Bình Phước: Tập đoàn Sơn Hải tố dấu hiệu bất thường trong quá trình trượt thầu cao tốc gần 1.500 tỷ đồng
TCDN - Sau khi không trúng thầu dự án xây dựng cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành qua tỉnh Bình Phước, Tập đoàn Sơn Hải đã phản đối kết quả và gửi kiến nghị lên UBND tỉnh Bình Phước.
Trong văn bản gửi Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh Bình Phước, Tập đoàn Sơn Hải bày tỏ sự ngạc nhiên khi ngày 22/5/2025, chủ đầu tư chọn nhà thầu có giá dự thầu cao nhất trong số 5 ứng viên. Cụ thể, Sơn Hải dự thầu thấp nhất với 732,3 tỷ đồng, giảm 16,85% so với giá gói thầu hơn 880,7 tỷ. Các đối thủ còn lại gồm Cienco4 với 800,7 tỷ (giảm 8,09%), Liên danh IB2500057961 với 804 tỷ (giảm 8,7%), Liên danh Bình Phước với 836 tỷ (giảm 5,07%) và Liên danh HCM - TDM - CT với 866 tỷ, là nhà thầu có giá cao nhất, giảm 1,62%.

Tập đoàn Sơn Hải tố cáo dấu hiệu bất thường trong quá trình trượt thầu cao tốc gần 1.500 tỷ đồng ở Bình Phước.
Tập đoàn Sơn Hải cho biết họ đã rất bất ngờ vì chủ đầu tư lại lựa chọn nhà thầu có giá dự thầu cao nhất, trong khi nhiều doanh nghiệp lớn, có uy tín như Cienco4, Vinaconex, Đèo Cả đều bị loại vì lý do không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật. Họ nghi ngờ quy trình đấu thầu có dấu hiệu làm trái quy định pháp luật, điều này có thể dẫn đến thất thoát ngân sách Nhà nước hơn 113 tỷ đồng và gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, lợi ích của doanh nghiệp.
Tập đoàn Sơn Hải đã chính thức phản đối kết quả trúng thầu và gửi kiến nghị tới UBND tỉnh Bình Phước để được xem xét, đồng thời đã trình báo vụ việc đến các cơ quan chức năng để làm rõ.
Dự án cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành qua Bình Phước được UBND tỉnh phê duyệt ngày 12/12/2024, dài khoảng 6,6 km, tổng mức đầu tư khoảng 1.474 tỷ đồng, gồm vốn trung ương 1.000 tỷ, ngân sách tỉnh 474 tỷ. Giai đoạn đầu của dự án dự kiến thi công phân kỳ, với thành phẩm gồm 4 làn xe cao tốc cùng giải phóng mặt bằng đồng bộ. Dự kiến hoàn thành vào năm 2026.
Về thiết kế, tuyến đường có hai nút giao chính: một kết nối với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành, và một với Quốc lộ 14. Ngoài ra còn có vị trí lối ra vào gần đường N14 trong quy hoạch Khu công nghiệp Becamex Bình Phước, kết hợp với lối ra vào ở tỉnh Bình Dương để đảm bảo sự liên kết thuận tiện.
Trong tuyến còn có ba hầm chui: hai nằm trước và sau nút giao với cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, một nằm tại giao lộ với đường N15 trong khu công nghiệp Becamex Bình Phước.
Dự án cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là một trong tám dự án trọng điểm quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là tuyến giao thông chiến lược, kết nối Tây Nguyên và các trung tâm công nghiệp lớn của Bình Dương, Bình Phước, hướng về TP.HCM.
Thông tin với báo chí, ông Đinh Tiến Hải, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng (Ban QLDA) tỉnh Bình Phước, cho biết, trong ngày 26/5, trước các xôn xao về văn bản của Tập đoàn Sơn Hải, UBND tỉnh Bình Phước đã yêu cầu Ban QLDA báo cáo vụ việc thông qua văn bản số 2400/UBND-TH. Do đó, Ban QLDA đã trình báo cáo nhanh về vụ việc này.

Sau khi không trúng thầu dự án xây dựng cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành qua tỉnh Bình Phước, Tập đoàn Sơn Hải đã phản đối kết quả và gửi kiến nghị lên UBND tỉnh Bình Phước.
Theo Ban QLDA tỉnh Bình Phước, hồ sơ mời thầu và kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án cao tốc đã được UBND tỉnh phê duyệt đúng quy định. Gói thầu xây dựng tuyến cao tốc Tp.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đoạn qua Bình Phước, được thực hiện bằng hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng internet. Đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu là Công ty cổ phần Tư vấn Văn Phú, và tổ chuyên gia được thành lập bởi đơn vị này.
Ngày 24/2/2025, Ban QLDA đã phê duyệt hồ sơ mời thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, và từ thời điểm đó, hồ sơ mời thầu đã được phát hành công khai trên hệ thống này. Ngày 17/3/2025, gói thầu chính thức mở thầu với sự tham gia của 5 nhà thầu, gồm: Công ty TNHH Tập Đoàn Sơn Hải, Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4, Liên danh cao tốc IB2500057961 (gồm các công ty Đồng Thuận Hà, Đèo Cả, Hải Đăng), Liên danh cao tốc Bình Phước (gồm các công ty Hạ tầng Đại Phòng, xuất nhập khẩu Việt Nam, Cơ khí Điện Lữ Gia) và Liên danh Cao tốc HCM - TDM - CT (tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và công ty NTV Thành Phát).
Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, các nội dung đã được làm rõ theo quy trình. Ban QLDA đã tổ chức đánh giá đúng quy định và xin ý kiến của các cơ quan chức năng như Cục Quản lý đấu thầu, Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng và Cục Đăng kiểm Việt Nam, qua các văn bản số 341/QLĐT-CS (17/4/2025), 848/KTQLXD-KT&HĐXD (29/4/2025), và 2165/ĐKVN-VAR (5/5/2025). Tổ chuyên gia sau đó đã lập báo cáo đánh giá vào ngày 6/5/2025.
Dựa trên báo cáo này, Ban QLDA đã thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, và kết quả đã được công khai công khai trên hệ thống.
Trong khi đó, đến 17 giờ ngày 26/5/2025, Ban QLDA xác nhận chưa nhận được bất kỳ kiến nghị chính thức nào của Tập đoàn Sơn Hải, bằng văn bản hay qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Thông tin về văn bản phản đối của Sơn Hải chỉ biết qua báo chí và mạng xã hội.
Ông Đinh Tiến Hải khẳng định, kết quả lựa chọn nhà thầu đã được đăng tải rõ ràng trên hệ thống, kèm theo báo cáo đánh giá của tổ chuyên gia. Nếu các nhà thầu có kiến nghị về nội dung đánh giá hồ sơ dự thầu, họ cần thực hiện theo quy định tại Điều 90, 91 Luật Đấu thầu 2023. Khi nhận được kiến nghị chính thức, Ban QLDA sẽ tiến hành giải quyết theo đúng quy định pháp luật.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899