Kiến nghị cân nhắc đánh thuế Tiêu thụ đặc biệt game online

31/03/2023, 16:33
báo nói -

TCDN - Đối với đề xuất đánh Thuế tiêu thụ đặc biệt với game online, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có báo cáo đánh giá đầy đủ hơn về bức tranh của ngành này, từ doanh thu, cơ cấu, lợi ích, tính khả thi và rủi ro khi đó mới nên đưa ra quyết định áp Thuế TTĐB hay không.

Tại Hội thảo góp ý về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng chưa có quốc gia nào đánh Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với game online. Hiện nay, doanh nghiệp game Việt cũng đang phải chịu sự cạnh tranh không bình đẳng với các nhà phát hành game ngoại ngay chính thị trường Việt Nam.

Tại báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Thuế TTĐB, Bộ Tài chính nêu rõ: Loại hình kinh doanh game hiện nay là mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt giới trẻ tham gia.

Từ đó, Bộ Tài chính đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung loại hình “kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng” vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất hợp lý để đảm bảo hạn chế dịch vụ này.”

Kiến nghị cân nhắc đánh Thuế tiêu thụ đặc biệt game online.

Kiến nghị cân nhắc đánh Thuế tiêu thụ đặc biệt game online.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc áp Thuế TTĐB với kinh doanh game online. 

Ông Nguyễn Xuân Cường - Chủ tịch Hội thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) cho biết, theo khảo sát của VIRESA, chỉ có 8% những người sử dụng dịch vụ có trả tiền khi chơi game online – là đối tượng mà Thuế TTĐB nhắm tới. Mục tiêu của thuế là giảm hành vi chơi game, nhưng thực tế tác động chỉ đánh vào chỉ 8% này thôi. Đa số họ là những người có nghề nghiệp ổn định và làm chủ hành vi giải trí, nhu cầu giải trí là nhu cầu hợp pháp cần được bảo vệ…

Ông Cường cũng cũng nhận định, hiện Việt Nam chưa có nhiều cơ chế để kiểm soát doanh nghiệp xuyên biên giới. Còn những doanh nghiệp trong nước tuân thủ nghiêm túc lại chịu thiệt thòi so với các doanh nghiệp nước ngoài. Có 1 doanh nghiệp hội viên của VIRESA cho biết, gần như lập tức quy mô nhân sự sẽ giảm 50% nếu bị áp thuế thật sự. Chưa kể, nếu bị áp Thuế TTĐB thì người dùng trong nước sẽ chuyển sang sử dụng sản phẩm game của nước ngoài, khó kiểm soát nội dung. Điều này cũng không đảm bảo được thông lệ quốc tế vì chưa có quốc gia nào áp Thuế TTĐB.

Bày tỏ về vấn đề này, bà Nguyễn Thùy Dung - Giám đốc SohaGame - cho biết, việc áp Thuế TTĐB không đạt được mục đích định hướng tiêu dùng và hạn chế dịch vụ. Trên thị trường đang tồn tại trò chơi được Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định cấp phép, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật Việt Nam và trò chơi không phép do nhà phát triển nước ngoài cung cấp dịch vụ qua biên giới.

“Việc đánh Thuế TTĐB chỉ có thể triển khai với trò chơi có phép thông qua doanh nghiệp trong nước, làm tăng chi phí sử dụng dịch vụ do người dùng chi trả, triệt tiêu sức cạnh tranh của trò chơi có phép. Nhu cầu giải trí của con người không bao giờ mất đi, mà sẽ dịch chuyển sang khu vực khác có chi phí sử dụng thấp hơn. Nếu như chính sách Thuế TTĐB được áp dụng, người dùng chuyển sang sử dụng các trò chơi không phép do chi phí tiêu dùng thấp. Doanh nghiệp trong nước đang kinh doanh trò chơi có phép sẽ có nguy cơ giảm mạnh doanh thu, giải thể và phá sản. Như vậy, chính sách này đang gián tiếp khuyến khích người dùng sử dụng trò chơi không phép”, bà Dung phản ánh.

Cùng quan điểm, ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến Công ty VNGGames - cho biết, tại Việt Nam, game là ngành kinh doanh có điều kiện. Tất cả game muốn phát hành chính thống đều phải được thẩm định nội dung bởi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Game đưa ra thị trường luôn có sự phân loại độ tuổi rất rõ ràng và khuyến cáo người dùng trước khi sử dụng. Hầu hết những nội dung không lành mạnh, lệch chuẩn đều đến từ các game được phát hành trái phép trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo ông Thắng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế của ngành game Việt Nam chỉ đạt mức 3-5% trên doanh thu. Đặc biệt, doanh thu ở mảng thị trường game di động của doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 22%, phần còn lại thuộc về doanh nghiệp không có trụ sở tại Việt Nam.

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, vì không phải tất cả game đều nguy hại nên nhà nước có thể điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng bằng cách kiểm soát nội dung, hạn chế nội dung game xấu - độc, khuyến khích phát triển game tốt, phục vụ cho lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao, thay vì áp Thuế TTĐB.

Đồng thuận quan điểm của ông Hiếu, Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực đề nghị “Cần có báo cáo đánh giá đầy đủ hơn về bức tranh của ngành này, từ doanh thu, cơ cấu… và câu chuyện lợi ích, chi phí tuân thủ, tính khả thi và rủi ro thực thi, thì khi đó mới nên đưa ra quyết định việc áp Thuế TTĐB hay không?”.

Hoàng Tư
Bạn đang đọc bài viết Kiến nghị cân nhắc đánh thuế Tiêu thụ đặc biệt game online tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Đề xuất đưa game online chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Kinh doanh game online tại Việt Nam là ngành có doanh thu khủng, lợi nhuận cao nhưng chỉ đóng thuế cho nhà nước 50%, còn lại chủ yếu đóng thuế cho nước ngoài. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, bổ sung dịch vụ game online vào nhóm đối tượng áp thuế này.
Đề xuất áp thuế TTĐB với đồ uống có đường, thuốc lá mới, trò chơi điện tử
Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu bổ sung áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường và dịch vụ hạn chế sử dụng như đồ uống có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; thuốc lá mới; kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng.