Bộ Tài chính: Mặt hàng xăng thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là phù hợp

18/04/2023, 19:28

TCDN - Bộ Tài chính cho biết, tại Việt Nam, mặt hàng xăng thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) từ năm 1995. Quy định này là phù hợp với mục tiêu của thuế TTĐB và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý về “Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi”. Theo VCCI, mặt hàng xăng hiện nay đang phải chịu cùng lúc hai loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Xăng không phải mặt hàng xa xỉ, nên việc đánh thuế TTĐB đối với xăng cũng là nhằm bảo vệ môi trường.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế TTĐB đối với xăng. Trong trường hợp cần thiết thì điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Tại cuộc làm việc với Hội Tư vấn Thuế Việt Nam vào tháng 9/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện vẫn không ít ý kiến đề xuất phải giảm hết thuế TTĐB đối với xăng, trong khi đó, các nước trên thế giới đang duy trì thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này để phát triển năng lượng tái tạo.

Trả lời kiến nghị của một số cử tri đề nghị bỏ thuế TTĐB đối với xăng hồi tháng 2/2023, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Thuế TTĐB thì chỉ thu thuế TTĐB đối với xăng các loại, không thu thuế TTĐB đối với dầu. Mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. Luật Thuế TTĐB không quy định giảm thuế, miễn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Về thẩm quyền, việc thực hiện điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Về kiến nghị giảm thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội phương án giảm thuế TTĐB đối với xăng và thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với xăng dầu.

Tuy nhiên, ngày 11/11/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) có Báo cáo số 362/BC-UBTVQH15 về việc tiếp thu, giải trình về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và dự thảo nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, theo đó UBTVQH có ý kiến như sau: "Các dự báo xu thế giá dầu thô thế giới năm 2023 là thấp hơn so với giá dầu năm 2022; bên cạnh đó, cùng với các chỉ số tích cực về kinh tế vĩ mô trong nước hiện nay, thì việc thiết kế cơ chế "dự phòng" trong điều hành giá xăng dầu trong nước thông qua thuế TTĐB và thuế GTGT là chưa thực sự cần thiết.

Ngoài ra, năm 2023, bên cạnh các biện pháp điều hành thị trường xăng dầu trong nước, vẫn có dư địa sử dụng công cụ thuế bảo vệ môi trường như đã thực hiện trong năm 2022. Do đó, UBTVQH xin Quốc hội cho phép không bổ sung nội dung này trong dự thảo nghị quyết".

Căn cứ ý kiến của UBTVQH nêu trên và bối cảnh kinh tế - xã hội, ngày 15/11/2022, Bộ Tài chính đã có Công văn số 11881/BTC-CST báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng việc xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế TTĐB đối với xăng và thuế GTGT đối với xăng dầu.

Đồng thời thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ dự báo diễn biến tình hình giá xăng dầu thế giới và yêu cầu kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định vĩ mô, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình UBTVQH ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, kể từ 1/1/2023 đến hết 31/12/2023, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol) là 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 1.000 đồng/lít; dầu diesel là 1.000 đồng/lít.

Về kiến nghị bỏ thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng, theo Bộ Tài chính, thuế TTĐB là loại thuế thu vào hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng (thuốc lá, rượu, bia,...), cần tiêu dùng tiết kiệm (xăng gốc hóa thạch), và những nhóm hàng hóa, dịch vụ được bộ phận người có thu nhập cao tiêu dùng cần phải điều tiết thu nhập (ô tô, máy bay, du thuyền, chơi gôn,...).

Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên hầu hết các nước đều thu thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng, ví dụ: Pháp, Đức, Ý, Anh, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Campuchia, Lào...

Tại Việt Nam, mặt hàng xăng thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB từ năm 1995. Quy định này là phù hợp với mục tiêu của thuế TTĐB và phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang là vấn đề toàn cầu, cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, cùng với các giải pháp khác thì việc thu thuế TTĐB đối với xăng như hiện nay là phù hợp, góp phần giảm phát thải.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Bộ Tài chính: Mặt hàng xăng thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là phù hợp tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Kiến nghị cân nhắc đánh thuế Tiêu thụ đặc biệt game online
Đối với đề xuất đánh Thuế tiêu thụ đặc biệt với game online, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có báo cáo đánh giá đầy đủ hơn về bức tranh của ngành này, từ doanh thu, cơ cấu, lợi ích, tính khả thi và rủi ro khi đó mới nên đưa ra quyết định áp Thuế TTĐB hay không.