Bộ Công Thương "thúc" các dự án điện trọng điểm
TCDN - Nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh ứng phó dịch Covid-19, Bộ Công Thương đang thúc đẩy các dự án trọng điểm sớm hoàn thành và đưa vào vận hành, trong đó có các dự án điện.
Thực hiện Chỉ thị số 11/2020/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh ứng phó dịch Covid-19, Bộ Công Thương đang tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án trọng điểm sớm hoàn thành và đưa vào vận hành, trong đó có các dự án điện.
Cụ thể, trong lĩnh vực điện, một số dự án trọng điểm bị vướng mắc trong quá trình triển khai, như: Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Long Phú 1, Nhiệt điện Sông Hậu 1. Trong đó, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, tổng thầu là Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) không đủ kinh nghiệm làm nhà máy nhiệt điện than, xảy ra sai phạm bị cơ quan chức năng xử lý.
Dự án nhiệt điện Long Phú 1 chậm do Tổng thầu EPC là Power Machine thuộc Liên bang Nga bị phía Mỹ cấm vận, không thể sử dụng đồng USD để thực hiện giao dịch thanh toán cho các hợp đồng đã ký, Power Machine đã dừng thực hiện hợp đồng.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN - chủ đầu tư) tìm và đề xuất các giải pháp tháo gỡ để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định. Bộ Công Thương đã báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ, Ban Bí thư về Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, theo đó, thường trực Chính phủ đã họp chỉ đạo giải quyết.
Đối với Dự án Nhiệt điện Long Phú 1, Bộ Công Thương chỉ đạo PVN đàm phán với Power Machine tiếp tục thực hiện, nhằm giảm thiệt hại cho cả hai phía. Đồng thời, báo cáo Thủ tướng về phương án tổng thể giải quyết vướng mắc, trong đó có việc lập Tổ công tác chung về dự án, hiện Bộ Công Thương đang thực hiện các thủ tục thành lập.
Với Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Bộ Xây dựng có ý kiến về một số định mức dự toán xây dựng mới để PVN có cơ sở xem xét, phê duyệt áp dụng. Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục giải quyết theo thẩm quyền những vấn đề vướng mắc khác của Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 khi PVN báo cáo để sớm đưa dự án này vào vận hành.
Để giải tỏa công suất cho các dự án điện năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã trình và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung 15 công trình lưới điện truyền tải vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Theo thẩm quyền, Bộ Công Thương đã phê duyệt danh mục các công trình lưới điện 110 kV cần thực hiện để giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo trong Quy hoạch điện lực. Đồng thời, liên tục đôn đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện giải tỏa công suất cho các nhà máy điện mặt trời ở Ninh Thuận và khu vực lân cận.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng thường xuyên làm việc với các doanh nghiệp lớn trong ngành ôtô, thép, điện tử, dệt may, da giày… để thúc đẩy sản xuất công nghiệp, duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899