Bộ Xây dựng công bố Quy hoạch hệ thống trụ sở Làm việc của bộ, ngành

20/07/2023, 19:54
báo nói -

TCDN - Hệ thống trụ sở mới sẽ là nơi làm việc của 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ và 6 cơ quan Trung ương của các đoàn thể.

Ngày 20/7, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch xây dựng Hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030

Theo Đồ án quy hoạch trụ sở bộ, ngành gồm hai bản quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 tại hai khu vực là Tây hồ Tây và Mễ Trì. Trong đó, trụ sở mới sẽ là nơi làm việc của 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc chính phủ và 6 cơ quan Trung ương của các đoàn thể.

Nghi thức bàn giao Đồ án Quy hoạch xây dựng Hệ thống trụ sở làm việc các bộ, ngành.

Nghi thức bàn giao Đồ án Quy hoạch xây dựng Hệ thống trụ sở làm việc các bộ, ngành.

Tại khu Tây hồ Tây, theo đồ án Quy hoạch trụ sở bộ, ngành có diện tích 35ha, gồm 20,7 ha thuộc phường Xuân La (quận Tây Hồ) và 14,3ha tại phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm), sẽ bố trí 13 trụ sở làm việc có hình khối kiến trúc thống nhất về phía Bắc và Nam gắn với 2 trục đường đô thị để tạo thuận lợi cho khách và cán bộ đến tiếp cận làm việc được thuận lợi bằng phương tiện giao thông cơ giới. Các công trình trụ sở được xây dựng thống nhất chiều cao 12-25 tầng, các khối công cộng phụ trợ, dịch vụ thương mại cao 6-24 tầng, thống nhất chỉ giới xây dựng lùi so với mặt đường chính là 20m.

Đồ án quy hoạch trụ sở bộ ngành chỉ rõ đối với khu Tây Hồ Tây, giai đoạn từ năm 2023 - 2025, chuẩn bị đầu tư giai đoạn 1. Cụ thể, thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng và chuẩn bị đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan có nhu cầu cấp thiết cần di dời giai đoạn 1. Giai đoạn từ năm 2026 - 2030, thực hiện đầu tư giai đoạn 1 và chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2. Trong đó sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng và đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan có nhu cầu cấp thiết cần di dời giai đoạn 1 (hoàn thành trụ sở mới, di dời và bàn giao trụ sở cũ vào năm 2030) và chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn 2. Giai đoạn từ năm 2031 - 2035, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở các Bộ, ngành còn lại và các công trình công cộng (giai đoạn 2).

Đối với khu Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) có quy mô 55ha, với 43,6ha thuộc phường Mễ Trì và 11,4ha thuộc phường Trung Văn. Trụ sở làm việc ở đây được thiết kế cao 17-25 tầng, giáp với đại lộ Thăng Long, đường Cương Kiên và đường Lê Quang Đạo kéo dài. Các công trình dịch vụ được thiết kế cao 3-5 tầng. Hệ thống tầng hầm từ 2-5 tầng, mở trống tầng 1-2 để làm sảnh đón tiếp và tạo hướng tuyến đi lại cho người đi bộ.

Giai đoạn từ năm 2023 - 2025, tại khu vực Mễ Trì sẽ chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hoàn thành đưa công trình trụ sở Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào sử dụng. Từ năm 2026 – 2030, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng, các cơ quan khác có nhu cầu di dời. Giai đoạn năm 2030 về sau, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng các cơ quan có nhu cầu di dời.

Dự kiến số người làm việc của các cơ quan khoảng 18.700, trong đó khu Tây Hồ Tây khoảng 14.500 (gồm 1.000 người làm việc tại cơ quan dự trữ), khu Mễ Trì khoảng 4.200 người.

Phối cảnh hệ thống trụ sở làm việc các bộ, ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây.

Phối cảnh hệ thống trụ sở làm việc các bộ, ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây.

Hai khu Tây hồ Tây và Mễ Trì đều cơ bản là đất nông nghiệp, không có công trình kiến trúc xây dựng kiên cố. Khu Tây hồ Tây có nhiều thuận lợi hơn khi nằm trong lõi khu vực đã được đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, việc tổ chức lại hệ thống cơ quan quản lý hành chính nhà nước, đồng hành với cải cách phương pháp làm việc, thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là yêu cầu cấp thiết. Do đó, cần phải có một hệ thống cơ sở vật chất mới, phù hợp với các yêu cầu mới, với mô hình Chính phủ Điện tử và nâng cao hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp Trung ương.

Mục tiêu đặt ra là xây dựng hệ thống trụ sở làm việc đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng điều kiện làm việc của các bộ, ngành Trung ương; nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy hành chính, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước góp phần tinh giảm bộ máy hành chính; sắp xếp lại đô thị, giảm tải cho khu vực nội thành Hà Nội.

Sau khi Chỉnh phủ phê duyệt quy hoạch, Bộ Tài chính cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan phải di dời trụ sở lập phương án tổng thể sắp xếp lại và xử lý các cơ sở nhà, đất. Nguồn thu được từ việc xử lý nhà, đất tại vị trí cũ sẽ được ưu tiên bố trí thực hiện dự án đầu tư xây dựng trụ sở mới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cân đối, bổ sung kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện chuẩn bị đầu tư. UBND Hà Nội được giao giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong khu quy hoạch.

Hoàng Tư
Bạn đang đọc bài viết Bộ Xây dựng công bố Quy hoạch hệ thống trụ sở Làm việc của bộ, ngành tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Trụ sở của 36 bộ, ngành sẽ về Mễ Trì và Tây Hồ Tây
Đồ án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể tại Hà Nội đến năm 2030, gồm hai bản quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại hai khu vực là Tây Hồ Tây và Mễ Trì với tổng diện tích 90ha.