Bộ Công an phụ trách cấp, quản lý bằng lái xe?
TCDN - Bộ Công an có trách nhiệm quản lý đào tạo, sát hạch, cấp đổi và thu hồi giấy phép lái xe; quản lý quá trình chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện tham giao giao thông sau khi được cấp giấy phép lái xe?
Chính phủ vừa hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 10 tới.
Dự án luật này được tách ra từ luật Giao thông đường bộ năm 2008, do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, song song với đó là dự án luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo.
Một trong những nội dung hiện được dư luận quan tâm là việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ được giao cho Bộ Công an thực hiện, thay vì Bộ GTVT như hiện nay.
Trong đó, Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ hướng tới mục tiêu lớn nhất là bảo vệ quyền con người, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông.
Còn Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) với mục tiêu lớn nhất là đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải đường bộ.
Theo Đại tướng Tô Lâm, trong quá trình xây dựng dự Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều nước. Hầu hết các nước đều có luật chuyên biệt về trật tự, an toàn giao thông, tách bạch với quy định về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ.
Vì vậy, nội dung dự luật được thể hiện theo đúng quan điểm được Chính phủ thống nhất trong Nghị quyết 123 về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8 của Chính phủ.
Theo đó, dự Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có phạm vi điều chỉnh là quy định các vấn đề về quy tắc giao thông; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới; đào tạo, sát hạch và cấp, cấp lại, đổi, thu hồi giấy phép lái xe; điểm của giấy phép lái xe; tổ chức an toàn giao thông và chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông; các biện pháp thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm về an toàn giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, dự Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an sửa đổi một số hạng giấy phép lái xe so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 như quy định 1 hạng B để cấp bằng cho người lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ; bỏ quy định hạng E, các hạng F; quy định về điểm của giấy phép lái xe…
Ngoài ra, giấy phép lái xe có 12 điểm trong 12 tháng. Giấy phép lái xe bị trừ hết điểm sau thời hạn 6 tháng thì người lái xe phải sát hạch lại. Nếu giấy phép lái xe còn điểm thì được phục hồi 12 điểm sau 12 tháng kế tiếp.
Bộ trưởng Công an báo cáo 2 phương án quy định về việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để đưa ra xin ý kiến mặc dù “đa số thành viên Chính phủ đồng ý với phương án 1.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Công an cho biết, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp đã thống nhất để Bộ công an báo cáo Quốc hội theo phương án 1. Theo đó, việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (do Bộ Công an chủ trì).
Còn phương án 2 vẫn được Chính phủ đưa ra “để Quốc hội tham khảo” vì từ năm 2001 đến nay, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ và được thực hiện ổn định, nay đang được xã hội hóa mạnh mẽ.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899