Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Quảng Ngãi hụt thu phải tiết kiệm chi thường xuyên hơn nữa
TCDN - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, trước mắt Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cần phải tăng cường thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN), đôn đốc kịp thời, thu đúng, thu đủ. Trong trường hợp hụt thu thì cần phải phải tiết kiệm chi thường xuyên hơn nữa.
Ông Hồ Đức Phớc - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa có buổi làm việc với tỉnh Quảng Ngãi về việc thực hiện nhiệm vụ tài chính NSNN.
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ngãi, tình hình thực hiện thu NSNN của tỉnh trong thời gian gần đây đang ngày càng gặp nhiều khó khăn, dự kiến thu NSNN trên địa bàn tỉnh năm 2021 ước đạt 18.120 tỷ đồng (không tính hoàn thuế GTGT từ hoạt động xuất khẩu), bằng 112,9% dự toán Trung ương giao, bằng 100,1% dự toán HĐND tỉnh giao. Dự kiến năm 2021, thu nội địa giảm thu so với dự toán HĐND tỉnh giao khoảng 1.977 tỷ đồng. Dự kiến thu vay vốn để bù đắp bội chi khoảng 41,3 tỷ đồng từ nguồn vay lại của Chính phủ.
Kế hoạch năm 2022, tổng thu NSNN trên địa bàn ước thu khoảng 19.096 tỷ đồng, bằng 105,4% so với ước thực hiện năm 2021. Thu nội địa dự kiến thu 11.221 tỷ đồng (theo giá dầu dự kiến 55 USD/thùng), bằng 101,3% so với ước thực hiện năm 2021. Theo dự kiến thu NSNN năm 2022 thì thu cân đối phần NSĐP được hưởng theo phân cấp là 9.484 tỷ đồng. Ước chi trong năm 2022 là 11.648 tỷ đồng.
Như vậy, dự kiến thu NSĐP được hưởng năm 2022 được tính theo tỷ lệ phần trăm chia của giai đoạn 2017 - 2022 thì ngân sách tỉnh Quảng Ngãi dự kiến mất cân đối thu chi là 2.163 tỷ đồng. Trong khi đó, dự kiến chi năm 2022 chưa bao gồm kinh phí thực hiện chính sách khuyến khích khai thác hải sản xa bờ trên các vùng biển xa theo Quyết định số 48/2010 của Thủ tướng Chính phủ (thực tế hàng năm phát sinh khoảng 500 tỷ đồng).
Để cân đối tình hình thu chi, tỉnh Quảng Ngãi đã đề xuất một số cơ chế tài chính áp dụng giai đoạn 2022 - 2025 đối với tỉnh Quảng Ngãi và phương án xử lý hụt thu ngân sách tỉnh năm 2020. Cụ thể, tỉnh Quảng Ngãi đề xuất được áp dụng tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thực hiện các thực hiện các chính sách an sinh xã hội như một số tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách. Còn đối với các định mức phân bổ chi thường xuyên như huyện đảo Lý Sơn đề nghị được bổ sung có mục tiêu hàng năm khoảng 300 tỷ đồng, và cho phép tăng định mức chi thường xuyên cho những huyện miền núi nghèo như một số tỉnh khác…
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép tỉnh Quảng Ngãi được sử dụng kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2020 của tỉnh còn dư là 345.030 triệu đồng để xử lý hụt thu cân đối NSĐP năm 2020.
“Năm 2019, do giá dầu thô thế giới giảm mạnh nên tỉnh bị hụt thu ngân sách địa phương (NSĐP) gần 2.700 tỷ đồng. Năm 2020, do tác động kép bởi đại dịch Covid-19 nên thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục gặp khó khăn, thu cân đối NSĐP năm 2020 hụt so với dự toán Trung ương lên tới 2.925 tỷ đồng. Do đó, nếu không được chuyển nguồn từ cải cách tiền lương sang thì tỉnh không còn nguồn chi”. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh lý giải.
Chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Quảng Ngãi - một tỉnh có nhiều huyện miền núi còn nghèo và kinh tế chưa phát triển. Bộ trưởng đề nghị tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các đơn vị chuyên môn của Bộ Tài chính với tỉnh Quảng Ngãi nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách của tỉnh.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, trước mắt Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cần phải tăng cường thực hiện nhiệm vụ thu NSNN, đôn đốc kịp thời, thu đúng, thu đủ. Trong trường hợp hụt thu thì cần phải phải tiết kiệm chi thường xuyên hơn nữa.
Bên cạnh đó, Quảng Ngãi cần phát huy tốt hơn nữa nội lực của mình, tìm cách thu hút và mở rộng tiềm năng đầu tư của tỉnh nhà. Bộ Tài chính sẵn sàng phối hợp và hỗ trợ địa phương trong việc xây dựng dự toán ngân sách hợp lý để tỉnh khai thác hiệu quả tiềm năng, phát triển nguồn thu ổn định, bền vững.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899