Bộ Công Thương đề xuất giữ nguyên đầu mối quản lý xăng dầu

10/02/2023, 10:11

TCDN - Thay vì đề nghị chuyển đầu mối điều hành xăng dầu sang duy nhất Bộ Tài chính, Bộ Công Thương lần này đã bỏ đề xuất trên và đề nghị giữ nguyên các quy định hiện hành về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành như hiện tại.

Tại dự thảo lần 2 tờ trình Thủ tướng về sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83, Bộ Công Thương cho biết, mặt hàng xăng dầu hiện chịu sự quản lý và điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật và nhiều bộ, ngành khác nhau. Do đó, theo ý kiến của Bộ Công Thương, việc quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu cần có sự tham gia, phối hợp của các bộ, ngành chức năng theo từng lĩnh vực quản lý.

Bộ Công Thương đề xuất giữ nguyên các quy định hiện hành về chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành trong phân công công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu. Tuy nhiên, dự thảo cũng yêu cầu làm rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan và bổ sung nội dung: “Thời gian điều chỉnh chi phí định mức rút xuống còn 1 quý/lần. Nếu trong quý có biến động tăng, giảm từ 5% trở lên thì cho phép điều chỉnh ngay”.

Bộ Công Thương đề xuất giữ nguyên đầu mối quản lý xăng dầu. (Ảnh minh họa)

Bộ Công Thương đề xuất giữ nguyên đầu mối quản lý xăng dầu. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Công Thương, việc phân công phối hợp như vậy đã thực hiện từ nhiều năm, phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ, chức năng của từng bộ, ngành. Trong điều hành giá, Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát và hướng dẫn xác định các chi phí để công bố cho Bộ Công Thương tính toán giá cơ sở, đảm bảo giám sát, kiểm tra các chi phí chính xác, minh bạch và đúng chuyên môn.

Quan điểm ở lần dự thảo sửa Nghị định 95 này của Bộ Công Thương đã thay đổi đáng kể so với bản dự thảo được đưa ra ngày 18/1/2023. Tại bản dự thảo lần đầu, Bộ Công Thương đưa ra 3 đề xuất liên quan đến giao đầu mối phụ trách việc điều hành giá xăng dầu. Đề xuất đầu tiên liên quan đến việc giữ như các điều hành hiện nay. Đề xuất thứ 2 là giao Bộ Tài chính toàn quyền điều hành xăng dầu và đề xuất thứ ba là giao Bộ Công Thương chịu trách nhiệm tổng thể về điều hành xăng dầu.

Tuy nhiên, đề nghị chuyển quyền điều hành sang đầu mối duy nhất là Bộ Tài chính để bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành đã được phân công như trong dự thảo đã gặp phải sự phản đối quyết liệt từ Bộ Tài chính.

Trong văn bản gửi Bộ Công Thương tham gia ý kiến một số đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính khẳng định quan điểm nhất quán là cần sửa đổi Nghị định số 95 để giao thống nhất một đầu mối về Bộ Công Thương là cơ quan quản lý ngành thực hiện nhiệm vụ về xác định giá và định mức chi phí (bao gồm các nhiệm vụ về tính toán các khoản định mức trong giá cơ sở; điều hành và giám sát việc thực hiện trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu). Bộ Tài chính chỉ thực hiện chức năng thanh, kiểm tra theo đúng quy định. Phương án này đã được rà soát đánh giá từ thực tiễn, các cơ sở pháp lý.

Theo Bộ Tài chính, việc giao thống nhất nhiệm vụ về giá chuyển về Bộ Công Thương sẽ giúp cơ quan chủ trì điều hành giá nắm bắt bản chất của các yếu tố hình thành giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu phù hợp với thực tế phát sinh cũng như tăng cường công tác giám sát đối với chi phí thực hiện của các thương nhân.

Ngoài ra, điểm mới tại dự thảo lần này là Bộ Công Thương đề xuất tăng vị thế cho doanh nghiệp bán lẻ, khi cho họ được lấy hàng từ nhiều nguồn, có thể giới hạn 2-3 nguồn. Việc này nhằm đa dạng nguồn cung xăng dầu cho đại lý, tăng vị thế của doanh nghiệp bán lẻ trong đàm phán mua hàng.

Riêng về mức chiết khấu, Bộ Công Thương vẫn giữ quan điểm không quy định mức tối thiểu, với lý do để các doanh nghiệp tự quyết định, điều chỉnh linh hoạt nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích trong từng giai đoạn, phù hợp cung cầu thị trường. Trường hợp để đảm bảo lợi ích của các cửa hàng bán lẻ, khi ký hợp đồng đại lý (nhượng quyền thương mại) các đại lý cần đưa ra điều khoản về mức chiết khấu tối thiểu với đơn vị cấp hàng.

Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng nếu không quy định chiết khấu tối thiểu ở mức tỷ lệ hợp lý, họ khó duy trì hoạt động, được đối xử công bằng trong chuỗi cung ứng xăng dầu.

Liên quan tới quỹ bình ổn xăng dầu, Bộ Công Thương vẫn giữ quan điểm cần tồn tại quỹ này, bởi đây là công cụ điều hành giá linh hoạt, không phát sinh chi ngân sách và bộ máy vận hành, bảo đảm can thiệp bình ổn giá hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Bộ Công Thương cũng đề nghị bỏ hình thức tổng đại lý để giảm bớt khâu trung gian trong hệ thống, chuỗi cung ứng xăng dầu.

PV
Bạn đang đọc bài viết Bộ Công Thương đề xuất giữ nguyên đầu mối quản lý xăng dầu tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Bộ Công Thương yêu cầu tổng rà soát cấp phép đại lý xăng dầu
Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng theo nhiệm vụ, quyền hạn tăng cường hoạt động quản lý kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là rà soát việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.