhà nước.
Công ty cổ phần tập đoàn T&T đã mua số cổ phần chi phối tại Bệnh viện GTVT trung ương đã bày tỏ đề nghị mua tiếp cổ phần tại Bệnh viện Nam Thăng Long và một bệnh viện khác của ngành giao thông.
Theo saigontimes.vn
email: [email protected], hotline: 086 508 6899